Thứ năm, ngày 28/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Tin đồn trên mạng xã hội: Biến tướng của truyền thông bất lương? (06/12/2019-9:39)
    Những tưởng chỉ người nông dân sau lũy tre làng mới phải quỵ ngã vì những tin đồn thất thiệt, vì vải thiều liên quan tới viêm não Nhật Bản B, hay ăn bưởi gây ung thư,… Thì nay, cả những doanh nghiệp Việt đang vươn mình ra biển lớn cũng khốn đốn vì tin đồn có động cơ khuất tất, bất lương.
Sữa là sản phẩm thường xuyên bị tấn công bởi tin giả, tin đồn thất thiệt.

1. Tình trạng những kẻ bất lương “đánh” vào các ngành nông nghiệp, thực phẩm, gây sợ hãi cho người tiêu dùng qua báo chí đã khởi phát từ 15 năm trước, với cách thức bị gọi là “truyền thông bất lương” và thành “mốt” sau này với sự phát triển của mạng xã hội.

Tháng 7/2005, các tờ báo đăng tin một tổ chức ở Bỉ cáo buộc nước tương Chin-su chứa 3-MCPD, sau đó là chiến dịch truyền thông rầm rộ về nguy cơ chất này gây ung thư. Tháng 10/2016, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng, một cách “tự phát” đã mang cả trăm mẫu mắm đi kiểm nghiệm. Kết quả là nước mắm truyền thống có chỉ số asen vượt ngưỡng. Tuy nhiên, chuyện asen trong mắm truyền thống là asen hữu cơ, vô hại bị lờ đi. Truyền thông lại rầm rộ thạch tín - asen độc hại, chết người,... Hàng loạt nhãn nước mắm truyền thống Việt bị đẩy ra trước vực thẳm.

Cuối năm 2012, hàng ngàn người trồng chuối ở Quảng Ngãi lâm vào cảnh khốn đốn khi đặc sản chuối ở đây bị tẩy chay vì nghi ngờ có chất gây ung thư, phải đem cho bò ăn hoặc để thối ngoài vườn.

Cùng với chuối, bưởi Việt Nam cũng cũng từng bị “bức tử”. Thông tin ăn bưởi có nguy cơ ung thư bắt đầu từ tháng 7/2007 do BBC New và Daily Mail (Anh) đăng tải, dựa trên kết quả khảo sát của Đại học Nam California và Hawaii (Mỹ). Mặc dù bưởi trong nghiên cứu là bưởi chùm ở một số nước châu Mỹ, không liên quan gì tới bưởi Việt Nam, nhưng cách thức đưa tin của truyền thông Việt Nam đã khiến người nông dân Việt rớt nước mắt vì bao mùa bưởi thất thu oan uổng.

Ngoài ra, còn đầy rẫy những thông tin “luộc ngô bằng bột thông cống”, “nước phở Hà Nội được chế sẵn từ nước luộc và ép các loại thịt ôi thiu làm ruốc”,…gây bao hoảng loạn trong xã hội.

2. Gần đây và gây thiệt hại không thể đo đếm, đoán lường là tin thất thiệt trên mạng xã hội Facebook. Cụ thể, một tài khoản Facebook cá nhân đã đăng tải một số hình ảnh được cho là danh sách nhập khẩu nguyên liệu của Công ty Vinamilk, phần lớn trong số này là bột sữa gầy, dẫn tới những chia sẻ, bình luận tiêu cực về chất lượng sản phẩm.

Để tránh gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm sữa Vinamilk, ngày 30/11/2019, Giám đốc điều hành Vinamilk Phan Minh Tiên đã có thông cáo minh bạch về nguồn nguyên liệu sản xuất sữa của doanh nghiệp.

Theo đó, để sản xuất các sản phẩm sữa bột (trẻ em và người lớn) và bột dinh dưỡng, ngoài việc sử dụng các nguyên liệu trong nước, Vinamilk đồng thời thực hiện việc nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Đối với các sản phẩm sữa bột, nguyên liệu sữa được nhập khẩu để sản xuất sữa bột đều có xuất xứ/nguồn gốc 100% từ các nước Mỹ, Úc, New Zealand, EU và Nhật Bản.

Dính tin đồn nguyên liệu sữa bột nhập khẩu, vốn hóa Vinamilk bị thổi bay hơn 5.500 tỷ đồng.
Dính tin đồn nguyên liệu sữa bột nhập khẩu, vốn hóa Vinamilk bị thổi bay hơn 5.500 tỷ đồng.

Để phục vụ sản xuất các sản phẩm sữa tươi, Vinamilk đã và đang đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu. Công ty đang sở hữu 12 trang trại bò sữa, hợp tác và ký hợp đồng trực tiếp với gần 6.000 hộ chăn nuôi bò sữa, quản lý gần 130.000 con bò với sản lượng sữa tươi nguyên liệu từ 950 tấn – 1.000 tấn/ngày. Tất cả các sản phẩm sữa tươi Vinamilk đều được sản xuất từ 100% sữa tươi nguyên liệu, đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi nguyên liệu do Bộ trưởng NN&PTNT ban hành…

Thế rồi, dù đã có những giải thích, minh bạch thông tin kịp thời, nhưng những tin đồn chưa được kiểm chứng trên cũng đã kịp đẩy giá cổ phiếu Vinamilk giảm sâu. Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/12, vốn hoá Vinamilk đã bị “thổi bay” hơn 5.572 tỷ đồng - một con số đủ khiến không chỉ cho cổ đông, mà còn khiến hàng vạn công nhân, nông dân hoảng loạn.

