Nghị quyết số 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2021.
Điều được các chuyên gia và những người lao động hưởng lương từ ngân sách cảm nhận là bảng lương hiện hành của Nhà nước đã và đang có những bất cập. Dù đã có rất nhiều lần điều chỉnh tiền lương cơ sở, nhưng tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Thực tế này dẫn đến nhiều hệ lụy, dễ thấy nhất là tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu để kiếm chác, gây sự không minh bạch, kém hiệu quả trong hệ thống công quyền; nhiều người dân và doanh nghiệp nhìn vào cơ quan nhà nước với hình ảnh xấu xí, thiếu thiện cảm.
Yêu cầu đổi mới sắp xếp bộ máy với mục tiêu giảm nhẹ biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách đã và đang đặt ra ngày càng gay gắt. Với mong muốn có một bộ máy tinh giản, hiệu quả thì mới có được ngân sách để trả lương xứng đáng cho người làm việc tốt, có năng lực. Thế nhưng, câu chuyện về tinh giản biên chế được coi là “khó hơn lên trời” với rất nhiều đơn vị. Vì đâu? Vì rất nhiều trong số những cán bộ, công chức hiện nay được tuyển dụng theo kiểu “quan hệ, tiền tệ”, nên đụng chạm đến đâu cũng có vấn đề. Thêm vào đó, chúng ta không mô tả được rõ vị trí việc làm nên không thể đánh giá chính xác năng lực của một cán bộ.
Đơn cử việc bổ nhiệm cán bộ lâu nay vẫn có một nguyên tắc "bất thành văn" là “đã lên là không/hoặc khó xuống”. Nếu ai đó có chức vụ mà bị “xuống” là chắc chắn phải gây ra vấn đề “rất nghiêm trọng”. Có người, dù được giao nhiệm vụ lãnh đạo nhưng không đảm đương nổi mà tổ chức không có cách gì để đưa xuống, vì anh/chị đó không làm việc, không mắc lỗi, lại không chạm gì với ai… thì cuối năm vẫn được xếp loại “hoàn thành nhiệm vụ”.
Tìm hiểu công tác nhân sự của các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài thì thấy rằng, mô tả vị trí việc làm được xây dựng rất tỉ mỉ, chặt chẽ, có khi dài tới vài chục trang cho một vị trí. Việc trả lương cũng không “cào bằng” mà theo năng lực, có thể cùng một vị trí việc làm nhưng mức lương khác nhau vì năng lực, hiệu quả là khác nhau. Sự sàng lọc nhân sự dựa trên các thang điểm được chấm từ cao xuống thấp, cho nên khó xảy ra chuyện có người "sáng cắp ô đi tối cắp ô về" mà vẫn hưởng lương.
Còn ở ta thì sao? Đề án xây dựng vị trí việc làm thất bại, việc mô tả công việc rất sơ sài, chưa kể thực tế thực hiện lại rất lỏng lẻo, thưởng – phạt không phân minh nên khi gặp vấn đề thì bối rối, không biết qui chiếu vào đâu để xử lý. Một thực tế là lương của cán bộ công chức được điều chỉnh theo lương cơ sở nhưng tốc độ tăng năng suất lao động luôn chậm hơn tăng tiền lương bình quân. Nếu cứ dàn hàng ngang để tăng lương thì đồng nghĩa với việc cả người xứng đáng và người không xứng đáng được đối xử như nhau, không tạo ra động lực để cạnh tranh, phát triển. Trả lương thật cao cho người xứng đáng cũng có nghĩa là chúng ta đã tạo ra được bộ lọc hữu hiệu để những người yếu kém tự đào thải.
Phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch trong khâu tuyển dụng, đánh giá; trả lương theo vị trí việc làm... thì mới có thể tinh giản được biên chế và khi đó mới có tiền đề để tăng lương và tăng lương cho người thực sự xứng đáng./.
Theo: An Nhi/VOV.VN