Trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2019 cho các tác giả là hội
viên các hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương
Theo đó, 73 tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc được Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật trao giải thưởng năm 2019. Tổng kinh phí cho các giải thưởng là 598 triệu đồng.
Có 10 giải thưởng dành cho các hội viên là các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương. Đó là tác phẩm Bộ chân dung văn học của tác giả Vũ Từ Trang (Hội Nhà văn Việt Nam); tác phẩm khắc gỗ Đánh cắp giấc mơ của tác giả Nguyễn Khắc Hân (Hội Mỹ thuật Việt Nam); tác phẩm thơ giao hưởng Bức phù điêu Trường Sơn của tác giả Lê Quang Vũ (Hội Nhạc sỹ Việt Nam). Bên cạnh đó là công trình nghiên cứu Tìm hiểu về truyện thơ dân gian Việt Nam của tác giả Triều Nguyên (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam); tác phẩm ảnh Bay cao trong chiến thắng của tác giả Trần Thanh Hải (Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam); tiểu thuyết Ghềnh thác cuộc đời của tác giả Hữu Tiến (Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam); công trình nghiên cứu lý luận Nghê thuật múa Việt Nam: Từ một góc nhìn của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ứng Duy Thịnh (Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam); tác phẩm Chói rạng sơn hà của nhóm tác giả: Đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Huệ, tác giả Nguyễn Sỹ Chức - Đoàn ca kịch bài Chòi Bình Định (Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam); phim truyện điện ảnh Song Lang của đạo diễn Lê Nhật Quang và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Studio 68 (Hội điện ảnh Việt Nam); công trình Cung quy hoạch, kiến trúc Bắc Ninh của kiến trúc sư Lê Hải Sơn và kiến trúc sư Chu Văn Tú (Hội Kiến trúc sư Việt Nam).
Hội đồng giải thưởng cũng trao 63 giải thưởng cho các tác giả là hội viên các Hội Văn học nghệ thuật địa phương gồm 1 giải A, 8 giải B, 22 giải C, 25 giải Khuyến khích và 7 giải tác giả trẻ. Trong đó, giải A được trao cho tác phẩm chuyên luận Then Tày – từ góc nhìn văn hóa của tác giả Vi Khánh Tuyết (Hội Văn học nghệ thuật Hà Giang).
Đánh giá về giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2019, nhà văn Tùng Điển, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, năm 2019 là năm mà các Hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố có số lượng tác phẩm tham gia cao nhất trong 20 năm qua. Các tác phẩm đã được lựa chọn kỹ từ cấp cơ sở, chất lượng các tác phẩm tham gia dự thi ngày càng nâng cao. Nhiều tác giả trẻ đã có sự tìm tòi, đổi mới trong cách thể hiện nhưng vẫn bám sát đời sống và truyền thống đạo lí của dân tộc. Đặc biệt, có nhiều tác phẩm đi vào đề tài thời sự của đất nước như vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới và hải đảo...
Theo nhà văn Tùng Điển, các tác phẩm được trao giải thưởng năm 2019 là những tác phẩm xuất sắc, thực sự đại diện cho giới văn học, nghệ thuật cả nước, đồng thời làm nên một diện mạo thực sự của Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam – một tổ chức đứng đầu nhằm tập hợp, đoàn kết, sáng tạo văn học nghệ thuật cả nước.
Quang cảnh hội nghị
Trong năm 2019, các Hội Văn học nghệ thuật dù gặp nhiều khó khăn nhưng đã tổ chức được hàng trăm trại sáng tác cho hàng ngàn văn nghệ sỹ; tổ chức được hàng chục cuộc biểu diễn múa, ca nhạc, sân khấu, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc ở; sản xuất được hàng chục phim dài và ngắn; xuất bản hàng nghìn ấn phẩm văn học nghệ thuật…
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đánh giá: Năm 2019 là năm phấn đấu nâng cao chất lượng toàn tiện của giới văn học nghệ thuật cả nước trên tất cả các mặt sáng tác, quảng bá, lý luận phê bình, hội nhập quốc tế, đào tạo, phát triển, xây dựng đội ngũ trẻ… Điều này đã góp phần mang đến cho xã hội số lượng lớn các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị ở các lĩnh vực nghệ thuật, làm giàu có thêm đời sống văn hóa, kho tàng văn hóa Việt Nam, từng bước đưa sự phát triển văn học nghệ thuật tương xứng dần với những tiến bộ về kinh tế. Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật được quản lý tốt, chặt chẽ, hoạt động có hiệu quả, văn nghệ sỹ gắn bó đồng hành với nhân dân, với đất nước. Nhiều tài năng trẻ xuất hiện, văn học nghệ thuật Việt Nam ngày càng được quảng bá rộng rãi ra thế giới…
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh, năm 2020 Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật có nhiều việc cần làm, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2020), 130 kỷ niệm ngày sinh Bác (19/5/1890 - 19/5/2020), 45 năm giải phóng miền Nam (30/4/1975-30/4/2020)… Đó là cơ hội tốt, mốc chính trị quan trọng để văn học nghệ thuật nhìn lại một chặng đường phát triển của đất nước, của văn học. Các văn nghệ sỹ có thể tìm thấy đề tài sáng tạo xứng đáng với những sự kiện lớn đó.
Bên cạnh việc tiếp tục sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng cao theo những chủ đề lớn, các văn nghệ sỹ cần đẩy mạnh sáng tạo gắn với sự đổi mới của đất nước, với sự phát triển, trong đó, tập trung vào đề tài công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là về các vấn đề đạo đức xã hội. Bởi văn học nghệ thuật góp phần nói lên tiếng nói trực tiếp để bồi dưỡng nâng cao đạo đức xã hội, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định.
Theo: TTXVN