Chủ nhật, ngày 24/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Để du lịch sớm trở lại chính mình (06/05/2020-10:40)
    (NLBTH) - Những năm gần đấy kinh tế du lịch luôn đóng vai trò quan trọng vào GRDP của tỉnh. Thế nhưng dịch bệnh Covid - 19 thời gian qua đã làm nhiều chỉ tiêu bị giảm sâu, riêng lữ hành có gần 100% tour bị hủy, hoãn.
Bãi biển Sầm Sơn (ảnh minh họa, từ internet)

Cuối tháng 4/2020 Thanh Hóa mở cửa trở lại các khu du lịch biển, du lịch tâm linh. Sau một quý “ngủ đông”, những ngày đầu hè rực nắng đang mở ra cơ hội trở lại mạnh mẽ cho di lịch, nhất là du lịch biển, là một trong những thế mạnh của tỉnh.

Tiềm năng du lịch của Thanh Hóa là rất lớn, nhu cầu của người dân cũng rất cao. Nhiều năm nay tỉnh đã xây dựng được những thương hiệu du lịch mạnh, đồng thời ban hành cơ chế thông thoáng thu hút các nguồn lực và đã có nhiều doanh nghiệp du lịch mạnh tham gia đầu tư hạ tầng du lịch thiết yếu phục vụ du khách. 

Với việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các hoạt động giao thương được nối lại, nền kinh tế đang có dấu hiệu “ấm” dần lên, là lúc để doanh nghiệp du lịch bứt phá thoát ra khỏi sự “đóng băng” lâu nay. 

Trong những ngày đầu tháng 5/2020 dù người dân vẫn còn tâm lý e dè, nhưng nhiều cơ sở lưu trú, ẩm thực tại một số khu du lịch biển đã đón khách đạt khoảng trên dưới 50% công suất. 

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, chỉ riêng trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 toàn tỉnh ước đón khoảng 380.400 lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 298 tỷ đồng. Dù còn thấp hơn cùng thời điểm năm 2019, nhưng điều này cho thấy du lịch đang khởi sắc trở lại, và với đà này ngành Du lịch hoàn toàn có thể sẽ sớm “vượt bão Covid - 19” ngay trong quý 2/2020.

Cách đây gần một tháng, khi dịch bệnh bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt, nhiều chuyên gia đã dự báo về sự trở lại mạnh mẽ của ngành Du lịch. 

Thay vì chờ đợi nguồn cung bên ngoài, nhiều doanh nghiệp du lịch đã chuyển hướng để “chiều lòng” du khách nội địa. Và cũng thay vì ngồi chờ những chiếc “phao cứu sinh”, rất nhiều doanh nghiệp du lịch đã chủ động các giải pháp để tự “cứu” mình bằng cách đưa ra những gói kích cầu du lịch nội địa, thu hút khách du lịch bằng các tour kết hợp tắm biển với tham quan di tích, danh thắng…

Với quan điểm tăng nguồn thu nhưng trên hết vẫn phải là bảo vệ sức khỏe du khách, doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong tỉnh nơi có khu, điểm du kịch đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tạo được cảm giác an toàn, điểm đến thân thiện cho du khách. 

Cùng với đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và mỗi doanh nghiệp du lịch đang tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, đầu tư sản phẩm du lịch mới, xây dựng môi trường du lịch thực sự văn minh, an toàn, thân thiện. 

Đồng thời mỗi doanh nghiệp cũng chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp để sẵn sàng đón lại khách quốc tế trở lại khi dịch bệnh được khống chế.

Đây chính là những cách làm phù hợp hoàn cảnh, thể hiện tinh thần “không đầu hàng”, một tín hiệu rất mừng để du lịch Thanh Hóa bứt phá, sớm lấy lại vị thế của mình.

Lam Vũ

 

 

Các tin khác:
  • Thay đổi thói quen xấu (03/05/2020-21:27)
  • Khởi nghiệp lại (03/05/2020-11:46)
  • Tháng công nhân đặc biệt (30/04/2020-23:18)
  • Tạo sức bật trở lại cho kinh tế (28/04/2020-23:27)
  • Không vì lợi ích nhỏ (27/04/2020-10:36)
  • Nâng tầm, phát huy giá trị di tích cách mạng (27/04/2020-10:33)
  • Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thời kỳ hậu dịch bệnh (25/04/2020-10:45)
  • Nhân lên sự nhân văn của chính sách (22/04/2020-11:19)
  • Tăng tiện ích, thúc đẩy chuyển đổi số (20/04/2020-13:59)
  • Càng khó khăn càng cần sự nhân văn (20/04/2020-13:56)