Hình ảnh minh họa, từ internet
Khi Chính phủ đưa ra gói cứu trợ doanh nghiệp rất nhiều người khấp khởi, trong đó có bạn. Nhưng sự khấp khởi ấy cũng thoáng qua, bạn lý luận rằng những chiếc “máy thở” ấy quan trọng, nhưng còn có biết bao doanh nghiệp, trong đó những doanh nghiệp vừa khởi nghiệp kinh nghiệm non, vốn liếng thiếu, nên cần sự hỗ trợ hơn. Doanh nghiệp của bạn không gì thì cũng đã tham gia thị trường nhiều năm, nhiều lần gặp khó và đều chống chọi được.
Dù có cơ hội nhưng bạn đã không chọn cách xếp hàng chờ, mà tiếp tục cái cách như bạn nói là “khởi nghiệp lại”. Nghĩa là xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh mới thật thuyết phục để kêu gọi vốn, kêu gọi hợp tác.
Tinh thần khởi nghiệp là điều rất cần, đừng có ngại ngần với điều đó. Miễn sao là mỗi doanh nhân luôn có khát vọng và thấy hào hứng. Cũng đừng nên quan niệm rằng mình đang ở vạch nào trên đường đua của thị trường. Xuất phát chậm, khởi nghiệp lại đôi khi hiệu quả hơn là cứ cố bám lấy triết lý kinh doanh cũ, bảo lưu sự lựa chọn sai.
Cách đây 14 năm khi đang làm giám đốc thương mại cho một thương hiệu sứ vệ sinh cao cấp, nhưng bạn vẫn quyết định từ bỏ để mở doanh nghiệp với suy nghĩ như thế mới vừa làm giầu cho mình vừa đóng góp cho ngân sách đất nước.
Nhưng những lần khủng khoảng thị trường và cạnh tranh thương hiệu khốc liệt khiến bạn gặp không ít thất bại. Không đầu hàng, sau mỗi lần như thế bạn lại bắt đầu cho những kế hoạch mới theo cách quen thuộc là… “khởi nghiệp lại”.
Sau gần 3 tháng lao đao do đại dịch Covid - 19 vừa rồi, lại một lần nữa bạn phải “khởi nghiệp lại” với sự khó khăn nhiều hơn.
Mốc thời gian bạn chọn cho việc bắt đầu trở lại là ngày Quốc tế lao động 1/5. Trước tiên đây là thời điểm mà giao thương đã ấm lại, nhưng có lẽ với bạn, đây chính là ngày cả thế giới tôn vinh tinh thần lao động. Chọn ngày này là thôi thúc về một tinh thần lao động trên hết, không đầu hàng.
Đại dịch Covid - 19 là điều tồi tệ nhưng không nên đổ lỗi, cũng không nên bị động chờ đợi, dù rằng trong cuộc chiến này quan điểm của Chính phủ là không để ai bị bỏ lại. Dù là vậy thì ngân sách Nhà nước là hữu hạn mà nhu cầu thì lớn. Bớt đi gánh nặng nào cho đất nước, trên hết là tinh thần chung sức.
Đọc báo gần đây thấy có doanh nghiệp “làm nũng” bằng yêu sách cơ chế, nguồn vốn hỗ trợ lớn, cứ thấy thế nào. Rồi cả những doanh nghiệp lập ra chỉ để lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nữa.
Có vẻ như mỗi khi khó khăn lại là thời điểm để chúng ta xem xét lại năng lực và đạo đức doanh nhân. Điều cần hơn cả là hãy dừng lại việc lợi dụng chính sách, mỗi người trên hết phải có trách nhiệm với bản thân mình. Tôi không muốn nói về triết lý “khởi nghiệp lại” của bạn mình, nhưng rõ ràng đó chính là tinh thần không đầu hàng và bị động chờ đợi sau khi thất bại.
An Nhiên