Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Báo chí là một trong những lực lượng ở tuyến đầu
+ Thưa ông, trong những ngày cả nước “chống dịch như chống giặc”, ông đánh giá như thế nào về tinh thần “vào cuộc” của lực lượng báo chí trên cả nước?
- Ông Hồ Quang Lợi: Phải nói rằng, những ngày này đất nước trải qua nhiều khó khăn, thử thách và tôi có cảm giác rằng, báo chí như một đội quân hùng hậu, bước vào một cuộc chiến thông tin, một guồng quay tin tức đầy áp lực nhưng thực sự hiệu quả. Việt Nam trở thành một điểm sáng về chống dịch Covid-19 là kết quả nỗ lực chung của cả nước, trong đó có đóng góp rất quan trọng của báo chí.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, báo chí chúng ta đang là một trong những “mũi tiên phong”, là một trong những lực lượng ở tuyến đầu. Có lẽ càng trong những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo nhất, những người chiến sĩ trên mặt trận thông tin lại bùng lên mạnh mẽ bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm của người làm báo cách mạng Việt Nam. Báo chí đã bám sát mọi hoạt động của mặt trận chống dịch, mọi lúc mọi nơi, để cung cấp những thông tin kịp thời, chính xác, hữu ích nhất, mang tính định hướng cao nhất.
Thậm chí, khi những tin đồn thất thiệt lan tràn trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, những người làm báo vẫn luôn là lực lượng tiên phong, quan trọng, làm nhiệm vụ kiểm chứng thông tin, “dập tắt tin đồn”. Từ đó, giúp nhân dân hiểu và tin tưởng vào chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, tích cực đồng hành chung một ý chí, hành động để đẩy lùi dịch bệnh. Sự vào cuộc của người làm báo cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ và nhân dân ghi nhận.
Dù tác nghiệp không dễ dàng, thậm chí nguy hiểm nhưng phóng viên vẫn tích cực, xông pha, lăn xả trong từng “điểm nóng”.
+ Thủ tướng Chính phủ cũng có nói rằng: “Phóng viên là những người trong tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là những phóng viên “chiến trường”. Cảm nhận của ông như thế nào về những người phóng viên đang lăn lộn, dấn thân trên "trận tuyến thông tin" về dịch bệnh thời điểm này?
- Ông Hồ Quang Lợi: Tôi đánh giá cao những nhà báo, phóng viên tác nghiệp trực tiếp ở các vùng tâm dịch, khai thác được những hình ảnh, câu chuyện, tư liệu báo chí rất xúc động mang tính thuyết phục cao về công tác phòng chống dịch Covid-19. Ở đâu có sự kiện ở đó có phóng viên, từ bệnh viện, khu cách ly, khu vực biên giới, những cuộc họp chỉ đạo đột xuất bất kể thời gian nào... Công việc gấp nhiều lần, lượng tin bài tăng theo “độ nóng” của tình hình. Dù tác nghiệp không dễ dàng, thậm chí nguy hiểm nhưng phóng viên vẫn tích cực, xông pha, lăn xả trong từng “điểm nóng”.
Có thể nói, chưa bao giờ cuộc chiến thông tin trong thời bình lại mạnh mẽ như thế, chưa bao giờ tin tức trên báo chí lại ngập tràn và thống nhất một tinh thần quyết liệt như vậy. Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá cao và tự hào về lực lượng nhà báo, hội viên đã tiếp bước được truyền thống vẻ vang của lịch sử báo chí cách mạng 95 năm qua. Hội luôn chú trọng bảo vệ nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật, như vừa rồi, trên mạng xã hội đã có tài khoản Facebook xúc phạm, bôi nhọ danh dự của một nhà báo dương tính với virus SARS-CoV-2. Hội Nhà báo Việt Nam ngay lập tức đã chỉ đạo Ban Kiểm tra làm công văn gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị xác minh làm rõ và xử lý. Và ngay sáng nay (10/4), Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử đã có giấy mời đối tượng lên làm việc về vấn đề này.
Cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh chính sách pháp luật về báo chí
+ Được biết Hội Nhà báo vừa có công văn đề nghị Chính phủ hỗ trợ báo chí bằng cơ chế, chính sách, đang được đại đa số các lãnh đạo báo và phóng viên đồng tình, ủng hộ. Điều này có phải xuất phát từ những khó khăn thời điểm này của báo chí không, thưa ông?
