Nhà báo Nguyễn Minh Trường.
Giữ vững tinh thần nhà báo - chiến sỹ
Gắn với Báo Quân đội nhân dân với vai trò là Trưởng Ban Ảnh, mỗi chuyến đi nhà báo Nguyễn Minh Trường lại để lại những kỷ niệm và dấu ấn riêng của mình. Đó là tinh thần dám nghĩ dám làm, không quản ngại khó khăn, vất vả và luôn phát huy tinh thần “Vì Nhân dân quên mình”.
Nhà báo Minh Trường nhắc đến rất nhiều những kỷ niệm nghề nghiệp đáng nhớ. Anh kể về trận lũ lịch sử năm 2007 tại nhiều huyện của tỉnh Nghệ An làm thiệt hại lớn về người và tài sản. Mưa lớn kéo dài nhiều ngày, hàng nghìn người dân phải đi sơ tán, riêng ở xã Nậm Giải, huyện Quế Phong đã có 14 người dân bị lũ cuốn trôi. Được cơ quan giao nhiệm vụ tác nghiệp lần này, nhà báo Nguyễn Minh Trường theo chân đoàn công tác của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An làm công tác cứu trợ thiên tai.
Thuyền di chuyển chậm vì thời tiết đang mưa to, trong suốt quãng đường di chuyển nhiều giờ đồng hồ anh Nguyễn Minh Trường lưu lại những khoảnh khắc về đợt mưa lũ và công tác cứu trợ, cứu đói. Sử dụng 2 lớp túi ni lông để bảo quản máy ảnh khỏi bị ướt, anh luôn quan niệm làm nghề, trong những lúc khó khăn, chiếc máy vẫn là quan trọng nhất, người mình có thể ướt nhưng máy ảnh ướt thì sẽ khó khôi phục được.
Nhớ lại lần đi đó, nhà báo Nguyễn Minh Trường chia sẻ: Tôi đã đi tác nghiệp ở nhiều vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, nhưng chưa có năm nào, sự tàn phá đến người dân lại lớn đến thế. Sau nhiều giờ đi thuyền tôi đến được một căn nhà sàn, do mưa to đã sập đổ một phần, đang có dấu hiệu sập đổ hoàn toàn và trôi theo dòng lũ bất cứ lúc nào. Trong căn nhà chỉ một cụ bà trên 80 tuổi vẫn còn ở lại, đoàn cứu hộ đã áp sát và đưa bà cụ đến nơi sơ tán an toàn. Gần một tuần tác nghiệp ở đây, anh may mắn được sống và làm việc cùng các đồng đội, đồng nghiệp, tất cả đều trong tình trạng khẩn cấp “chiến đấu cùng giặc nước”.
Mặc dù phải có tin, ảnh thời sự để đăng sớm, nhưng toàn bộ mấy huyện trong tâm lũ thời điểm đó không có điện, nhiều đường giao thông bị cô lập, thiếu nhiều thiết bị nhưng quan trọng nhất lúc đó không có sóng 3G để gửi thông tin hình ảnh về tòa soạn.
“Tôi đã tìm đến và nhờ bưu điện huyện bật máy phát điện để vừa để làm tin, lọc ảnh, họ có dây mạng internet nên cắm trực tiếp vào máy tính, tuy nhiên mạng hôm đó cũng chập chờn, rất lâu sau tôi mới gửi về toà soạn nhờ biên tập giúp”, nhà báo Minh Trường tâm sự.
Những lúc khó khăn, tình quân dân lại được phát huy hơn bao giờ hết. Trong quá trình tác nghiệp ở vùng lũ Nghệ An, anh Trường may mắn được sự hỗ trợ từ lực lượng tìm kiếm cứu nạn, nhân dân, đến chính quyền ở cơ sở họ đều nhiệt tình hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để anh hoàn thành nhiệm vụ, kịp thời truyền tải thông tin hình ảnh về cho đơn vị.
Có lẽ chính nhờ sự hỗ trợ này mà mỗi bức ảnh, mỗi bài viết của anh đều là những câu chuyện thực tế và cảm động về tình quân dân, về tình tương thân tương ái, đùm bọc của nhân dân đối với bộ đội. Tình cảm đó trở thành tài sản vô giá, là động lực để vượt qua mọi khó khăn cho một nhà báo chiến sỹ.
Bắt trọn khoảnh khắc Thủ đô 1.000 năm văn hiến
Nhắc nhớ về kỷ niệm, nhà báo Minh Trường không thể quên được tác phẩm ảnh “Quảng trường Ba Đình ngày hội lớn” của anh (đăng Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 11/10/2010) đã đoạt giải C, Giải Báo chí Quốc gia năm 2010. Bức ảnh không chỉ thể hiện kinh nghiệm tác nghiệp của người chiến sỹ làm báo luôn vượt qua những điều kiện khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, mà trên hết với anh, đây là một vinh dự, một niềm tự hào khi đã góp phần công sức nhỏ bé vào hoạt động chung, cho ngày hội non sông đất nước.
Nhà báo Nguyễn Minh Trường tác nghiệp ở Trường Sa.
