Nhà báo, nhà văn Võ Hồng Thu và sự mạnh dạn làm báo theo cách của riêng mình (03/09/2020-17:24)
Với quan niệm “phải dám chán sự cũ kỹ thì mới có độc giả trung thành”, Võ Hồng Thu đã và đang đi theo con đường của riêng mình để phục vụ tốt nhất nhu cầu của công chúng. Mới đây chị đã cho ra mắt cuốn sách thứ 4 “Gáy mảnh hững hờ” (NXB Văn học).
Nhà báo, nhà văn Võ Hồng Thu
Phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện thú vị cùng nhà báo, nhà văn Võ Hồng Thu.
Phải hiểu độc giả cần gì
-Chị được công chúng biết đến là tác giả của 4 cuốn truyện và nhiều truyện khác nữa chưa được in sách, một nhà báo năng nổ, xông xáo và có lối viết rất riêng. Chắc câu hỏi này sẽ làm chị khó trả lời nhưng tôi vẫn muốn hỏi, nếu được chọn giữa nhà báo và nhà văn. Chị sẽ thích “danh xưng” nào hơn?
+ Cả hai công việc đều gắn bó với tôi, chọn khó như thể bị bắt chọn thích 1 trong 2 đứa con vậy.
- Trong báo có văn, trong văn có báo. Tôi nghĩ là một nhà báo cũng phải cần có tính “văn” để tác phẩm sinh động, hấp dẫn hơn. Là một nhà văn cũng cần có tính “báo” để tác phẩm mang tính thời sự, thu hút được công chúng hơn. Còn chị, là một nhà báo có “tuổi nghề” gần 30 năm và cầm bút viết văn cũng hơn chục năm, chị nghĩ sao về điều này?
+ Một nhà báo viết văn chắc chắn khác với một người không làm báo. Khi làm báo hay viết truyện, tôi đều thường xuyên tự hỏi: Độc giả của mình là ai? Điều gì khiến họ tìm đọc báo/ truyện? Tôi đặt mình vài vai bạn đọc và dễ dàng tìm ra câu trả lời. Nếu mình thấy hấp dẫn chắc số đông cũng khó có thể thấy khác. Trong cả làm báo và viết văn, tôi đều đề cao sự quyến rũ của tình huống, ngôn từ, chi tiết.
-Tôi có suy nghĩ thế này, nếu một tác phẩm văn chương hay báo chí của mình mà không đến được với công chúng (đấy là tôi nói đến yếu tố quảng bá) thì tác phẩm ấy coi như chưa thành công. Biết chị là người rất biết cách quảng bá tác phẩm của mình ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào, đặc biệt là qua mạng xã hội, chị nghĩ sao về hai từ “quảng bá”?
+ Đó là một kỹ năng mà tôi nghĩ người hành nghề nào cũng cần có. Để làm được điều đó thì mình cần hiểu về sản phẩm của mình cũng như hiểu độc giả đích của mình cần gì. Tính mục đích đó còn ảnh hưởng đến cả quá trình sáng tác, nhất là với tôi – một người chỉ viết theo các “đặt hàng” từ các báo cũng đã hết thời gian. Tôi thực sự chưa bao giờ viết chỉ do nhu cầu bức bách của nội tâm. Nhưng dĩ nhiên nội tâm mình sẽ thể hiện qua trang viết.
Dám chán sự cũ kỹ
-Thực ra tôi cảm nhận thế này, trong các truyện ngắn của chị luôn ăm ắp hơi thở cuộc sống, nó không bị khô cứng, khuôn thước trong lối viết văn thông thường, luôn đem đến cho công chúng một điều gì đó mới mẻ và tôi hình dung đó cũng như một bài báo, một “bài báo đặc biệt”?
+ Đúng vậy. Mọi người đọc truyện tôi hầu hết đều không có cảm giác là đọc sáng tác mà cảm thấy như đang được thâm nhập vào một câu chuyện có thật. Tôi thường xuyên nhận được câu hỏi: Thế rồi cuộc tình ấy sẽ đi đến đâu, họ có lấy nhau không? Cô ta có trả thù anh ta không? Anh ấy có nhận ra cô ấy mới là người yêu mình thực sự hay không?