- Ông Hồ Quang Lợi: Thực sự, trước bối cảnh của dịch bệnh Covid-19, bất cứ ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng nặng nề, báo chí cũng không ngoại lệ. Trước đây khi chưa có đại dịch Covid-19 thì báo chí đã khó khăn rồi, nay càng khó khăn hơn. Nếu ai làm lãnh đạo những cơ quan báo chí, phải lo công ăn việc làm, đời sống cho anh em thì càng thấu hiểu được các cơ quan báo chí hiện đang phải chịu những áp lực rất lớn.
Không ít cơ quan báo chí buộc phải nợ tiền nhuận bút, nợ lương, hoặc phải cắt giảm nhuận bút, giảm lương và các khoản phúc lợi khác, thậm chí phải cho thôi việc, đó là điều rất cần quan tâm. Để các cơ quan báo chí phát huy được vai trò của mình, các cơ quan chủ quản, các cơ quan quản lý báo chí và Nhà nước cần nghiên cứu, xem xét để có chế độ, chính sách hỗ trợ báo chí và nhà báo một cách kịp thời.
Ở đâu có sự kiện ở đó có phóng viên, từ bệnh viện, khu cách ly, khu vực biên giới, những cuộc họp chỉ đạo đột xuất bất kể thời gian nào...
+ Trên thực tế, đại dịch Covid-19 chỉ như là giọt nước tràn ly, khi khó khăn trong kinh tế báo chí vốn đã là chuyện của nhiều năm nay. Vì vậy, ngoài những kiến nghị trước mắt, theo ông, dưới góc độ của chính sách, chúng ta cần có những hỗ trợ như thế nào để phát triển báo chí trong dài hạn?
- Ông Hồ Quang Lợi: Rõ ràng là, báo chí có một trách nhiệm rất to lớn trong đời sống xã hội. Báo chí không chỉ đơn thuần hoạt động như những doanh nghiệp mà là thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Tôi là người làm báo nhiều năm nay, tôi hiểu và thấu cảm những áp lực của báo chí mỗi thời kỳ. Thực tế là, báo chí luôn cần được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp chính quyền, để có đủ năng lực, đủ sức mạnh, đủ điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ, để nhà báo “sống” hết lòng với nghề.
Hội Nhà báo có trách nhiệm nghiên cứu tham mưu đề xuất để hoàn chỉnh chính sách pháp luật về báo chí. Từ đó, tạo hành lang pháp lý vững chắc cũng như tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn để báo chí thể hiện vai trò quan trọng của mình trong tình hình mới. Đây cũng là một trong những chức năng nhiệm vụ quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam đã được quy định trong Luật Báo chí 2016. Có như thế chúng ta mới giải được bài toán khó khăn, từ đó tăng sức mạnh cho báo chí, tiếp tục tìm những hướng đi, những cách làm sáng tạo. Sự phát triển chắc chắn sẽ phải bắt đầu từ “đòn bẩy” của chính sách... Tất nhiên cùng với việc tháo gỡ trong cơ chế chính sách thì báo chí cũng phải nỗ lực tự thân, tìm ra cho mình những hướng đi. Đại dịch Covid- 19 lần này cũng như một cuộc sát hạch để các cơ quan báo chí và cá nhân mỗi người làm báo nhìn lại, thấy cái gì mình có thể tiếp tục phát huy và cái gì mình cần phải đổi mới, cải tiến.
Nhìn thấy đó là cơ hội chứ không phải chỉ là thách thức
+ Thưa ông, điều này có nghĩa là, đại dịch Covid-19 cũng chính là cơ hội để báo chí nhìn lại mình?
- Ông Hồ Quang Lợi: Đúng vậy. Càng khó khăn thì báo chí càng phải năng động để vượt khó. Cho nên đòi hỏi báo chí phải năng động, sáng tạo hơn nữa theo tinh thần như Thủ tướng đã từng nói "phải biết biến nguy thành cơ". Trên thực tế là nhiều lĩnh vực, nhiều đơn vị trong hoạt động kinh tế - xã hội đang bước đầu tìm ra lối đi thì báo chí cũng phải như vậy. Trong đó, việc tăng cường sử dụng công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ hơn nữa là một lối đi không thể khác được. Đây là một câu chuyện không mới. Trên thế giới đã có những cơ quan báo chí gần như “lột xác” để tồn tại và không dựa hoàn toàn vào phát hành hay quảng cáo nữa.
