Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện và bắt giữ một lượng hàng lớn nhập lậu.
Ảnh: qdnd.vn.
Nóng nhất trong vài ngày qua là những lô thuốc chữa bệnh (tân dược), thực phẩm, mỹ phẩm, đồ dùng không rõ nguồn gốc, là những lô hàng giả bị lực lượng chức năng bắt giữ. Trước đó, trong năm, các mặt hàng bị làm giả, như: Phân bón, thuốc trừ sâu, gas, xăng dầu cũng liên tục bị phát hiện… Tác hại của vấn nạn này là khôn lường. Đơn cử như thuốc chữa bệnh bị làm giả. Người bệnh không chỉ “tiền mất tật mang” mà còn bị nguy hiểm tới tính mạng. Đây thực sự là hành vi vô nhân đạo. Nếu từng chứng kiến người nông dân phải khóc ròng trên những ruộng lúa mất trắng do mua phải giống giả, phân bón giả, thuốc trừ sâu giả mới thấm thía mất mát mà họ phải chịu đựng. Ngoài ra, hàng giả còn dẫn tới hàng trăm vụ cháy ô tô, xe máy, hỏng động cơ mà sau này được cơ quan chức năng xác định có nguồn gốc từ xăng kém chất lượng.
Hậu quả của nạn hàng giả là rất lớn. Không chỉ người tiêu dùng mất mát mà những doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng thiệt đơn thiệt kép khi sản phẩm của mình bị làm giả. Đây là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp phá sản do hàng làm ra tiêu thụ chậm, mất uy tín. Nghiêm trọng hơn, tình trạng hàng giả không chỉ phá hoại nền sản xuất chân chính mà còn ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường.
Tết đến cũng là lúc xuất hiện nhu cầu lớn về tiêu thụ hàng hóa của người dân. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ hàng giả thường có sự chuẩn bị kỹ, số lượng lớn để tìm cách đưa ra thị trường. Với ưu thế về giá rẻ (thường rẻ hơn sản phẩm thật chính hãng), hàng giả có mặt ở nhiều phân khúc của thị trường. Không chỉ hoành hành mạnh ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hàng giả hiện diện ở đô thị cũng rất phổ biến. Đặc biệt hiện nay, việc mua bán, giao dịch trên internet khiến khâu kiểm soát, xử lý hàng giả gặp nhiều khó khăn.
Để ngăn chặn vấn nạn này đòi hỏi không chỉ sự vào cuộc của cơ quan quản lý, lực lượng chức năng mà cần sự chung tay từ chính các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vẫn phải thừa nhận, tình trạng hàng giả tràn lan một phần trách nhiệm thuộc về lực lượng chức năng trong quá trình quản lý, kiểm soát, xử lý. Ngoài những lý do khách quan như lực lượng mỏng, còn những hạn chế nhất định về chuyên môn thì không thể không nói đến chuyện có sự tiếp tay cho vấn nạn này. Tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh” không hiếm. Bởi thế, cả trước mắt và lâu dài, cần quan tâm bồi dưỡng, củng cố lực lượng này song song với xử lý nghiêm những sai phạm của đội ngũ cán bộ thi hành công vụ.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đóng vai trò quan trọng trong việc tự bảo vệ mình. Nạn hàng giả hoành hành có nguyên nhân từ sự buông lỏng trong quản lý, giám sát, phối hợp xử lý của chính doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần coi trọng việc bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm của mình mà trước tiên là chú trọng biện pháp kỹ thuật để các đối tượng khó có thể làm giả được sản phẩm của họ, như: Tem chống giả, nhãn mác, dấu hiệu nhận biết, phân biệt, hướng dẫn người tiêu dùng... Tiếp đó là cần chủ động sử dụng đến cơ chế luật pháp để bảo vệ sản phẩm của mình.
Với người tiêu dùng, chính yếu tố ham giá rẻ, thiếu hiểu biết đã vô tình tiếp tay cho nạn hàng giả. Điều này đòi hỏi người tiêu dùng không chỉ nâng cao nhận thức mà phải có trách nhiệm chung tay chống hàng giả. Đó cũng chính là cách thức bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Theo: Sơn Tuyên/ Báo QĐND