Ngày 15/8/209 Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 55-KL/TW về tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Tiếp đó, ngày 23/9/2019 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Theo đó, kiên quyết không đề xuất, quyết định những nhân sự không bảo đảm tiêu chuẩn về độ tuổi, uy tín, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết, “cục bộ”, “lợi ích nhóm”, thiếu gương mẫu, không sẵn sàng chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền hoặc cán bộ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát tiền bạc, tài sản của Nhà nước; phẩm chất, năng lực hạn chế, có biểu hiện “chạy chọt”, vận động, tranh thủ lẫn nhau; thiếu tích cực trong công tác, sợ trách nhiệm, “dĩ hoà vi quý” và những biểu hiện khác nêu trong Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị.
Sỡ dĩ như vậy vì trong thời gian qua công tác cán bộ dù đã thực hiện đúng quy trình, nhưng trên thực tế vẫn để “lọt lưới” những cán bộ cơ hội, thiếu năng lực, trong đó có nhiều cán bộ chủ chốt, cán bộ cấp cao đã bị xử lý kỷ luật.
Nhìn lại điều đó để thấy việc siết lại công tác cán bộ là hết sức cần thiết, trong đó đòi hỏi phải đặc biệt quan tâm đến kết quả làm việc của cán bộ. Chỉ có hiệu quả công việc được khẳng định qua thực tế mới là thước đo chính xác phẩm chất, năng lực cán bộ, chứ không phải là thứ cảm tính nào được tạo ra để thay thế.
Mới dây Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 1385-CV/TU về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, nhấn mạnh các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các ban cán sự đảng đảng đoàn, các ban, sở, ngành, MTTQ và đoàn thể cấp tỉnh phải thực hiện nghiêm Kết luận số 55-KL/TW của Ban Bí thư. Trong quy hoạch, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử, điều động, luân chuyển và thực hiện chính sách đối với cán bộ phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể. Những địa phương, đơn vị thực hiện không đúng sẽ xử lý nghiêm.
Đánh giá, sử dụng cán bộ lâu nay được xác định là khâu khó, nhất là đối với những nhân sự liên quan đến việc quản lý đa ngành nghề hay ở những ngành, địa phương, cơ quan có sự nhạy cảm, phức tạp.
Từ yêu cầu này đòi hỏi các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh không chỉ phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ, thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Trung ương, của tỉnh, mà trong đánh giá, sử dụng cán bộ còn phải hết sức khách quan, công tâm, để bố trí, sắp xếp được đội ngũ cán bộ thực tâm, thực tài.
Lam Vũ