Đi trên nhiều con đường chúng ta không còn nhìn thấy những cây xanh lớn nữa. Phần bị gãy đổ do thiên tai, phần bị chặt hạ bởi sự thiếu ý thức của cư dân. Điều này diễn ra nhiều nhất ở các khu đô thị hình thành sau năm 2000.
Tại những khu đô thị mới hệ thống cây xanh được quy hoạch và đầu tư song hành với hạ tầng kỹ thuật, nhưng vì thiếu tính toán chính xác vị trí trồng nên nhiều cây xanh đã bị chặt hạ. Có thể nhận ra điều đó ở các khu đô thị như Đông Bắc Ga, Bắc Đại lộ Lê Lợi, Bắc sông Hạc, Đông Vệ...
Trồng cây phải phù hợp vị trí và được bảo vệ đảm bảo sự sinh trưởng, nhưng dường như tình trạng này đã không diễn ra theo đúng quy trình. Đô thị thành lập, cây xanh trồng xong, cư dân đến ở rồi bị chặt hạ mà gần như không có sự xin phép.
Có nhiều lý do để cây xanh trước nhà bị chặt. Có thể do loại cây không phù hợp nên chủ nhà chặt để trồng cây khác. Có thể do cây không trồng đúng vị trí. Còn có những cây bị chặt để tiện lợi cho đậu đỗ xe, kinh doanh...
Nhìn chung là có rất nhiều lý do để cây xanh bị chặt. Người chặt thản nhiên, người chứng kiến cũng chẳng mấy ai lên tiếng, và cũng ít thấy sự cấm cản đủ mạnh đến từ cơ quan chức năng.
Còn có tình trạng khác, dù cây không bị chặt gốc nhưng lại bị chặt trụi cành với lý do để tránh va đập vào nhà khi bão gió.
Theo quy định, nhiệm vụ cắt tỉa cành cây xanh đô thị phải được lập kế hoạch và thực hiện bởi Công ty cây xanh chiếu sáng, nhưng nhiều gia đình lại đang tự ý làm thay phần việc này.
Nghị định số 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị quy định cấm tự ý chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, tỉa cành, đào gốc, chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép. Quy định là thế nhưng nhiều người dân không biết hoặc cố tình lờ đi, trong khi đó sự tuyên truyền, can thiệp từ cơ quan có chức năng lại cho thấy sự yếu ớt và không kịp thời, dẫn đến cây xanh bị chặt hạ là điều tất yếu.
Cần khoảng 10 năm để cây xanh trưởng thành, trong khi để lấp đầy một khu đô thị phải mất hơn chục năm. Nghĩa là khi cây xanh đã ổn định, người dân đến ở nhưng không ưng ý thì cây vẫn bị chặt hạ để trồng cây khác, và lại mất 10 năm để cây trưởng thành.
Thời gian gần đây việc cải tạo hệ thống sông, hồ trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đã góp phần điều hòa môi trường đô thị. Nhưng để nâng cao chất lượng môi trường, bên cạnh nguồn nước còn phải là cây xanh. Tình trạng này còn tiếp tục sẽ đe dọa mất cân bằng sinh thái và cảnh quan của thành phố Thanh Hóa.
Lam Vũ