3. Bên cạnh tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, tin giả thậm chí có thể cướp đi cả tính mạng của một con người, và hơn thế nữa… Tại Việt Nam, trong khoảng 2 năm qua đã có hàng loạt tin giả được tung lên không gian mạng, gây xôn xao dư luận, như vụ máy bay rơi, trẻ em nhập viện vì thịt lợn chứa chất an thần, thổi phồng về dịch tả lợn châu Phi, tin giả về bệnh sán lợn,… khiến dư luận hoang mang, bức xúc.

Nhưng không thể cứ chỉ là hoang mang, bức xúc, hoảng loạn. Không thể để mãi tái diễn tình trạng có những doanh nghiệp chỉ trong phút chốc bỗng bị bốc hơi cả ngàn tỷ trên thị trường chứng khoán chỉ vì những tin đồn thất thiệt…

Mạng xã hội càng phát triển mạnh, những thông tin thất thiệt, xấu độc càng có thêm không gian để phát triển và gây hệ lụy ngày càng lớn.

Thế nên, vấn đề quan trọng, bức thiết nhất lúc này là phải hành động, phải có biện pháp quyết liệt với vấn nạn này.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã ban hành những đạo luật ngăn chặn vấn nạn này. Mức phạt tin giả của Pháp và Nga lần lượt lên đến hàng chục nghìn Euro và 1,5 triệu Rubble, tương đương gần 23.000 USD (hơn 500 triệu đồng). Nước gần đây nhất trong khu vực ASEAN có quy định xử lý an ninh mạng là Singapore, với chế tài rất nghiêm: Mức phạt với hành vi vi phạm có thể lên tới hàng chục triệu USD; đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự.

Còn tại Việt Nam? “Việt Nam đã có hành lang pháp lý cho hành vi phát tán tin giả, được quy định trong luật An ninh mạng và Bộ Luật Hình sự. Cụ thể, hành vi phát tán tin tức giả sẽ bị phạt hành chính nặng nhẹ tùy theo mức độ. Trong trường hợp có dấu hiệu cấu thành tội phạm, người tung tin có thể bị truy cứu hình sự và phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội vu khống”, PGS.TS, Đại tá Đỗ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù đã có khung pháp lý nhằm răn đe các hành vi liên quan đến tin giả, nhưng thực tế xử lý tại Việt Nam đều mang tính “giơ cao đánh khẽ”, phạt xong “đâu lại vào đó”.

Người Việt Nam có câu “được vạ thì má đã sưng”. Nếu chúng ta không nhanh chóng có những giải pháp mang tính pháp lý mạnh mẽ với vấn nạn tin giả thì sẽ còn rất nhiều những thảm kịch gây nên bởi thông tin thất thiệt, sẽ còn rất nhiều những doanh nghiệp sẽ phải trong cảnh điêu đứng như Vinamilk…

Cần nhìn lại một thực tế rằng: Rất nhiều trong số những kẻ tạo tin giả, tung tin thất thiệt không phải đơn thuần là để câu view, like, share, mà đó là dấu hiệu của một dạng tội phạm cực kỳ nguy hiểm trong thời đại số không dễ đoán, không dễ lường. Thế nên, những biện pháp mạnh với những chế tài nghiêm minh, xử lý những kẻ tung tin giả, sẽ là phần việc bức thiết nhất lúc này.

Theo: Kiên Giang/Báo Nhà báo và Công luận


 

 

Các tin khác:
  • Nhiều công chức chưa hiểu mình là “công bộc của dân” (28/11/2019-16:15)
  • Xôn xao việc có kẻ mạo danh Chủ tịch tỉnh nhắn tin chỉ đạo doanh nghiệp và mượn tiền phóng viên (26/11/2019-15:24)
  • Tuổi trẻ vun đắp văn hóa ứng xử trên mạng xã hội (25/11/2019-17:09)
  • An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy (25/11/2019-8:37)
  • Khởi động Cuộc thi viết “Ý tưởng sáng tạo của thanh niên với văn hóa giao thông” (21/11/2019-14:24)
  • Khi thầy cô “ươm mầm” hạnh phúc (19/11/2019-11:07)
  • Nhiều chính sách BHXH, BHYT sẽ thay đổi vào 1/7/2020 (15/11/2019-13:11)
  • Hưởng lương hưu từ BHXH tự nguyện: Chỉ cần đóng 15 năm? (13/11/2019-1:46)
  • Đồng lương và vị trí việc làm (12/11/2019-8:15)
  • Kỷ luật học sinh phải mang tính giáo dục (11/11/2019-14:33)