Theo thời gian, “ông đồ” trên phố dù không mất đi, nhưng hình ảnh của ‘ông đồ” thời thị trường đã có những thay đổi. Đó là những “ông đồ” dễ dãi, không cần biết chữ mình viết ra có xứng với phẩm hạnh, gia cảnh của người xin hay không.
Lẽ ra cần có sự tham khảo hoàn cảnh của người xin để viết những chữ phù hợp, thì nhiều người chỉ cần bỏ ra đồng tiền mua giấy viết hoặc trả công, là đã có chữ viết như ý đem về nhà treo tết. Họ chỉ cần có thể.
Câu chuyện những “ông đồ” giả trà trộn trên “phố ông đồ” Hà Nội. Rồi những “ông đồ” không qua khỏi vòng sát hạch. Những “ông đồ” bị người xin chữ tố viết sai rồi đòi lại tiền... khiến chúng ta không khỏi buồn lòng. Một nỗi buồn không chỉ gây ra bực mình, mà theo quan niệm là còn làm xúi quẩy cả năm.
Thông cảm cho sự thay đổi, nhưng không đồng nghĩa thay đổi là có thể cho phép có thể làm bất cứ điều gì. Thậm chí là biến một nét đẹp văn hóa thành sự tầm thường và ngược lại biến những con người tầm thường trở thành “ông đồ” người xin chữ xúm xít vây quanh.
Năm nào cũng thế, ngoài 23 tháng chạp lại xuất hiện những “ông đồ” bày mực tàu, giấy đỏ trên chiếu hoa ở một số sân chùa, cửa đình, và cả trên vỉa hè đâu đó.
Dũ vẫn là hình ảnh gợi nhớ không gian xưa, nhưng không phải “ông đồ” nào cũng tạo ra sự khả kính thông qua việc làm của họ.
Nhiều người đã đặt ra câu hỏi rằng “ông đồ” đang cho chữ hay bán giấy, bán chữ nữa thu lợi nữa. Lẽ ra phải là câu chuyện về “ông đồ” cho chữ, còn người xin chữ tặng tiền hoặc có lời chúc, sự cảm ơn tùy thuộc vào tình cảm của từng người.
Những thay vào đó đang là một không gian mang hơi hướng của sự mua bán. Đi kèm với việc viết chữ thường là việc bán giấy viết chữ với mức giá không hề rẻ.
Ông đồ xưa cho chữ cốt nhằm đem niềm vui đến cho người xin chữ với những yêu cầu khắt khe hơn, thì nay có những “ông đồ” lại xem đó như một dịp để kiếm tiền. Nét đẹp cho chữ, xin chữ ngày xuân vì thế liệu có còn là văn hóa nữa không?
Chúng ta đã chỉ ra sự bất cập từ “phố ông đồ”, tụ điểm cho chữ ngày xuân, nhưng rồi năm nào cũng thế. Sau sự ồn ào, hoan hỉ nhất thời, khi tĩnh tâm lại, người “mua” được chữ chưa chắc đã trọn vẹn niềm vui. Đằng sau không gian tưởng như linh thiêng ấy, là sự lộn xộn.
Nhu cầu xin chữ ngày xuân là có, thậm chí rất lớn. Khuyến khích hoạt động này nhưng cũng cần có sự định hướng, quản lý tốt hơn để giữ được nét đẹp của giấy gió, mực tầu linh thiêng trong gió xuân ấm áp với hình ảnh “ông đồ” đạo mạo trong mắt người du xuân.
Lam Vũ