Các cơ quan báo chí, các cấp Hội vừa phải không ngừng đổi mới phương thức tác nghiệp, vừa phải nâng cao giáo dục đạo đức nghề nghiệp, hội viên làm nghề một cách tử tế (Ảnh: minh họa: enternews.vn)
Không chỉ là báo chí Phương Tây mà ở tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc cũng đã làm theo hướng đó rồi. Người ta đã tích hợp tất cả những thông tin, cập nhật được tất cả tin tức mà người dân cần lên trên nền tảng di động. Đồng thời, đẩy mạnh việc tạo ra những sản phẩm mà xã hội đang cần và có nguồn thu từ chính cái đó. Cho nên, từ một tờ báo chỉ phát hành 3 triệu số/ngày, thì cách đây mấy năm, khi thay đổi cách làm, họ đã có số người cập nhật sử dụng tin tức hàng ngày qua điện thoại di động lên tới 650 triệu lượt/ngày. Trong dịch bệnh hay những lúc gặp nhiều thử thách khó khăn, cấp bách thì xã hội càng cần thông tin và đấy chính là cơ hội của báo chí, cơ hội tăng lên cho những thông tin đáp ứng nhu cầu của công chúng. Chúng ta phải nhìn thấy đó là cơ hội chứ không phải chỉ nhìn là thách thức, khó khăn.
+ Có ý kiến cho rằng, về dài hạn, chúng ta nên quan tâm đến cơ chế đặt hàng, có định mức cụ thể, đảm bảo nguồn kinh phí ổn định cho báo chí hoạt động, tránh những hoàn cảnh tương tự có thể lại xảy ra. Trong vấn đề này, quan điểm của ông như thế nào, thưa ông?
- Ông Hồ Quang Lợi: Vấn đề này phải được nhìn từ hai phía. Một là nhu cầu của Nhà nước cần phải có những sản phẩm báo chí để mà phục vụ công tác lãnh đạo và điều hành đối với các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhưng bản thân báo chí phải tỏ rõ khả năng có thể tiếp ứng được những vấn đề đó để mình chủ động đưa ra đề xuất. Từ đó mới hình thành các đơn đặt hàng. Không thể chỉ nói đặt hàng như một khái niệm nhưng thực tế thì không hình thành và chỉ dừng lại ở phương hướng, chưa có đề xuất được các dự án cụ thể. Có thể chúng ta nên tính đến phương án đặt hàng có tính hệ thống cho việc báo chí phục vụ những nhiệm vụ đột xuất của đất nước. Khi có vấn đề gì xảy ra như dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt... mà báo chí phải tham gia trên tuyến đầu thì sẽ được sử dụng đề án đó cho báo chí hoạt động, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Nếu Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trì việc này, chúng tôi sẵn sàng đồng hành trong việc tham vấn, góp ý về hướng triển khai sao cho hiệu quả nhất.
+ Câu chuyện nỗ lực đổi mới tự thân trong bối cảnh hiện nay là rất quan trọng. Nhưng các chính sách hỗ trợ, hành lang pháp lý cũng phải “tiếp sức” để báo chí hoàn thành tốt nhất “mục tiêu kép”, thưa ông?
- Ông Hồ Quang Lợi: Chúng ta phải hiểu “mục tiêu kép” ở đây, thứ nhất là tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thứ hai là sống được trước thách thức của cơ chế thị trường. Do vậy, tiếp thêm nguồn lực để báo chí hoàn thành “mục tiêu kép” thì sẽ giúp báo chí phát triển mà khi báo chí phát triển, “sống được” thì cũng sẽ làm tốt hơn nữa vai trò quan trọng của mình là thông tin và định hướng dư luận xã hội. Khi bớt lo toan cơm áo gạo tiền, khi những cơ chế phù hợp được đưa ra nhằm thúc đẩy hơn nữa thì sự nghiệp báo chí cũng sẽ phát triển hơn. Tất nhiên, cơ hội chỉ dành cho những người nỗ lực vươn lên và xứng đáng. Bởi vậy, các cơ quan báo chí, các cấp Hội vừa phải không ngừng đổi mới phương thức tác nghiệp, vừa phải nâng cao giáo dục đạo đức nghề nghiệp, hội viên làm nghề một cách tử tế.
+ Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Hà Vân (Thực hiện)/Báo Nhà báo và Công luận