Thứ năm, ngày 28/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Cần luật hóa và có chế tài với nạn “chạy chức, chạy quyền“ (27/09/2019-7:48)
    Theo ông Vũ Mão, các cơ quan Quốc hội cần nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung Quy định 205, liên quan đến luật nào, có cần bổ sung không?
Ông Vũ Mão - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Quy định 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền sau khi ban hành đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ dư luận.

Quy định nêu cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ, các hành vi bị nghiêm cấm cũng như biện pháp xử lý khi vi phạm đối với cá nhân, đơn vị trong công tác cán bộ. Trong đó, đáng lưu ý, Bộ Chính trị nghiêm cấm thành viên cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị cung cấp tiết lộ hồ sơ nhân sự; để vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình nhằm thao túng, can thiệp công tác cán bộ...

Ông Vũ Mão - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, kiểm soát quyền lực là vấn đề rất lớn, rất được quan tâm, Đảng luôn có chủ trương phải thực hiện tốt vấn đề này. Tuy nhiên, để triển khai Quy định nói trên cần phải có nhiều biện pháp để đạt hiệu quả thông suốt, mạnh mẽ, kiên quyết, từ trên xuống dưới. 

Xây dựng Nhà nước pháp quyền thì mọi vấn đề phải minh bạch

Theo ông Vũ Mão, tiếp theo các cơ quan có trách nhiệm như Quốc hội, Chính phủ… cần có các văn bản để cụ thể hóa việc thực hiện Quy định 205 vì xây dựng Nhà nước pháp quyền thì mọi vấn đề phải minh bạch, rõ ràng, thể hiện trên những văn bản của các cơ quan Nhà nước để mọi người đều phải thực hiện.

Khẳng định việc ban hành Quy định 205 là rất cần thiết, song ông Vũ Mão cũng đặt câu hỏi: “Chúng ta có luật về công chức, luật về viên chức, luật về cán bộ, thì những cái đó đã thể hiện được chưa? Nếu thể hiện được phần nào thì chúng ta phải thực hiện tốt cái đó, đồng thời bổ sung thêm những tư tưởng chỉ đạo này để trở thành văn bản chính thống đưa vào thực hiện. Hiện nay chúng ta có rất nhiều văn bản, luật khác nhau, cũng nên hệ thống lại để các cơ quan, tổ chức, các cán bộ lãnh đạo thực hiện được chủ động, minh bạch, rõ ràng và có tính hệ thống, không chồng chéo, không lấn nhau và được thực hiện đầy đủ”.

Dựa trên Quy định này, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần xây dựng một chương trình hành động cụ thể bởi “nếu không, nó chỉ nằm trên giấy mà thôi”; đồng thời khẳng định, tiếp theo còn rất nhiều công việc cần làm vì đây mới chỉ là chủ trương. Cần chỉ rõ Quy định này sẽ được thi hành theo pháp luật nào hiện hành. Do đó, các cơ quan Quốc hội cần nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung Quy định 205, như Quy định liên quan đến luật nào, có cần bổ sung không; việc tổ chức thực hiện, quản lý liên quan thế nào với các cơ quan tư pháp, tòa án, viện kiểm sát…như thế nào?

Tham nhũng, thoái hóa thể hiện qua việc chạy chức, chạy quyền

can luat hoa va co che tai voi nan

Còn Trung tướng Khuất Duy Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 hy vọng, Quy định 205 có thể góp phần xóa bỏ tư tưởng “Một người làm quan, cả họ được nhờ”.

Trung tướng Khuất Duy Tiến nêu ví dụ: “Cứ ông là chủ tịch xã thì kéo theo con cháu, họ hàng, anh em. Tương tự, cấp trên cũng vậy. Ngoài ra còn kéo những người bợ đỡ cho mình, đấy là lợi ích nhóm, kéo bè kéo cánh”.

Bày tỏ sự ủng hộ đối với Quy định 205, Trung tướng Khuất Duy Tiến cũng cho rằng, Quy định cần được thực hiện triệt để, “trị đến nơi đến chốn”, khi phát hiện cần có các hình thức phê bình, cảnh cáo… thì bộ máy đảng, chính quyền các cấp mới trong sạch và tốt lên. “Không nên để nó kéo dài và trở thành cái xấu của dân tộc mình cũng như ở văn hóa phương Đông”, Trung tướng Tiến khẳng định.

Theo Trung tướng Khuất Duy Tiến, văn bản lần này đã quy định rất chặt chẽ, cụ thể những nội dung về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền. Đây là công việc rất cần thiết, là cơ chế góp phần triệt tiêu những mầm mống, yếu tố gây tác hại trong Đảng, chính quyền, tổ chức Nhà nước. Tuy nhiên, theo Trung tướng Khuất Duy Tiến, một điều quan trọng là phải tăng cường giáo dục ý thức chính trị cho cán bộ, đảng viên, "tức là phải tự giác, như thế mới tốt được". Mọi người phải ủng hộ, phải có những người phát hiện, chỉ ra những sai phạm để và kiên quyết xử lý./.

Theo VOV.VN

 

Các tin khác:
  • Nạn mạo danh “phóng sự truyền hình” trục lợi người bệnh (27/09/2019-7:46)
  • Cảnh giác với quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (24/09/2019-18:25)
  • Văn hóa du lịch của người Việt: Cần đẩy lên “nấc thang” cao hơn (19/09/2019-17:13)
  • Làm sao chống “chạy chức, chạy quyền”, ngăn chặn đưa người nhà vào bộ máy? (17/09/2019-15:13)
  • Mưu sinh trong chật hẹp (15/09/2019-15:47)
  • Mạng xã hội và câu chuyện truyền thông dễ dãi (11/09/2019-20:45)
  • Bắt buộc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc Bộ Y tế quản lý (11/09/2019-8:20)
  • Cẩn trọng khi quản lý thông tin cá nhân trên mạng xã hội (09/09/2019-12:20)
  • Chấn chỉnh hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí (09/09/2019-12:13)
  • Chống tham nhũng không phải là cuộc thanh trừng nội bộ (06/09/2019-12:00)