Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang tại Hội nghị triển khai Luật Phòng,
chống tác hại của rượu, bia diễn ra ngày 16/10.
Nước hoa quả lên men đều được coi là “rượu”
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang giải thích thuật ngữ về “rượu” trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được Quốc hội thông qua tháng 6/2019 và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2020. Theo đó, tại Điều 2 của Luật, tất cả các đồ uống chứa cồn thực phẩm được sản xuất từ quá trình lên men của các loại ngũ cốc, dịch đường, cây, củ, quả hoặc đồ uống pha chế từ cồn thực phẩm đều được coi là rượu, là đồ uống có cồn và phải được điều chỉnh ở Luật này.
“Có một số loại nước hoa quả lên men cũng sẽ phải chịu sự điều chỉnh của Luật. Điều này khác với chính sách hiện nay, tức là chúng ta đã quản lý toàn bộ các loại đồ uống có cồn và không loại trừ bất cứ đồ uống có cồn nào. Thực tế, học sinh ở các trường phổ thông đang sử dụng rất nhiều các loại nước hoa quả lên men, bởi vì chưa được tuyên truyền đó cũng là đồ uống có cồn. Có những loại độ cồn lên tới 4,5 độ”, bà Trang trình bày tại Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo quy định hiện hành, người điều khiển ô tô nồng độ cồn phải bằng 0 và người điều khiển xe máy vẫn có ngưỡng cho phép. Nhưng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định nồng độ cồn trong máu và hơi thở bằng 0 với tất cả những người điều khiển phương tiện giao thông. Điều này đồng nghĩa, con số 33 triệu xe máy - tương ứng là số người đi xe máy phải thay đổi về mặt hành vi.
“Đây là quy định đầy “thách thức” và những người chịu thách thức nhiều nhất là lực lượng chức năng của ngành giao thông, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia…”, bà Trang nói.
Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), có thực tế là sử dụng một số thực phẩm có đường dễ lên men hoặc các sản phẩm trái cây như nho, sầu riêng… dễ tạo hàm lượng cồn nhất định. Tuy nhiên, nồng độ cồn tự nhiên thấp, không đáng kể. Điều này sẽ được Bộ Y tế phổ biến để lực lượng chức năng xử lý hợp lý.
Luật sẽ bảo vệ giới trẻ khỏi tác động của rượu bia
Sau 7 năm nghiên cứu, xây dựng, ngày 14/6/2019, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội khóa XIV thông qua. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời, Luật đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao vì có những quy định mạnh mẽ.
Trưởng Văn phòng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, ông Kidong Park khẳng định: “Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của luật là bảo vệ người dân, đặc biệt là giới trẻ khỏi những tác động của rượu bia. Luật sẽ cấm việc khuyến khích, ép buộc người khác sử dụng rượu bia, bán rượu bia và sử dụng rượu bia như sản phẩm khuyến mại cho người dưới 18 tuổi, cấm sử dụng rượu bia khi điều khiển các phương tiện giao thông”.
Về một số điểm mới của Luật, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cũng cho biết, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia có 7 chương và 36 điều, gồm những biện pháp cơ bản để quản lý, cũng như giảm thiểu tác hại của rượu bia tới sức khỏe, kinh tế và xã hội. Trong đó, có 5 nội dung cần phải triển khai là các biện pháp để giảm mức tiêu thụ rượu bia cao ở Việt Nam (80% người dân có sử dụng rượu bia); giảm 44% nam giới uống rượu bia ở mức có hại; quản lý việc cung cấp rượu bia, như hạn chế tính sẵn có và quá dễ tiếp cận.
Với việc giảm tính sẵn có của rượu bia, Luật đang quy định một số điểm không được bán rượu, bia là các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở vui chơi, các địa điểm công cộng giải trí, cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội, nơi làm việc của các cơ quan… Tuy nhiên, theo bà Trang, hiện nay Chính phủ đang đề xuất sẽ có thêm khoảng hai điểm nữa sẽ bị cấm bán rượu bia là rạp chiếu phim và công viên./.
Theo: Thiên Bình/ VOV.VN