Theo Sở NN&PTNT, đến cuối tháng 4/2020 vẫn còn số lượng lớn tinh bột sắn và ớt trong tỉnh chưa xuất khẩu được, phải trữ đông gửi lưu kho. Còn Sở Công thương cho biết nhiều sản phẩm đóng góp lớn cho GRDP của tỉnh bị giảm sâu.
Để khắc phục, khơi thông dòng chảy hàng hóa, ngay khi dịch bệnh có xu hướng giảm nhiệt nhiều doanh nghiệp đã chủ động bắt tay tái sản xuất, kinh doanh.
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 19/CT-TTg về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 trong tình hình mới, với mục tiêu vừa thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tái khởi động phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Từ yêu cầu này đòi hỏi các ngành chức năng và mỗi doanh nghiệp phải cùng lúc căng sức “chiến đấu” trên cả hai mặt trận để sớm hoàn thành mục tiêu kép.
Trong những ngày qua dưới sự chỉ đạo của tỉnh nhiều biện pháp nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, nguồn vốn đã được các ngành chức năng thực hiện quyết liệt.
Tại phiên họp của UBND tỉnh thường kỳ tháng 4/2020 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng tiếp tục yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan chức năng trong tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, ổn định xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.
Ngành nông nghiệp được xác định là “điểm tựa” của kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực phải tập trung mạnh cho mặt trận sản xuất, chú ý phòng dịch bệnh vụ xuân hè, hỗ trợ ngư dân nuôi, trồng thủy sản.
Trong sản xuất công nghiệp, Ngành công thương phải tập trung hỗ trợ các ngành hàng có đóng góp lớn về giá trị sản xuất và ngân sách như lọc hóa dầu, xi măng, nhiệt điện... Với doanh nghiệp may mặc, giầy da, cần tiếp tục bám sát, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng thị trường.
Những ngày qua tỉnh cũng đã cho mở cửa trở lại nhiều di tích, danh thắng tạo điều kiện cho Ngành du lịch trong tỉnh hoạt động trở lại.
Có thể nói, dịch bệnh gây biến động lớn cho nền kinh tế song cũng là cơ hội cho những ngành nghề và doanh nghiệp biết nắm thời cơ.
Theo một số chuyên gia, đây được xác định là thời điểm để doanh nghiệp quan tâm, rà soát lại hoạt động của mình, phát hiện những bất hợp lý từ đó cơ cấu lại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiến tiến để nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí nhằm đảm báo tương lai lâu dài, đủ sức “đề kháng” trước những bất trắc.
Một quyết tâm cao độ và nghiêm túc cho “mục tiêu kép” lúc này sẽ giúp chúng ta sớm thoát ra khỏi “vòng xoáy”, vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh, vừa tạo được sức bật trở lại cho nền kinh tế.
Lam Vũ