Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha (Ảnh: VOV)
"Từ năm 2012 đến nay, cứ vào mỗi dịp tháng 7, tôi lại trở về thăm chiến trường xưa và mỗi lần ấy tôi luôn cảm thấy có một điều gì đó níu giữ, thôi thúc đôi chân cùng cả con tim mình ở lại với miền Trung, với những đồng đội đã ngã xuống”, nhà báo, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha bắt đầu chia sẻ.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những di chứng của nó thì vẫn hiển hiện trong cuộc sống hôm nay. Trở về từ khói lửa đạn bom, những cảnh tượng tang thương, ký ức về sự chết chóc vẫn cứ đeo bám, ám ảnh tâm hồn những người cựu binh Nguyễn Thụy Kha. Bước ra khỏi cuộc chiến, từ một kỹ sư thông tin, ông đã có một sự chuyển hướng đầy táo bạo, tài tình sang báo chí, văn học, nghệ thuật. Bởi, ông tin rằng sự nghiệp của một người cầm bút sẽ giúp ông kể lại câu chuyện đời lính một cách sâu lắng nhất, chân thực nhất thể hiện sự tri ân đối với những đồng đội đã ngã xuống vì nền hòa bình độc lập của dân tộc.
Ông kể, trong vài năm trở lại đây, ông thường xuyên trở lại miền Trung và sau những chuyến đi đó, ông đã viết bộ trường ca “Cực sóng” về những chuyến tàu không số, “Màu Quảng Trị” về mảnh đất khói lửa mà ông từng tham chiến, “Biến tấu Souliko” dành tặng riêng nữ anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm…. Thế nhưng, đến năm 2012, ông thấy mình đã thực sự “có tuổi” và đã đến lúc ông nghĩ mình phải làm điều gì đó thiết thực hơn. Năm đó, ông đã trực tiếp tham gia một đại lễ cầu siêu ở Quảng Trị. Trong đêm tối, khi đèn hoa đăng được thả xuống dòng Thạch Hãn, có một nhà báo đã chụp được bức ảnh có hai luồng ánh sang lồng sâu vào nhau. Và ông nghĩ, đó là khởi đầu cho một sự hóa giải.
Rồi đến năm 2013, ông quay trở lại tổ chức một trại sáng tác về Khe Sanh tại nghĩa trang Khe Sanh. Và những năm sau đó, ông đi qua Chuông Bồn, ngã ba Đồng Lộc, nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9… “Sau mỗi chuyến đi, tôi không thể cầm được nước mắt. Có cái gì đó đã luôn níu giữ tôi ở lại với ngày xưa, với miền Trung, với đồng đội đã ngã xuống”, nhà báo Nguyễn Thụy Kha xúc động nói.
Trong sâu thẳm đôi mắt ông, tôi còn cảm nhận đó là một sự sâu nặng tình cảm với Quảng Trị. Đặc biệt, năm 2011, ông có làm chương trình “Quảng Trị - Thuở binh nhì”, trong đó, ông đã phổ nhạc bài thơ xúc động cuối cùng của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc mà ca sỹ Minh Hải đã thể hiện rất thành công. Thế rồi, ông chiêm nghiệm: “Quảng Trị là mảnh đất gắn bó với tuổi trẻ sôi nổi của chúng tôi và chỉ có Quảng Trị mới cho tôi cảm giác ấy. Nó ám ảnh tôi suốt cuộc đời. Có lẽ, tôi đã già và thường sống theo hoài niệm. Sự hy sinh của đồng đội là những điều lớn lao!”.
Đặc biệt, năm 2016, trong khi ông đang đi miền Trung thì Đài Truyền hình Việt Nam có tổ chức thu thanh “Người lính mùa Xuân về” - một ca khúc mà nhạc sỹ Doãn Nho đã phổ thơ của ông. “Sau chiến tranh, tôi về các làng quê, gặp gỡ những người lính đã báo tử rồi lại quay trở về. Họ phải đối mặt với cảnh người yêu đi lấy chồng, con thơ ngơ ngác nhìn như người xa lạ, mẹ già ôm mặt khóc… Rõ ràng những người trong cuộc không có lỗi, lỗi là do chiến tranh”, ông cho biết thêm.
Trong cái nắng gay gắt của đất trời Thủ đô, lòng ông xao xuyến, bồi hồi nhớ về “thời thanh niên sôi nổi” của mình trên mảnh đất Quảng Trị cách đây 47 năm. Nhà báo Nguyễn Thụy Kha cho biết, ông là lính Đại đội 6 - Trung đoàn Thông tin Lam Sơn. Nhiệm vụ của đoàn là phục vụ thông tin cho chiến trường Quảng Trị.
Ông có những người bạn rất thân dù không ở cùng trung đoàn. Bây giờ, mỗi lần có dịp gặp lại, anh em vẫn cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa. Thậm chí, có những người vẫn nhớ ông đã từng đưa đồng đội bị thương vào trạm phẫu thế nào? Tất cả các hoạt động giữa làn “mưa bom bão đạn” ra sao?... Rồi ông tâm tình: “Các chiến sĩ Trung đoàn 48 trụ bám ở Thành cổ coi tôi như là một người lính của trung đoàn. Đó là kỷ niệm rất đẹp trong đời tôi mặc dù… đẫm máu”.
Thế nhưng thật đặc biệt khi chiến tranh đã qua đi hơn 4 thập kỷ, ngày ông rời xa quê hương, gia đình lên đường nhập ngũ cũng trôi qua gần 5 thập kỷ, nhưng trong cuộc trò chuyện với tôi hôm nay ông đã bộc bạch: “Thú thực, tôi không hề nghĩ mình sẽ quay trở về. Trước khi đi, tất cả chúng tôi đều có giao kèo với người yêu là: Hãy đi lấy chồng!”. Và không chỉ vậy, ông còn khẳng định mặc dù làm nhiều nghề, được mọi người “tôn vinh” bằng nhiều “nhà” nhưng ông thích nhất là được gọi là “nhà binh”. Bởi, theo ông, nếu không vào chiến trường, không tham chiến và chứng kiến sự hy sinh của đồng đội thì có lẽ không có một Nguyễn Thụy Kha như ngày hôm nay.
Không chỉ có nhiều hoạt động tri ân những người đã ngã xuống, nhà báo Nguyễn Thụy Kha còn đau đáu với việc giúp đỡ thương binh. Ông kể, năm 2012, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đoàn Công Tính có tâm sự với ông rằng: “Tôi là người nổi tiếng vì những bức ảnh nhưng những người mà tôi chụp thì họ vẫn rất nghèo khó”. Nghe xong, ông cảm thấy rất đau xót và sau đó ông có đáp lại Đoàn Công Tính: “Hãy cung cấp cho tôi danh sách 10 người nghèo khó”. Cũng trong năm đó ông đã ủng hộ mỗi người 3 triệu đồng. Có thể nói ở thành phố, số tiền đó rất nhỏ. Thế nhưng, ở nông thôn, số tiền đó nếu quy ra thóc thì không hề nhỏ.
Và trong từ tận đáy lòng mình, nhà báo Nguyễn Thụy Kha nói rằng, từ nay cho đến cuối đời, ông sẽ làm hết sức mình để góp phần tri ân đến các thương binh, liệt sỹ, góp một phần nhỏ bé của mình để làm vơi đi những nỗi đau của chiến tranh.
Theo: Giang Phú/ Báo Nhà báo và Công luận