Hình ảnh chỉ mang tính minh họa, từ internet
Ngày 30/10/2029 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kết luận số 926-KL/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2020 - 2030.
Mới đây UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch số 09/KH-UBND về triển khai thực hiện kết luận số 926-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Mục tiêu kế hoạch là huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội để đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cánh mạng nhằm bảo vệ, phục hồi, làm sáng rõ và phát huy mạnh mẽ giá trị của các di sản văn hóa đặc sắc và phong phú trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức, lòng tự hào của nhân dân về truyền thống lịch sử cách mạng của quê hương, đất nước, tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về Thanh Hóa đối với du khách.
Theo đó, giai đoạn 2020 đến 2025 sẽ bảo quản, tu bổ, phục hồi khoảng 20 di tích, giai đoạn còn lại 15 di tích. Nguồn kinh phí đầu tư cho di tích lấy từ ngân sách tỉnh, ngân sách các địa phương và nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác.
Tuy nhiên có thực tế là việc đầu tư nguồn lực vật chất lâu nay ở nhiều di tích dù được quan tâm, nhưng lại chưa khai thác được hết giá trị vì thiếu nguồn lực con người trong quản lý, khai thác, phát huy giá trị.
Sở dĩ như vậy, vì phần nhiều di tích thuộc loại hình này đứng chân ở những địa bàn nông thôn, vùng còn nhiều khó khăn nên khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng về làm việc. Trong khi đó cơ bản cán bộ làm công tác văn hóa tại địa phương còn chắp vá, không được đào tạo chuyển môn về di sản văn hóa, đồng thời cùng lúc kiêm nhiệm nhiều việc, nên khó để đáp ứng được yêu cầu.
Chính vì thế, cùng với đầu tư nguồn kinh phí, cần thiết phải có cơ chế, chính sách để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.
Từ yêu cầu này đòi hỏi ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ tỉnh đến cơ sở có di tích cần cân đối, nghiên cứu cử cán bộ đi đào tạo hoặc luân chuyển cán bộ có trình độ về cơ sở công tác luân phiên. Hàng năm dành kinh phí mở các lớp tập huấn nghiệp vụ bảo tồn di sản văn hóa cho cán bộ làm công tác quản lý văn hóa, cán bộ tham mưu công tác bảo tồn di sản và đội ngũ hướn dẫn viên tại các khu di tích. Cùng với đó là nâng cao nhận thức, làm thay đổi ý thức của cộng đồng dân cư để hướng họ chung tay cùng nhà nước bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Chỉ khi nào xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở tốt mới có thể phát huy được đầy đủ giá trị của di sản. Việc đầu tư nguồn lực vật chất để bảo quản, tôn tạo di tích là điều kiện cần, còn nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra tại mỗi di tích mới là điều kiện đủ để phát huy tốt nhất giá trị của di sản. Điều này một lần nữa đặt ra và cần được các địa phương có di tích và cơ quan quản lý văn hóa hết sức thấm nhuần.
Tuệ Vũ