Và tôi nghĩ cũng còn do cách hành văn của tôi nữa. Ngôn ngữ truyện tôi giờ có vẻ như gọn ghẽ hơn, bớt dần những câu sướt mướt, bay bướm kiểu học trò. Tôi ưng viết câu ngắn hơn và có ý thức lôi kéo độc giả phải đầu tư thêm chất xám khi đọc. Giờ tôi ưng “random” (sự ngẫu nhiên) không gian, thời gian và không theo trình tự thời gian làm người đọc vô tình sẽ tập trung hơn để định hình xem đoạn đang đọc trong bối cảnh nào, thời gian nào, nhân vật nào. Tuy nhiên tôi không cho là mình viết kỹ thuật hơn, ít nhất tôi cũng chưa đi học một lớp dạy kỹ thuật sáng tác nào trong cả 10 năm nay mà chỉ đơn giản vì tôi biết mình phải dám chán sự cũ kỹ thì mới có độc giả trung thành.
-Có thể nói Võ Hồng Thu là một trong những nhà báo đầu tiên đưa giáo dục giới tính, thực ra hơn cả giáo dục giới tính, mà là tư vấn về tình yêu, tình dục lên báo bằng chuyên mục “Thì thầm bên gối” trên ấn phẩm “Người đẹp Việt Nam” của Báo Tiền Phong trước đây. Đấy là do chị liều, chị muốn mở rộng thêm độc giả cho tờ báo của mình hay đơn giản, chị đã hiểu được về một nhu cầu có thật của bạn đọc, nhu cầu bổ sung kiến thức về tình yêu, tình dục?
+ Có chút liều bởi ở thời điểm cách đây 20 năm, hầu như không có mấy tờ báo dành hẳn “đất” cho chuyên mục về giáo dục giới tính. Mà lại không phải giáo dục kiểu cô giáo giảng bài cho học sinh. Tôi là người làm báo bẩm sinh đã tự hiểu mình là người phục vụ, tôi sẽ không làm báo để thể hiện bản ngã của mình mà là để đáp ứng những nhu cầu của bạn đọc. Đó cũng chính là nhu cầu của con người. Mà đã là con người thì dĩ nhiên là có nhu cầu yêu, nhu cầu “cái chuyện kia”… Có điều, kiến thức về tình yêu/ tình dục chuyển tải đến bạn đọc như thế nào? Đó mới chính là mối bận tâm của tôi và những đồng nghiệp. Trước hết, chúng tôi phải tự đào tạo mình thành những con người cởi mở, tiếp thu được những tinh hoa mang tính quốc tế của lĩnh vực theo nhiều cách.
Sau đó, kiến thức được phổ biến thông qua những bài báo, thực ra thành hẳn chuyên mục cụ thể trên Tạp chí “Người đẹp Việt Nam” - chuyên san của Báo Tiền Phong thời đó. Tên chuyên mục “Thì thầm bên gối” là niềm tự hào của chúng tôi, về sau do không đăng ký bản quyền, quá nhiều nơi đã tùy nghi sử dụng, đó là một cái tiếc của tôi. Độc giả của báo chúng tôi khá đông và ổn định số lượng, cả chất lượng nữa. Tôi cho đó là thành quả đáng tự hào nhất trong công việc làm báo của mình.
Sau này, khi làm ở Báo Sức khỏe & Đời sống, tôi vẫn theo đuổi điều này và vì thế đã đề nghị mở chuyên mục “Câu chuyện giới tính”. Gần 100 bài báo về muôn mặt giới tính đã ra đời, thậm chí có thể sẽ được in thành sách. Thực tế cho thấy đó là chuyên mục được độc giả mở ra xem gần như là đầu tiên trên báo in; là mục có lượng view cao trên báo điện tử. Con người mà. Không thể khác được, cho dù loài người có tiến hóa đến đâu thì mối quan tâm lớn nhất vẫn chính là bản năng gốc của mình.
-Với những gì mình đang nắm giữ ở cả văn và báo, hơn nữa ở độ tuổi U50, có thể coi là tuổi của “độ chín”, có khi nào chị nghĩ chị sẽ viết kịch bản truyền hình không?
+ Tôi đã có lời đề nghị từ VTV3. Và chắc là tôi sẽ thử sức mình trong năm nay.
- Xin chúc chị sẽ thành công trong lĩnh vực mới này!
Theo Ngô Khiêm (thực hiện)/ Báo Nhà báo và Công luận
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com