Sinh ra và lớn lên từ hạt lúa củ khoai, từng lấm lem với mùi bùn đất nên ông Nguyễn Hữu Ngôn hiểu hơn ai hết nỗi vất vả, khó nhọc của người nông dân. Rồi theo năm tháng, tình yêu ấy cứ lớn dần lên, với mong muốn “làm một điều gì đó để sau này con cháu chúng ta có thể biết được thế hệ ông cha đi trước đã từng lam lũ, vất vả như thế nào?”. Ông rong ruổi về từng làng quê, ngõ xóm để tìm kiếm, nhặt nhạnh những “thứ vứt đi”. Những vật dụng “nho nhỏ” thì được bà con tặng, những đồ có giá trị thì ông bỏ tiền ra mua. Khoản tiền lương hàng tháng đều bị ông đem “nướng” vào cái sở thích “khác người” này.
Và rồi những “thứ vứt đi” cứ lần lượt theo ông về nhà, lúc là cái liềm, cái hái, cái niêu đất… của mấy bác nông dân; lúc là cái bát, cái đĩa, cái vại, cái cối… khi là cái mõ, cái dón… của người Mường; cái cung, cái ná, cái gùi của người Thái. Không quản mưa nắng, ngược xuôi hễ nghe tin ở đâu có đồ vật “vứt đi” là ông tìm tới… Hơn 30 năm trôi qua, hàng ngàn hiện vật đã “hội tụ” về ngôi nhà 3 tầng được bạn bè mệnh danh là “Bảo tàng mini” này.
Ông yêu vẻ đẹp mộc mạc, thô ráp, giản dị đến mức giành toàn bộ tầng 3 của ngôi nhà đã trở thành nhà trưng bày nho nhỏ nhưng rất công phu về đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân Bắc Trung Bộ. Chỗ này là hệ thống các công cụ làm đất (mảnh, tước, rìu đá, rìu đồng, cày, bừa…); công cụ làm cỏ (các loại cào, nạn, dao phạt, liềm…); chỗ kia là công cụ chế biến sản phẩm nông nghiệp (các loại cối xay, cối giã, các loại nồi, chõ, niếng...); công cụ lưu giữ, bảo quản lương thực, thực phẩm (đồ sành, gốm, sứ như vò, âu, ang, vại, chum, xồm, kiệu...); sản phẩm của các ngành nghề, các làng nghề (sản phẩm đan lát, nghề đúc, nghề mộc, nề...)…. Ông hiểu rành rẽ từ hình dáng, chất liệu đến công năng của chúng… rồi trình diễn thao tác thành thục tựa như chủ nhân thực sự của đồ vật xưa.
Mọi người thường vẫn hay đùa rằng, ông là “kẻ đa tình”, bởi ngoài việc gom nhặt những nông cụ, đồ dùng sinh hoạt của người nông dân từ “ngày xửa ngày xưa” ông còn tìm tòi rồi đưa về hàng nghìn chiếc đồng hồ tích tắc ở các nước châu Á, châu Âu…
Trong hàng nghìn hiện vật của ông Ngôn, bộ sưu tập với hàng nghìn con tem phong phú các chủ đề: Sự kiện lịch sử, Bác Hồ, trang phục các dân tộc anh em…. cũng khiến người xem phải trầm trồ.
Ngôi nhà 3 tầng của gia đình ông, trong cũng như ngoài, chỗ nào trống đều là chỗ của những “người bạn ông nặng lòng yêu” này. Mọi thứ đều ngoan ngoãn “ngồi” đúng vị trí của mình.
Gia tài lớn nhất của ông là một “bảo tàng tại gia” với đủ các loại hiện vật sưu tầm, bày từ cổng vào đến tít tận căn phòng áp mái, ông còn tham gia viết sách giới thiệu về văn hóa du lịch, ẩm thực của tỉnh Thanh. Những năm gần đây ông luôn được mọi người nhắc đến với cái tên Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Ngôn.
Theo: Hoài Thu/Báo Thanh Hóa điện tử