Lực lượng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thanh Hóa lập chốt kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.
Những năm trước đây, Việt Nam luôn được đánh giá là nước có mức tiêu thụ rượu bia nằm trong “top” cao so với các nước khác trong khu vực. Hơn thế, theo công bố của Tạp chí y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 - 2017 cho thấy, Việt Nam cũng là một trong những nước có tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng nhanh nhất thế giới. “Rượu vào lời ra”, “ma men” biến những con người vốn lương thiện, hiền lương trong phút chốc thành kẻ tội đồ. “Ma men” trở thành nỗi ám ảnh, kinh hoàng cho toàn xã hội bởi sự gia tăng đáng báo động về số vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến nồng độ cồn và các chất kích thích gây ra.
Nhận thức sâu sắc những tác động tiêu cực do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu, bia gây ra cho xã hội, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 ra đời, nhanh chóng được triển khai, áp dụng sâu rộng vào cuộc sống. Trong đó, đáng chú ý nhất là các quy định cụ thể đối với từng đối tượng, cụ thể như: Người chưa đủ 18 tuổi không được uống rượu, bia; sử dụng rượu, bia thì không được lái xe; cán bộ, công chức và người lao động không được uống rượu, bia trong giờ làm việc hay quy định khung giờ không được quảng cáo rượu, bia... Đặc biệt là vấn đề tăng mức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, áp dụng cho cả người điều khiển xe đạp, xe thô sơ.
Chính bởi vậy, tuy chỉ mới triển khai được hơn 2 tháng, vào đúng thời điểm Tết Nguyên đán diễn ra – thời điểm “nhạy cảm” về diễn biến ANTT, ATGT nhưng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 đã bước đầu thu được những tín hiệu tích cực. Thống kê về tình hình trật tự ATGT trên cả nước trong tháng 1-2020 cho thấy, cả số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, toàn quốc đã xảy ra 1.300 vụ tai nạn giao thông, làm chết 591 người, bị thương 968 người. So sánh với tháng 1-2019, số vụ tai nạn giảm gần 15%. Số người chết giảm gần 19%. Số người bị thương giảm gần 15%. Trong 7 ngày của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cả nước xảy ra gần 200 vụ tai nạn giao thông, làm 133 người thiệt mạng, 174 người bị thương. Vi phạm nồng độ cồn giảm, chỉ chiếm 2% trong số các vụ tai nạn.
Cùng với cả nước, tình hình trật tự ATGT trong tháng 1-2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được giữ vững, không xảy ra ùn tắc giao thông và đua xe trái phép. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa, trong 7 ngày của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cả tỉnh đã xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông, làm 6 người bị thương, 4 người thiệt mạng (giảm 33% so với cùng kỳ năm trước). Lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 897 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt tiền 760 triệu 110 nghìn đồng, tạm giữ 335 phương tiện, tước giấy phép lái xe 175 trường hợp. Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Lập biên bản 238 trường hợp, phạt tiền: 378 triệu đồng, tạm giữ 238 trường hợp, tước giấy phép lái xe 211 trường hợp. Tỷ lệ xử phạt vi phạm trật tự ATGT có liên quan đến rượu, bia chỉ chiếm 2%, giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. Ông Vũ Hoàng Linh, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa nhận định: “Nhận thức được mức độ nghiêm trọng do các vụ tai nạn giao thông gây ra cho cộng đồng xã hội thì chúng ta mới càng cảm thấy hiệu quả to lớn, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100. Số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông dẫu chỉ giảm đi 1 người cũng đã mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho toàn xã hội”.
Căn cứ vào tình hình thực tế, song song với việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành trong lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT; nhất là Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, ngành địa phương nghiêm túc triển khai luật, nghị định; ban hành kế hoạch Năm ATGT 2020 với chủ đề: “Đã uống rượu, bia không lái xe”, hướng đến mục đích, nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông, nhất là các quy định của pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo việc quản lý lòng đường, lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT, đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, đường thủy nội địa và phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn hàng không; thực hiện có hiệu quả các giải pháp chống ùn tắc giao thông trong các dịp lễ, tết, những nơi có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông cao; nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT; tăng cường phối hợp trong công tác đảm bảo trật tự ATGT; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo dưỡng... Lực lượng công an tỉnh và địa phương ra quân đồng loạt, mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đảm bảo ATGT theo các chuyên đề; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, hệ thống giám sát, sử dụng các thiết bị kỹ thuật tiên tiến để ghi hình, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như: Vi phạm về tốc độ, vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm, xe ô tô hết niên hạn, quá niên hạn sử dụng, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn, ma túy của người điều khiển phương tiện giao thông... Sở Giao thông - Vận tải chỉ đạo đơn vị chức năng tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ: Xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở để đảm bảo ATGT đường sắt; các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa trong tình hình mới; kiểm soát chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo ATGT cho hành khách; tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý giấy phép lái xe; triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”; tập trung triển khai một số hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong công tác đảm bảo trật tự ATGT như: Tổ chức tập huấn và đẩy mạnh tuyên truyền nội dung Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100, tập huấn về kỹ năng lái xe tải nặng...
Cùng với chế tài xử phạt đủ sức răn đe, chính quyết tâm, nỗ lực và sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT, trong đó có Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 đã tạo nên tác động, hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần điều chỉnh nhận thức, hành vi của người dân khi tham gia giao thông. Từ đó, tình hình an ninh xã hội, trật tự ATGT, tính mạng con người được đảm bảo trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả hơn nữa trong việc triển khai thực hiện luật, nghị định rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Theo: Hương Thảo/Báo Thanh Hóa điện tử