Thứ năm, ngày 28/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Nâng tầm văn hóa quản lý (06/02/2020-10:14)
    Mặc dù chúng ta đã có nhiều biện pháp để cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, nhưng có nhiều biểu hiện cho thấy bộ máy hành chính ở nhiều công sở vẫn chưa thật sự là “của dân, do dân và vì dân”. Vẫn còn không ít lời phàn nàn của người dân về văn hóa quản lý ở các cơ quan công quyền.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đang đứng trước những thách thức và cơ hội phát triển xã hội, văn hóa và con người. Để giải quyết thách thức này, trước tiên cần thúc đẩy việc hình thành văn hoá quản lý. Bởi, văn hóa quản lý là một bộ phận quan trọng của văn hóa nói chung và là một biểu hiện sinh động trong hệ thống đa dạng của đời sống văn hóa.

Văn hóa quản lý được hình thành, phát triển trong tổ chức, với những biểu hiện được thể hiện dưới dạng trực quan và phi trực quan. Vì thế, khi xem xét văn hóa quản lý chính là xem xét đội ngũ cán bộ lãnh đạo của tổ chức về các phương diện đạo đức, phẩm chất, năng lực, phong cách trong quá trình lãnh đạo. Khi làm tốt văn hóa quản lý sẽ góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội; làm dịu những căng thẳng xã hội không cần thiết; góp phần củng cố niềm tin của con người vào các giá trị tư tưởng; đẩy mạnh quá trình đổi mới, thúc đẩy sự sáng tạo; có vai trò to lớn trong khắc phục bệnh quan liêu của thiết chế xã hội; thúc đẩy việc sửa đổi lề lối làm việc, chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham ô, tham nhũng, chống chủ nghĩa cơ hội...

Tệ quan liêu, mệnh lệnh chính là kẻ thù của văn hóa quản lý. Cả V.I.Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gọi đó là những "kẻ thù bên trong". Ngày nay, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, nếu không chú trọng đến yếu tố văn hóa thì không thể có quản trị mà chỉ có “cai trị”. Quản trị bằng văn hóa là tương lai của quản trị, là xu thế tất yếu của thời đại. Với bất cứ một nhà lãnh đạo nào, hai công việc quan trọng nhất và tốn nhiều thời gian, tâm trí, sức lực nhất chính là chiến lược và văn hóa. Chiến lược thường được ví như “hạt”, còn văn hóa là “đất”. Nếu hạt tốt, nhưng đất không tốt, đất bị ô nhiễm thì hạt không thể nảy mầm được. Con người vì thế khi được làm việc trong một môi trường văn hóa sẽ khác hẳn.

V.I.Lênin từng chỉ ra rằng, khi một cán bộ, đảng viên thiếu hụt tri thức, kiến thức, trình độ văn hóa thấp kém (văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý, văn hóa dân chủ), chắc chắn sẽ làm giảm hiệu lực và hiệu quả của lãnh đạo và quản lý, bởi nó không có triết lý, không có chính kiến nhất quán mà chỉ là sự chắp vá, sự lặp lại những kinh nghiệm của những ngày đã qua hoặc là sự bắt chước lố bịch. Người cán bộ như thế ắt sẽ xa dân, quan liêu, xa cấp dưới, làm việc theo kiểu bàn giấy... Đây là một trong những nguyên nhân của tệ tham nhũng và nạn hối lộ khuynh đảo cả bộ máy chính quyền các cấp.

Theo V.I.Lênin, văn hóa quản lý của người cán bộ thể hiện ở công việc thiết thực thường ngày; biết nhận sai và sửa sai; biết bàn thảo dân chủ, sử dụng trí tuệ tập thể; có đủ dũng khí để quyết định, thực thi và chịu trách nhiệm. V.I.Lênin cũng chỉ rõ, bàn thảo dân chủ không có nghĩa là tổ chức nhiều đại hội, hội nghị, hội thảo vô bổ. Người từng thừa nhận: "So với tất cả các nước trên thế giới, chúng ta chiếm kỷ lục về số lượng đại hội". Cho nên, sinh thời V.I.Lênin dạy cán bộ của mình rằng, người làm cán bộ nhất thiết phải có văn hóa quản lý, có năng lực lãnh đạo và bản lĩnh của người làm cán bộ. Điều này rất cụ thể: Nhà quản lý phải biết rõ lĩnh vực mình quản lý, lại vừa phải biết chỉ huy, điều hành, hướng dẫn và kiểm tra công việc của cấp dưới. Biết dựa vào cấp dưới và bộ máy của mình, nhưng cũng cần có đủ dũng khí để chấn chỉnh và thay ngay những cán bộ không đủ uy tín và khả năng làm việc, tuyệt đối không được chậm trễ, cho dù người đó thân quen ai, có quá khứ "lẫy lừng" thế nào.

Tư tưởng của V.I.Lênin vẫn vẹn nguyên giá trị. Với bất kỳ một bộ máy công quyền nào, văn hóa quản lý yếu kém chính là nguyên nhân dẫn tới thực thi pháp luật không nghiêm, từ đó làm nảy sinh chủ nghĩa cơ hội, tham nhũng, hối lộ trong một bộ phận cán bộ, làm băng hoại xã hội, mục ruỗng từ bên trong, làm chậm sự phát triển của đất nước./.

Theo: NGUYỄN HÒA/Báo Quân đội Nhân dân

 

 

Các tin khác:
  • Tết đoàn viên, Tết hạnh phúc (20/01/2020-15:07)
  • Câu chuyện rượu, bia ngày tết và những tác hại (14/01/2020-10:22)
  • 10 ngày sau khi Nghị định 100 có hiệu lực (11/01/2020-13:12)
  • Thị trường những ngày cuối năm (07/01/2020-15:34)
  • Kiểm soát chặt chẽ việc thực thi (06/01/2020-10:29)
  • Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 có hiệu lực: Nhiều người bị phạt nặng (03/01/2020-13:31)
  • Hàng giả - cảnh bảo "Đến hẹn lại...tăng" (31/12/2019-21:53)
  • 6 quy định mới nhất về BHXH người lao động cần biết (30/12/2019-16:30)
  • Người lao động có thể nghỉ việc không báo trước nếu bị sếp xúc phạm (18/12/2019-15:57)
  • Người dân ngồi nhà làm được dịch vụ công nào qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia? (17/12/2019-15:06)