Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Tháng công nhân đặc biệt (30/04/2020-23:18)
    (NLBTH) - Tháng công nhân đặc biệt không đơn thuần chỉ là sự chăm lo vật chất nhiều hơn, mà hơn thế, chính là thông qua việc tổ chức Tháng công nhân các cấp công đoàn và mỗi doanh nghiệp thể hiện được sự nhân văn, nhân ái giai cấp, hỗ trợ người lao động có thêm động lực, niềm tin vượt lên khó khăn.
Hình ảnh minh họa, từ internet

Đó là điều được mong chờ nhất ở thời điểm này khi mà rất nhiều công nhân vừa phải hứng chịu những tác động nặng nề do dịch bệnh Covid - 19 gây ra.

Chỉ riêng địa bàn Thanh Hóa đã có khoảng hơn 10.000 lao động lâm vào cảnh mất việc, bị giản việc. Đời sống công nhân vốn nhiều khó khăn càng thêm chồng chất âu lo khi cùng lúc có nhiều gánh nặng đè nặng lên vai họ.

Chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ và của tỉnh đã phần nào san sẻ bớt khó khăn cho người lao động trong mùa dịch bệnh, nhưng chưa thể đảm bảo cho họ có một tương lai lâu dài. Trách nhiệm được đặt ra và trên hết vẫn phải là sự đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định từ chính doanh nghiệp sử dụng công nhân.

Để thôi thúc, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động, vai trò của các cấp công đoàn là hết sức quan trọng.

Tổ chức công đoàn cần giám sát việc đảm bảo chế độ cho công nhân, phát hiện doanh nghiệp vì muốn sớm bù lấp thiệt hại trong thời gian qua dẫn đến buộc người lao động tăng thời gian làm việc nhưng lại không có chế độ thỏa đáng.

Chủ đề Tháng công nhân năm nay được đặt ra là: “Năng suất cao - An toàn lao động - Thu nhập tốt”. Các cấp công đoàn sẽ vận động công nhân, lao động nâng cao năng suất lao động góp phần hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời chủ động đề xuất với người sử dụng lao động áp dụng biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động góp phần ngăn ngừa tai nạn lao động. Đề xuất với cấp ủy, chính quyền và người sử dụng lao động đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho đoàn viên công đoàn. Cùng với đó là tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, việc triển khai và bổ sung thỏa ước lao động tập thể để người lao động có quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn…

Những hoạt động nhân ái, văn hóa - thể thao chăm lo sức khỏe công nhân đã được tổ chức trong nhiều năm qua càng cần được chú trọng trong Tháng công nhân năm nay. Đặc biệt là tổ chức công đoàn cần có biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp sớm gọi trở lại những công nhân bị sa thải do dịch bệnh.

Doanh nghiệp và tổ chức công đoàn phải xác định đây là Tháng công nhân ở thời điểm hết sức đặc biệt. Tổ chức Tháng công nhân phù hợp và hiệu quả sẽ nhân lên giá trị, góp phần động viên, khích lệ, vỗ về sức lao động, thôi thúc công nhân cống hiến, đáp ứng các đơn hàng dự báo tăng cao trong thời kỳ hậu dịch bệnh.

Dù biết ở thời điểm này để tổ chức một Tháng công nhân đặc biệt là việc làm không dễ khi mà nhiều doanh nghiệp vừa bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh.

Tuy nhiên nếu thực hiện tốt, thì đây lại chính là thời cơ để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu của mình, công nhân thêm gắn bó, tận lực hơn cho những kế hoạch dài hơi của doanh nghiệp.

Lam Vũ


 

 

Các tin khác:
  • Tạo sức bật trở lại cho kinh tế (28/04/2020-23:27)
  • Không vì lợi ích nhỏ (27/04/2020-10:36)
  • Nâng tầm, phát huy giá trị di tích cách mạng (27/04/2020-10:33)
  • Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thời kỳ hậu dịch bệnh (25/04/2020-10:45)
  • Nhân lên sự nhân văn của chính sách (22/04/2020-11:19)
  • Tăng tiện ích, thúc đẩy chuyển đổi số (20/04/2020-13:59)
  • Càng khó khăn càng cần sự nhân văn (20/04/2020-13:56)
  • Hãy để cuộc sống tiếp diễn (19/04/2020-8:32)
  • Nhất quán quan điểm về người mù (17/04/2020-7:03)
  • Tháo gỡ “khó khăn kép” cho nông nghiệp (14/04/2020-23:10)