Hình ảnh minh họa, từ VTV9
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay tất cả các cơ quan hành chính cấp tỉnh đã thực hiện chữ ký số, đưa lên mạng kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, các sở, ngành cũng như nhu cầu tiếp cận thông tin của công dân, trừ những văn bản mật thực hiện theo quy định.
Đây là bước chuyển đáp ứng yêu cầu công tác, tạo tiền đề xây dựng chính quyền điện tử với những chuẩn mực số ngày càng cao hơn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2020 việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước tại Thanh Hóa diễn ra khá mạnh mẽ. Trên cơ sở khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề cương kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Thanh Hóa phiên bản 2.0. Đồng thời xây dựng và triển khai Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh.
Đối với việc sử dụng văn bản điện tử, 6 tháng đầu năm tỷ lệ văn bản được ký số đạt 96,04%, rút ngắn thời gian gửi văn bản, đảm bảo chỉ tiêu Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ. Hệ thống giao ban trực tuyến được đầu tư tại 215 điểm cầu, gồm 83 điểm cầu của khối cơ quan cấp tỉnh, UBND cấp huyện và 132 điểm cầu UBND cấp xã, tạo môi trường họp hiện đại, thuận tiện, tiết kiệm chi phí, thời gian.
Cùng với đó, Cổng dịch vụ công tỉnh được tích hợp với hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; thực hiện công bố đầy đủ, kịp thời 100% các thủ tục hành chính cho cả 3 cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã); đưa vào sử dụng, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 282 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 177 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cấp tỉnh, cấp huyện.
Một trong những giải pháp nhằm tiếp tục hiện đại hóa nền hành chính, đó là UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông đôn đốc các ngành, các cấp tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thực hiện kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia; đẩy nhanh tiến độ tích hợp các phần mềm tiếp nhận, trả kết quả và cổng dịch vụ công của tỉnh.
Hiện đại hóa nền hành chính là vấn đề phù hợp xu thế, đã và đang được tỉnh Thanh Hóa thực hiện đồng bộ và mạnh mẽ nhằm hướng tới sự tiết kiệm, thuận lợi và minh bạch trong tiếp cận và xử lý thông tin. Một việc làm thể hiện tầm nhìn, hòa mình vào nền kinh tế số, cần sự cộng đồng trách nhiệm nhiều hơn nữa của mỗi cán bộ, người dân và các cơ quan hành chính trên địa bàn.
Tuệ Vũ