Với diện tích nông nghiệp lớn, nhân lực tham gia nhiều, thách thức đặt ra cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội của Thanh Hóa vì thế là không hề nhỏ.
Theo thống kê, tăng trưởng nông, lâm, thủy sản của Thanh Hóa Quý 1/2020 chỉ đạt 3,29%, thấp hơn so với cùng kỳ. Trong đó chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn Châu Phi và cúm gia cầm. Nhiều nông sản thế mạnh của tỉnh khó khăn trong tiêu thụ do dịch bệnh và các yếu tố thị trường bên ngoài tác động.
Thực tế khắc nghiệt này đòi hỏi chúng ta phải phân tích, đánh giá đầy đủ, khách quan, tìm giải pháp vượt qua.
Vấn đề này đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ ra và yêu cầu thực hiện trong Quý 2/2020, góp phần giữ nhịp tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Để thực hiện nhiệm vụ này, đòi hỏi ngành Nông nghiệp và Công thương, các địa phương có vùng nguyên liệu phải đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Cùng bới đó cần rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh; xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, đưa nông sản vào các hệ thống siêu thị lớn. Đặc biệt, cần phân tích, đánh giá thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu một cách đầy đủ để có sự “đón đầu”, bởi sau dịch bệnh nhu cầu nông sản sẽ lớn.
Hiện nay Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh các ngành hàng nông, lâm, thủy sản, theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu; đa dạng thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý…
Bộ NN&PTNT cũng chủ động phối hợp với Bộ Công thương, đại sứ quán Việt Nam tại các nước triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại địa bàn trọng điểm, tiềm năng và “thị trường ngách”, tạo sự đột phá trong nhiệm vụ đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản.
Các ngành Nông nghiệp, Công thương và doanh nghiệp trong tỉnh cần bám sát chủ trương này cũng như chỉ đạo của tỉnh để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp; chuẩn bị sẵn phương án, kịch bản về nhu cầu nông sản, thủy sản tại nhiều địa phương có dịch Covid - 19 sẽ tăng cao sau khi hết dịch, nhất là thị trưởng Trung Quốc, EU, để chủ động sản xuất, xuất khẩu.
Để tháo gỡ khó khăn cần có thời gian và các điều kiện vật chất hỗ trợ. Với “khó khăn kép” thì yêu cầu càng lớn hơn. Nhưng hơn tất cả, bằng trách nhiệm, quyết tâm, đang đòi hỏi các cơ quan, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó. Trong bóng tối vẫn có bầu trời, điều cần là chúng ta xác lập được tâm thế, động lực để vươn tới.
Lam Vũ