Nhà báo Minh Trường kể lại: Trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đây là sự kiện nhằm biểu dương lực lượng, cùng những thành tựu to lớn của Thủ đô Hà Nội trải qua 1.000 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là những thành tựu của toàn Đảng, toàn dân ta đã đạt được trong thời kỳ đổi mới, vinh danh Thủ đô Văn hiến, Anh hùng, Thành phố vì hòa bình. Điểm nhấn của chuỗi hoạt động này là lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, sáng 10/10/2010. Ban tổ chức có sắp xếp một máy bay trực thăng để cho phóng viên, truyền hình có thể ghi lại hình ảnh ở trên cao. Để đảm bảo mọi điều kiện an toàn, phóng viên được tập huấn, lên máy bay và tập dượt nhiều lần chuẩn bị cho ngày chính thức diễn ra đại lễ. Tuy nhiên do nhận được nhiệm vụ đột xuất cơ quan giao nên nhà báo Nguyễn Minh Trường không được tham gia quá trình tập huấn này. Mặc dù vậy, với tâm thế của một nhà báo chiến sỹ, anh vẫn nắm bắt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bằng kinh nghiệm và khả năng phán đoán tình thế.
Buổi lễ chính thức bắt đầu, hôm đó trời có chút mây mù, khi quan sát từ máy bay xuống sẽ bị tối nếu không chú ý căn chỉnh, vì vậy người chụp phải phán đoán được để tăng sáng, phải tăng hết cỡ để có được độ bao quát cao. Đồng thời, di chuyển bằng máy bay, để có hình ảnh sắc nét, đồng đều các lực lượng quân đội đang diễu hành và cả màn đồng diễn tạo bức tranh khổng lồ không phải là dễ dàng. Anh Trường cho biết: “Bức ảnh tôi đăng trên báo được chọn ra từ rất nhiều bức, các chiến sỹ đang duyệt binh chân bước đều, bức tranh ghép từ màn đồng diễn cũng không có một sai sót”.
Sau khi đăng báo, bức ảnh có sức hút không chỉ ở vị trí chụp đặc biệt, mà nội dung bức ảnh đã bao quát được hết không khí của Đại lễ 1.000 năm. Lưu lại khung cảnh, người dân Việt Nam ở mọi miền Tổ quốc tụ họp về Ba Đình. Hình ảnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khung cảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến cũng được bắt trọn trong khoảnh khắc này.
Sắc xuân trong bộ ảnh “Trường Sa ngày mới”
Với mong muốn tạo ra không khí vui tươi để đón chào Xuân mới Kỷ Hợi năm 2019 và Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2), trong chuyến đi ra đảo quần đảo Trường Sa lần này anh đã để lại nhiều dấu ấn qua những bộ ảnh đắt giá. Mỗi chuyến đi ra Trường Sa là mỗi cảm xúc, mỗi kỷ niệm, nhưng với kinh nghiệm của một phóng viên ảnh, anh cũng luôn biết nhìn nhận mọi thứ ở những góc độ sáng tạo riêng.
Ở những bức ảnh người chiến sỹ nơi đảo xa, anh luôn nhấn mạnh vào tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Cảnh vật và con người trên đảo luôn diễn ra như cuộc sống đời thường, vì vậy người phóng viên ảnh phải làm tôn lên những thứ bình dị đó.
Nhà báo Nguyễn Minh Trường chia sẻ: Trên đảo luôn nhiều ánh sáng, vì vậy trong mỗi bức ảnh mình cần sử dụng máy ảnh, căn chỉnh lấy ánh sáng sao cho hiệu quả nhất, trong một bức ảnh ánh sáng được gọi là ngôn ngữ, ánh sáng quyết định bức ảnh đẹp hay xấu. Và để nhân vật trong bức ảnh “có hồn”, phóng viên phải quan sát, phát hiện nhanh “điểm mạnh” và chọn vị trí, chọn ánh sáng cho hợp lý. Có thể chọn ánh sáng là xiên, ngược, chếch ngược để lấy ven giúp bức ảnh rực rỡ, có điểm nhấn, có chiều sâu...
Có lẽ là chiến sĩ được rèn luyện và thử thách trong môi trường quân đội nên anh luôn có sự chỉn chu, tỷ mỉ và sáng tạo trong mỗi bức ảnh. Qua cách nhìn của một nhà báo, một chiến sỹ, Trường Sa hiện ra với màu sắc hoàn toàn tươi mới, rộn rã tưng bừng của sắc xuân. Màu xanh của biển hòa với màu xanh của đảo tôn lên vẻ đẹp ở vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Có thể nói, đạt được nhiều giải báo chí danh giá, đó là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp của nhà báo Minh Trường. Nhưng điều quan trọng hơn, trong quá trình đóng góp cống hiến đó, anh luôn được sống trọn với tình yêu và sự đam mê. Làm báo không dễ dàng, người làm báo thành công đòi hỏi niềm đam mê thật sự. Nhà báo Nguyễn Minh Trường luôn tâm niệm: “Lợi thế và khó khăn luôn song hành, nếu giữ được ngọn lửa đam mê sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, trở ngại”.
Theo Lê Tâm/Báo Nhà báo và Công luận