Chỉ cần lên mạng gõ 4 chữ: “Vay tiền qua mạng”, chưa đầy 5 phút đã có hàng
trăm kết quả, đủ biết loại hình này đang “nở rộ” thế nào. Ảnh: Tiến Đông
“Mật ngọt chết người”
Hơn nửa năm trước, anh Lê Văn B., ở thôn 4, xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa), đang làm việc ở một công ty điện máy gần nhà không khỏi vui mừng khi tìm ra một lối thoát cho bản thân. Chẳng là, do dính vào bài bạc, anh nợ của tín dụng đen trong xã hơn 15 triệu đồng, tài sản duy nhất anh còn lại là chiếc xe máy nhưng không dám cầm cố vì đó là phương tiện đi lại của hai vợ chồng. Hạn lãi đến ngày, anh bế tắc, xoay xở khắp nơi mà không được. Cuối cùng, nhờ một người bạn chỉ dẫn, anh tìm đến dịch vụ vay tiền qua mạng. Do là khách mới vay lần đầu nên anh B. chỉ được cấp hạn mức vay tối đa 2,5 triệu đồng. Anh B. đăng ký vay hết hạn mức. Hai tiếng sau, anh B. nhận được số tiền 2,5 triệu đồng, nhưng kèm theo điều kiện hợp đồng: Đúng 1 tháng sau phải thanh toán đủ cả gốc, lãi và phí, tổng cộng là 3.480.000 đồng. Lần vay đầu anh B. trả đúng hạn, hạn mức vay của anh cũng tăng lên. Kể từ tháng 1-2019 đến nay, anh B. đã vay - trả qua mạng trực tuyến 3 lần. Hạn mức vay cũng được tăng dần theo những lần vay trả đúng hạn sau. Ở lần vay gần nhất, anh B. được vay 10 triệu đồng, với thời hạn trả vẫn như cũ và số tiền phải trả là 13.910.000 đồng. Thế nhưng, ở lần vay này, hết thời hạn, anh B. vẫn không có khả năng trả và đó cũng là lúc anh nếm đủ “vị” và hệ lụy vay online. Mỗi ngày chậm trả, số tiền anh B. phải thanh toán tăng lên và được báo liên tục về app điện thoại. Đến ngày 30-6, sau ba tháng trễ, số tiền anh B. phải thanh toán cả gốc lẫn lãi, tiền phạt phí nộp trễ cho khoản vay tăng gấp ba lần so với số tiền vay ban đầu. Anh B. bị đòi nợ và thường xuyên nhận được thông tin đe dọa tung hình ảnh thông tin “món nợ” lên mạng xã hội. Người thân trong danh bạ điện thoại, bạn bè trên facebook của anh cũng liên tục bị quấy rầy bởi những tin nhắn với đủ lời lẽ xúc phạm. “Tôi cứ tưởng với kiểu dịch vụ vay nhanh này có thể giải quyết được phần nào bế tắc cho bản thân, ai ngờ, tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa” - anh B. bức xúc.
Thực tế, đã có nhiều khách hàng sử dụng các loại hình vay tiền qua mạng rơi vào hoàn cảnh tương tự anh B. Đa phần họ, khi được hỏi lại, đều đã nhìn ra được những kẽ hở của bản thân để bên cho vay lợi dụng. “Công ty không cung cấp rõ ràng, đầy đủ cho chúng tôi về các chi phí phát sinh từ khoản vay, ví dụ: Chỉ cung cấp mức lãi suất cho vay, không cung cấp cụ thể về phí tư vấn, phí quản lý hồ sơ... Các phí này thường chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí mà người tiêu dùng phải trả, dẫn đến người tiêu dùng không ước tính được đầy đủ tổng chi phí phải trả khi đi vay. Mặt khác, lỗi một phần ở chúng tôi đã nhẹ dạ cung cấp thông tin liên hệ của người thân, đồng nghiệp, nơi làm việc,... dẫn đến việc bị dắt mũi, buộc phải nghe theo mọi yêu cầu của họ” – anh Nguyễn Văn H., thôn Tiên Thành, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) bộc bạch.
“Bỏ ngỏ” khung pháp lý
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam có khoảng 79% số người dân không được tiếp cận với các kênh dịch vụ tài chính chính thức, dù có nhu cầu rất lớn về vay mượn. Vì vậy, việc nở rộ trào lưu cho vay trực tuyến là một xu thế tất yếu. Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định mô hình này có nhiều ưu thế vượt trội hơn so với các phương thức cho vay truyền thống như thời gian xét duyệt cho vay nhanh, giao dịch trực tuyến dễ dàng. Dẫu vậy, việc chưa quản lý được các công ty tín dụng đen hoạt động trá hình trên mạng đã, đang gây ra tình trạng “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay. Và, một quy luật bất thành văn, người tiêu dùng thiếu hiểu biết sẽ là nạn nhân đầu tiên.
Ông Trần Bá Hiền, Giám đốc Ngân hàng Thương mại CP An Bình (ABBANK) Thanh Hóa, chia sẻ: Việc vay tiền qua mạng để lại rủi ro rất lớn cho khách hàng như: Khả năng bị lộ thông tin, cũng như phải chịu một mức lãi suất khá cao. Đặc biệt, nếu dính phải công ty hoạt động tín dụng đen trá hình, khách hàng sẽ gặp không ít phiền phức, thậm chí rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Tuy nhiên, theo lời ông Hiền, không phải công ty nào tham gia cho vay trực tuyến cũng xấu. Trên thực tế, mô hình cho vay trực tuyến lần đầu xuất hiện ở Anh, sau đó đã thành công tại thị trường Mỹ và nhiều nước trên thế giới với những tên tuổi lớn như Lending Club, Prosper, SoFi... “Phải thừa nhận rằng cho vay trực tuyến là một loại hình dịch vụ tiến bộ, giải quyết được nhu cầu tiền mặt của nhiều bộ phận người tiêu dùng. Chỉ có điều, luật pháp nước ta chưa xây dựng được một khung pháp lý đủ mạnh và kịp thời để quản lý loại hình dịch vụ này, dẫn đến cả người cho vay lẫn người vay đều có khả năng gặp rủi ro cao. Thậm chí, tạo cơ hội cho nhiều công ty tín dụng đen trá hình hoạt động” – ông Hiền nói.
Thực tế, trong thời gian qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có tới 2 lần (lần thứ nhất vào giữa tháng 12-2018, lần thứ 2 vào ngày 25-1-2019) đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng lưu ý về hoạt động của mô hình cho vay trực tuyến. Theo nội dung của khuyến cáo, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý: “Người tiêu dùng cân nhắc cẩn trọng trước khi cung cấp các thông tin cá nhân để thực hiện đăng ký khoản vay, đặc biệt, nghiên cứu kỹ các mục đích sử dụng thông tin khi thực hiện giao dịch. Nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng trước khi ký, đặc biệt cần cân nhắc các chi phí phải trả khi tham gia vay trực tuyến. Yêu cầu gửi bản sao hợp đồng sau khi ký”. Dẫu vậy, trong bối cảnh hầu hết ngân hàng ngày càng thắt chặt hơn các gói vay cũng như điều kiện cho vay của mình, thì nhiều bộ phận người tiêu dùng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc “bán niềm tin” cho các loại hình cho vay trực tuyến. Chỉ hy vọng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ nghiên cứu kỹ hơn mô hình cho vay trực tuyến trong hoạt động cho vay, để sớm ban hành các quy định pháp luật nhằm bảo đảm hoạt động cho vay qua mạng phát triển lành mạnh.
Theo Nguyễn Trường/Báo Thanh Hóa điện tử