Bộ Công an đề xuất luật hóa việc cấm dùng điện thoại khi lái ô tô. (Ảnh minh họa: KT)
Bộ Công an vừa đề xuất xây dựng luật mới có tên là Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, quy định cụ thể nhiều vấn đề liên quan đến trật tự, an toàn giao thông, trong đó có điểm rất đáng chú ý là sẽ cấm sử dụng điện thoại khi điều khiển ô tô. Vậy có cần phải luật hóa quy định này hay không và nếu luật hóa thì thực thi việc cấm sử dụng điện thoại khi lái xe như thế nào để an toàn cho mọi người?
Trước tiên, quy định cấm sử dụng điện thoại khi đang lái xe (gồm cả xe máy và ô tô) rất cần nhận được sự đồng thuận của toàn dân. Bởi lẽ, dù xe máy hay ô tô đang lưu thông thì chí ít cũng phải có một sinh mạng (là lái xe) đang trực tiếp cùng chiếc xe đó tham gia giao thông bên cạnh dòng người xe khác lưu thông trên đường. Rủi ro tiềm ẩn trên đường là không loại trừ với bất cứ người hay phương tiện nào.
Việc vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại với bất kỳ mục đích gì thì cũng đều là hành động làm phân tán sự tập trung của lái xe ra khỏi việc chính là điều khiển xe đúng luật và tư thế sẵn sàng xử lý tình huống bất trắc trên đường mang đến. Vì thế, vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại là tiềm ẩn tai nạn và rủi ro này đa hướng.
Còn nhớ đầu năm 2018, Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức đã công bố các nghiên cứu về hành vi sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông ở Việt Nam (hành vi uy hiếp an toàn này đã được cảnh báo và xử phạt trong một số nghị định, nhưng chưa được luật hoá).
Kết quả nghiên cứu này cho thấy, tỷ lệ sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện hàng ngày cao nhất rơi vào nhóm lái xe tải (50%), tiếp đến là lái xe con (39%), nhóm lái xe khách/xe buýt (37%) và thấp nhất là nhóm lái xe máy (8%). Đồng thời, hình thức sử dụng phổ biến là gọi điện thoại dạng cầm tay và nhắn tin, có rất ít người gọi điện thoại dạng rảnh tay. Không những thế, chỉ khoảng 6% dừng hẳn xe vào lề đường để nghe điện thoại, 33% chuyển vào làn giáp lề và đi chậm lại, còn khoảng 61% vẫn giữ tốc độ xe chạy như các xe khác trên đường.
Đặc biệt, việc sử dụng điện thoại trong khi điều khiển phương tiện gây ra 6% - 8% tổng số vụ tai nạn giao thông. Một kết quả nghiên cứu thực nghiệm trên sa hình ôtô cho thấy, sử dụng điện thoại khi đang lái xe có thể làm xác suất xảy ra tai nạn giao thông tăng cao gấp gần 3 lần so với trường hợp không sử dụng điện thoại.
Nếu soi những con số trên với số người thương vong vì tai nạn giao thông ở Việt Nam sẽ thấy sử dụng điện thoại khi lái xe đáng sợ đến mức nào. Đơn cử, số liệu mới nhất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa công bố cho biết, 9 tháng tính từ ngày 15/12/2018 đến 14/9/2019, cả nước xảy ra 12.675 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.659 người, bị thương 9.619 người. Như vậy, trung bình mỗi tháng có tới gần 630 người chết vì tai nạn giao thông.
Tính xa hơn, từ năm 2009 đến tháng 5/2019, toàn quốc đã xảy ra 326.299 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 97.721 người, bị thương 329.756 người. Trung bình mỗi năm, tai nạn gia thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người, trong đó đa số là lực lượng đang trong độ tuổi lao động. Những tổn thất này không chỉ tác động trực tiếp đến nạn nhân, gia đình nạn nhân mà còn hàng loạt hệ lụy khác cho xã hội, góp thêm rào cản phát triển đất nước.
Vẫn biết không phải mọi tổn thất vì tai nạn giao thông đều do sử dụng điện thoại di động khi lái xe. Nhưng hành vi tiềm ẩn rủi ro đó mà chưa bị cấm tức là chúng ta vẫn để thêm cửa cho những nguy cơ tai nạn có cơ hội thành hiện thực. Trong khi đó, theo Bộ Công an, Luật Giao thông đường bộ hiện hành mới chỉ có quy định người điều khiển mô tô hai bánh, mô tô ba bánh, xe máy không được sử dụng điện thoại di động còn người điều khiển ô tô thì không quy định.
Hơn nữa, hành vi sử dụng điện thoại cầm tay khi điều khiển phương tiện cơ giới bị cấm trong Công ước quốc tế về Giao thông đường bộ mà Việt Nam tham gia và cam kết thực hiện.
Cho nên, muộn còn hơn không, cấm sử dụng điện thoại khi đang lái xe là nhu cầu cấp thiết để làm tiền đề giảm rủi ro cho người tham gia giao thông và toàn xã hội. Việc luật hóa quy định cấm này cũng rất cần thiết để tăng giá trị pháp lý cho quy định. Tất nhiên, khi luật hóa quy định này, muốn thực thi có hiệu quả thực sự, ngoài việc cần những chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm thì cũng rất cần những giải pháp một cách khoa học và khả thi để giám sát thực thi. Bằng không, luật hóa quy định cấm sử dụng điện thoại khi đang lái xe cũng sẽ chỉ góp phần tăng số lượng điều luật./.
Theo Xuân Thân/VOV-TP HCM