Thứ năm, ngày 28/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Đời sống xã hội
Con trẻ đang bị ảnh hưởng bởi thói ích kỷ, hẹp hòi của nhiều người lớn (14/02/2020-12:29)
    Bên cạnh sự tôn vinh của xã hội với những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19, thật tiếc lại có cả sự kỳ thị.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chia sẻ câu chuyện - Ảnh từ phóng sự của Việt Nam hôm nay phát trên VTV.
 

Sau khi chuyến bay HVN68 hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh lúc 05h04 ngày 10/02, các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhanh chóng làm thủ tục khử trùng và kiểm tra y tế theo đúng quy định phòng dịch cho 30 công dân người Việt Nam đón về từ Trung Quốc.

Chuyến bay đưa những công dân Việt Nam từ vùng tâm dịch Covid – 19 (Tên chính thức của virus corona mới theo WHO) thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, là chuyến bay đầy cảm xúc khi hai chữ đồng bào được nhắc đến linh thiêng.

Hiện nay, toàn bộ số công dân nêu trên (đặc biệt là một nữ hành khách đang mang thai 8 tháng) có tình trạng sức khỏe ổn định, tinh thần tốt.

Để chuyến bay ấy diễn ra an toàn, đúng quy trình kiểm an toàn, có lẽ không thể nhắc tới đội ngũ y tế thầm lặng, tổ bay, nhân viên phục vụ cả trên máy bay và mặt đất...

Trong số 3 bác sĩ ấy có 2 bác sĩ ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và đặc biệt là một bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương với nhiệm vụ đón một thai phụ đang mang thai 8 tháng.

Hiện giờ, toàn bộ hành khách và đội ngũ bác sĩ có 14 ngày cách ly sau chuyến bay trở những người Việt Nam từ vùng dịch đầy nguy cơ về quê hương an toàn.

Trước khi chuyến bay trở về từ Vũ Hán, câu chuyện của Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, người chưa về nhà từ ngày mồng 2 Tết Nguyên đán đến nay đã và đang khiến nhiều người suy nghĩ.

Phải chăng trong suy nghĩ của một bộ phận người Việt vẫn còn thói ích kỷ, vô ơn đến vậy?

Bác sĩ Cấp tâm sự, sau mỗi ca trực mệt mỏi, nhiều y bác sĩ tại bệnh viện còn rất buồn bởi công việc đã khiến họ như bị cô lập khỏi cộng đồng, hàng xóm láng giềng sợ nguy cơ nhiễm bệnh nên đã xa lánh, thậm chí gây áp lực đến nơi ăn, chốn ở của các y bác sĩ.

Bác sĩ Cấp nói: "Một số anh chị em tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân sẽ phải tự cách ly, chính vì vậy đã làm đảo lộn cuộc sống gia đình, có thể là không được về nhà, không được đi đón con.

Có một số nhân viên của chúng tôi có báo cáo tình trạng bị những người dân xung quanh họ kỳ thị, bảo nhau không muốn tiếp xúc. Thậm chí họ còn gây sức ép với những chủ nhà trọ không cho những nhân viên y tế được trọ ở đấy.

Thật đắng cay cho đội ngũ Y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 khi chẳng quản ngày đêm, quyết tâm, nỗ lực và trách nhiệm với công việc, với cộng đồng mà không được những người xung quanh thấu hiểu, cuộc sống cũng bị ảnh hưởng, kỳ thị.

Câu chuyện của một bác sĩ ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho thấy những câu chuyện buồn của một bộ phận người Việt, đó là thói vô ơn.

Theo sự chia sẻ của bác sĩ, khi đang thông báo "chúc mừng anh, kết quả xét nghiệm nCoV của anh âm tính" thì được câu phũ luôn vào mặt "bác sĩ gì mà ngu thế, không chẩn đoán được luôn mà giờ mới biết là âm tính à".

Những ngày chăm sóc những người cách ly, nhân viên y tế giờ kiêm luôn nhiệm vụ nhân viên phục vụ, bê cơm đến tận phòng bệnh, thu gom quần áo lót của bệnh nhân mang đi giặt nhưng vẫn bị gọi đường dây nóng báo là bỏ đói bệnh nhân.

Lòng cũng không khỏi chùng xuống khi dù ngân sách đã hỗ trợ nhiều kinh phí nhưng vẫn có những mục bệnh nhân phải tự chi trả và khi giải thích điều này cho bệnh nhân thì đước phả vào mặt: "Chúng mày nhốt tao ở đây bây giờ còn dám mở miệng đòi tiền à".

