Chủ nhật, ngày 19/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Cân nhắc lòng trắc ẩn (17/09/2019-8:15)
    (NLBTH) - Gần như lần nào có người xưng danh đại diện cho nhà chùa đến bán hương, hoa tôi đều mua với suy nghĩ rằng đó cũng là một cách để tạo công quả.
Hình ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet


Có lần trong chiếc khăn trùm đầu của người bán hương lộ ra nhúm tóc, tôi vẫn nghĩ dù không phải sư, nhưng họ là người ở chùa.

Tôi không mảy may nghĩ rằng có ai đó núp danh nhà chùa để kiếm chác.

Tình cờ có lần vào một khu nhà trọ thấy nhiều xe chở hương để ở đây, hỏi ra mới biết đó là của những người bán hàng mà tôi từng gặp.

Chủ nhà trọ bảo họ là người ở mạn ngoài vào thuê trọ, ra khỏi nhà thì mặc áo nhà chùa, về nhà trọ lại thay thường phục, ăn uống, nói năng như người thường.

Tôi bất ngờ với điều đó, cố tình chứng kiến, và niềm tin vỡ òa từ đó, không bao giờ mua hương, hoa của những người như thế nữa dù họ có nói khéo cỡ nào.

Chuyện mượn danh nghĩa nhà chùa và các tổ chức từ thiện để kiếm chác đã trở thành hoạt động có tổ chức nhiều năm nay. Từ bán hàng rong, vận động ủng hộ, cứu trợ, đến xin ăn...

Rất nhiều người đã tự nguyện móc túi để mua những bó hương được bán giá gấp mấy lần thị trường mà không hề mảy may tiếc, vì có niềm tin làm như thế trước sau gì rồi cũng sẽ có phúc phần.

Tương tự, có những người rút tờ tiền ra cho người ăn xin mà không quan tâm rằng bộ dang người xin tiền trước mặt mình thế nào.

Đọc những phóng sự điều tra về đường dây ăn xin cứ mỗi cuối ngày lại phải nộp tiền cho những kẻ cai quản họ, mà không khỏi bàng hoàng về sự bội tín lòng tốt.

Thậm chí còn bất bình hơn khi vô tình gặp lại những người ăn xin co ro trước đó với một bộ dạng khác hẳn, khểnh chân ngồi uống bia đâu đó.

Thậm chí có thông tin nhiều người còn dùng tiền xin được để mua ma túy...

Chúng ta đang bỏ tiền ra cho kẻ lười nhác, dính tệ nạn xã hội bằng một sự thiếu trách nhiệm hoặc cốt cho khỏi bị làm phiền.

Đáng nói là đến khi phát hiện mình cho nhầm đối tượng, nhiều người lại thường bảo rằng âu đó cũng là một cách làm phúc.

Có thật thế không, hay chúng ta đang sửa lỗi của mình một cách vụng về?

Tình trạng người ăn xin được cai quản bởi những đường dây chăn dắt và những kẻ núp danh tổ chức từ thiện, nhà chùa để bán hàng nhằm trục lợi cá nhân ngày càng nhiều hơn, là chính bởi chúng ta đang một phần dung dưỡng cho điều đó.

Khi mà chưa có một khung pháp lý đầy đủ để xử lý những vấn nạn này, thì rất cần đến sự ứng xử cân nhắc, có trách nhiệm từ mỗi người, để cuộc sống bớt đi phần xấu xí và bất lương.


An Nhiên

 

Các tin khác:
  • Thôi thúc khát vọng về Chính phủ điện tử (16/09/2019-8:10)
  • Quyết tâm chống trục lợi bảo hiểm y tế (13/09/2019-21:58)
  • Chung tay đẩy lùi bệnh lạm thu (10/09/2019-12:44)
  • Ngập lụt con đường ý thức (09/09/2019-7:32)
  • Chủ động ngăn chặn xung đột (09/09/2019-7:28)
  • Tín hiệu tích cực từ dòng vốn tín dụng (04/09/2019-8:32)
  • Điều chỉnh lòng tự trọng (03/09/2019-9:32)
  • Yêu cầu chấn chỉnh đạo đức trường học (29/08/2019-22:38)
  • Áp đặt ước mơ (27/08/2019-7:47)
  • Không nhìn nhận phiến diện (25/08/2019-20:23)