Chính phủ đã quyết định thực hiện gói an sinh xã hội lớn chưa từng có lên tới 62.000 tỷ đồng hỗ trợ khoảng 20 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19 bảo đảm đúng đối tượng, phát huy cao nhất giá trị, sự nhân văn, nhân ái.
Là tỉnh có nhiều đối tượng chính sách và lao động bị mất việc làm, giảm việc làm do dịch bệnh, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng đã kịp thời chỉ đạo các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. Theo đó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu chính sách; khẩn trương rà soát, đề xuất cắt giảm một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết trong dự toán năm 2020 để có nguồn kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19.
Chung sức cùng Chính phủ, Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã ra lời kêu gọi và tiếp nhận các tấm lòng hảo tâm. Đã có có nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị ủng hộ từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Trong đó có những người là Việt kiều xa quê nhờ người thân đến ủng hộ; nhiều cụ già, em nhỏ gom góp số tiền dành dụm của mình mang đến cơ quan mặt trận mong được góp sức mình.
Cùng với các kênh tiếp nhận của Mặt trận tổ quốc, Liên đoàn lao động các cấp và hình thức nhắn tin ủng hộ qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia, từ cộng đồng và trên không gian mạng xã hội đã nở rộ các hình thức kêu gọi, quyên góp công của hướng vào mặt trận chống giặc dịch.
Dù cách huy động có khác nhau, nhưng đích đến đều tập trung vào đối tượng thụ hưởng, là những người đang trực tiếp làm việc ở tuyến đầu chống dịch và người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội.
Một miếng khi đói bằng muôn vàn miếng no khi khác. Mỗi suất cơm miễn phí mùa dịch bệnh hay vật dụng chống dịch được người dân thức đêm để làm đều vô cùng quý giá vượt lên giá trị vật chất thông thường.
Rõ ràng trong dịch bệnh muôn vàn khó khăn nhưng không ai bị bỏ lại. Khi mà mầm bệnh sinh sôi cũng là lúc mầm thiện được nuôi dưỡng, vươn lên, lan tỏa, lay thức lòng người, đúng như những ca từ rất hay trong điệu ví dặm của người dân xứ Nghệ: “Rằng qua cơn hoạn nạn mới tận hiểu lòng nhau”.
Tháng tư năm nay vì thế có thể xem là cao điểm của tình đoàn kết và sự thiện tâm hướng vào trách nhiệm phục vụ, chăm lo. Những thông điệp giá trị của cuộc sống đang tiếp tục được kết nối và truyền đi một cách mạnh mẽ hơn.
Và dù cho sống trong tháng tư đầy lo lắng, nhưng trên hết mỗi người dân vẫn thấy ấm lòng, tin tưởng vào sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
Trong nhiều cuộc họp gần đây Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh phải xử lý nghiêm sự chậm chạp, vô trách nhiệm đang diễn ra ở một số ngành, địa phương.
Thù tướng yêu cầu phải sáng tạo hơn trên tinh thần biến nguy cơ thành thời cơ. Dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi càng đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực gấp ba, tạo ra sức bật cho nền kinh tế thời kỳ hậu dịch bệnh nhằm bù lấp cho những thiếu hụt trong tăng trưởng kinh tế quý 1/2020.
Hưởng ứng kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, chia sẻ với sự khó khăn của doanh nghiệp và người dân, một số doanh nghiệp cung cấp các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu đã đồng loạt giảm giá bán hỗ trợ khách hàng. Khó khăn của người dân và doanh nghiệp vì thế cũng đã được san sẻ bớt phần nào.
Tháng tư, biết rằng có muôn vàn khó khăn, nhưng vượt lênkhó khăn chúng ta vẫn phải sống, nhìn về quá khứ để thêm động lực hướng tới tương lai.
Cách đây 45 năm chúng ta đã làm nên kỳ tích chiến thắng kẻ thù mạnh hơn chúng ta nhiều lần; và như thường lệ tháng tư là dịp để đồng bào cả nước cùng tự hào hướng về ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất non sông.
Càng nghĩ về niềm vui thống nhất, mỗi người dân càng mong đất nước sẽ sớm chiến thắng giặc dịch để khúc khải hoàn lại tiếp tục vang lên.
Việt Nguyễn