Những lời không ngờ người ta có thể nói ra trong tình cảnh cả Chính phủ, nhà nước và nhân dân cùng chung tay chống lại dịch bệnh quái ác cho thấy sự vô ơn, thói vô cảm và xa hơn nữa là nền tảng giáo dục, văn hóa ứng xử, đạo đức cá nhân của những con người ấy quá tệ.

Với lối suy nghĩ hẹp hòi và yếu kém đạo đức như vậy thì cũng có nghĩa họ chỉ còn biết đến bản thân mình, cũng chẳng mong gì họ chia sẻ với cộng đồng.

Những người nơi tuyến đầu chống dịch không thể gục ngã bởi một số người mang trong mình thói vô ơn. Ảnh: Chụp màn hình từ TTXVN.

Với truyền thống của người Việt, những câu mang tính giáo dục nhân bản như "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" đã đến với người Việt từ thời thơ ấu, nhưng chúng nhanh chóng tan biến cùng với sự trưởng thành.

Không phải tất cả, nhưng qua những hành động kỳ thị nhân viên y tế như những câu chuyện chia sẻ của các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-2019 có thể thấy rất nhiều người còn mang nặng thói vô ơn.

Những kẻ vô ơn ấy nhận lại những điều tốt đẹp bằng sự cố gắng của người khác nhưng họ chẳng thêm công sức và tâm huyết của đội ngũ y bác sĩ mà họ chỉ nghĩ đến bản thân mình, tự coi mình hơn người khác.

Những ngày dịch bệnh có nguy cơ bùng phát ra toàn xã hội, vô ơn là căn bệnh vô cùng đáng sợ của một bộ phận người Việt vẫn còn tồn tại trong xã hội.

Những kẻ vô ơn, bạc nghĩa chính là một trong những dấu hiệu suy thoái đạo đức, là mầm bệnh khó chữa nhất mà đội ngũ y bác sĩ đang phải đối mặt. 

Rất may, đến nay, chưa một y bác sĩ nào rời bỏ “chiến tuyến” vì căn bệnh vô ơn của một bộ phận người dân khi kỳ thị họ khi họ đang phải chiến đấu nơi tuyến đầu.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện huyết học truyền máu Trung ương (hiện là Đại biểu Quốc hội khóa 14) cho rằng sự kỳ thị nhân viên y tế nơi tuyến đầu như vậy là một tội ác.

Theo vị Giáo sư đã có hơn 30 năm kinh nghiệm tiếp xúc với không ít trường hợp lây nhiễm: “Đội ngũ y bác sĩ là những chiến binh, họ trực tiếp lao vào nơi nguy hiểm nhất, để bảo vệ cộng đồng thì lại kỳ thị họ, làm khó cho gia đình họ thì thử hỏi đạo đức ở đâu. Điều đó còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đối với công cuộc phòng chống dịch này. Trong khi đó, đợt dịch này đang còn như lửa cháy. Bây giờ người ta đã hy sinh như vậy mà tại sao lại kỳ thị họ? Tôi cho đó là tội ác”.

Ai cũng mong được sống, được học tập trong một môi trường trong lành, nhưng để có được điều ấy thì tất cả đều phải chung tay sẻ chia, chung sức - vào những thời khắc căng thẳng chống dịch, dù chỉ là vài lời động viên cũng biến thành sức mạnh để cùng nhau vượt qua nỗi sợ hãi.

 

Theo: Trần Phương/GDVN

 

 

 

Các tin khác:
  • Tăng lương cho người xứng đáng: Ai xứng đáng tăng lương? (14/02/2020-12:27)
  • Hiệu quả bước đầu triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 (10/02/2020-13:41)
  • Bước sang thập kỷ mới, những xu hướng du lịch nào sẽ lên ngôi? (06/02/2020-10:16)
  • Nâng tầm văn hóa quản lý (06/02/2020-10:14)
  • Tết đoàn viên, Tết hạnh phúc (20/01/2020-15:07)
  • Câu chuyện rượu, bia ngày tết và những tác hại (14/01/2020-10:22)
  • 10 ngày sau khi Nghị định 100 có hiệu lực (11/01/2020-13:12)
  • Thị trường những ngày cuối năm (07/01/2020-15:34)
  • Kiểm soát chặt chẽ việc thực thi (06/01/2020-10:29)
  • Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 có hiệu lực: Nhiều người bị phạt nặng (03/01/2020-13:31)