Một người làm báo ở thành phố Thanh Hóa phàn nàn chị vừa bị đối tượng gọi điện thoại đề nghị cung cấp số tài khoản ngân hàng để thực hiện việc làm có lợi cho chị. Sau khi cung cấp số tài khoản chỉ vài phút số tiền đã không còn nữa. Chị từng tiếp xúc với nhiều nạn nhận của các vụ lừa đảo để lấy thông tin viết bài, và giờ thì chị cũng như họ bởi không làm chủ được cảm xúc trước nguồn thông tin.
Việc thiếu kiến thức và tỉnh táo đang khiến nhiều người dân bị động chạy theo sự dẫn dắt của tội phạm. Cùng với đó là sự trỗi dậy của lòng tham, đóng vai trò là kẻ thù lớn nhất xô đẩy họ vướng vào vòng lao lý hoặc trở nên trắng tay.
Dù thời gian qua các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan truyền thông đã liên tục thông tin, cảnh báo những vụ việc lừa đảo của tội phạm, nhưng nhiều người dân vẫn mụ mị, nếu không muốn nói là có người vẫn phớt lờ.
Sẽ rất khó để có sự kiểm soát đầy đủ, hiệu quả các hành vi lừa đảo trước sự xuất hiện ngày càng nhiều và tinh vi hơn của tội phạm. Trước tiên và trên hết vẫn phải là nhận thức, đề cao cảnh giác từ mỗi người dân.
Chúng ta đã có nhiều bài học đau xót về tình trạng chiếm dụng lòng tin để thực hiện các hành vi lừa đảo như góp họ, huy động vốn đầu tư hay bán hàng đa cấp... Những thủ đoạn mà nhiều người biết nhưng rồi vẫn mắc phải, thậm chí có nạn nhân bị hại nhiều lần.
Tình trạng này cho thấy “lỗ hổng” lòng tin trong dân cư là không hề nhỏ. Cùng với đó, việc phát triển nhanh chóng của các hạ tầng viễn thông, thông tin càng cho phép tội phạm dễ dàng lôi kéo, dụ dỗ người dân.
Để ngăn chặn tiến tới đẩy lùi loại tội phạm này nguy hiểm nay, cùng với tăng cường phát hiện, đấu tranh, triệt phá, cơ quan bảo vệ pháp luật cần tiếp tục trang bị kiến thức, kỹ năng nhận biết về dấu hiệu tội phạm cho người dân.
Hơn thế phải là sự thay đổi nhận thức, đó là không có lợi ích nào bỗng dưng đến, cũng không có nguy cơ nào có thể đe dọa nếu mình không làm sai.
Chỉ khi nào nhận thức đúng người dân mới đưa ra được ứng xử phù hợp trong từng tình huống.
An Nhiên