Thứ sáu, ngày 29/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam” (13/11/2020-11:06)
    Ngày 11/11, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam". Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (1925-2020), 70 năm Hội Nhà báo Việt Nam (1950-2020), 75 năm Đài Tiếng nói Việt Nam (1945-2020) và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 12/2020).
 Nhà báo Phan Quang. Nguồn ảnh: Tạp chí Người làm báo
Tới dự buổi tọa đàm có ông Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và nhiều nhà báo lão thành khác...
Tọa đàm “Nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam” là hoạt động nghiệp vụ thường xuyên của Hội Nhà báo Việt Nam không chỉ nhằm tôn vinh những nhà báo lão thành có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà mà còn góp phần thực hiện việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tài liệu truyền thống báo chí về các nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước, đóng góp tư liệu, tài liệu cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Ông Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Sơn Hải
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Thuận Hữu nhấn mạnh: “nhà báo Phan Quang là người có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp báo chí Cách mạng Việt Nam trên nhiều phương diện. Đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam, nhà báo Phan Quang thực sự là một tấm gương điển hình, có tầm ảnh hưởng và lan tỏa nhiều giá trị nghề nghiệp, cần tuyên truyền, học tập và tri ân”.
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu. Ảnh: Sơn Hải
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, đến nay nhà báo, nhà văn Phan Quang đã tròn 92 tuổi đời, 72 năm tuổi nghề, ông vẫn say mê đau đáu với nghề báo, nghề văn như thuở ban đầu. Cuộc đời của ông đã gắn bó với những bài báo, bài văn, cuốn sách, những bản dịch xuất sắc, có sức sống, sức lôi cuốn lớn lao và luôn truyền cảm hứng cho đồng nghiệp cũng như bạn đọc. Ở tuổi xưa nay hiếm, nhà báo Phan Quang vẫn không ngừng nghiên cứu, ghi chép, sáng tạo. Các thế hệ làm báo, làm văn, hoạt động văn hóa yêu quý, nể trọng ở ông lòng yêu nghề, năng lực nổi trội, bản lĩnh vững vàng trách nhiệm với ngòi bút và với xã hội. Công chúng, bạn đọc yêu mến nhà báo Phan Quang ở cái tâm, cái tầm, lao động nghiêm túc, bền bỉ, sáng tạo và khiêm nhường.
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Sơn Hải
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng cho rằng, với một người có nhiều trải nghiệm xã hội, vừa có tài vừa có tầm lại luôn cần mẫn ghi chép, nhà báo Phan Quang viết về đề tài, lĩnh vực nào, thời kỳ nào của tuổi tác cũng hấp dẫn, cho người đọc có thêm nhiều kiến thức...
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, nhà báo Phan Quang viết báo, viết văn từ những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, với nhiều tác phẩm báo chí đầy hơi thở trong cuộc sống và thời cuộc, mang dấu ấn lịch sử. Nhà báo Phan Quang không chỉ có vị trí trong nền báo chí mà còn trên văn đàn của nước nhà. Với tư cách là người cầm bút tài hoa và có uy lực, với trọng trách là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và là Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, ông thuộc hàng những cây đại thụ của nền báo chí Cách mạng Việt Nam đương đại, cùng thế hệ với các nhà báo nổi tiếng như: Thép Mới, Hữu Thọ, Đỗ Phượng, Trần Công Mân, Hà Đăng… Ngoài ra, với nhiều tập bút ký duyên dáng, ông là một tài văn được ngưỡng mộ. Với nhiều tác phẩm văn học dịch, nổi tiếng nhất là “Nghìn lẻ một đêm” mà đến năm nay đã tái bản tới lần thứ 39, ông là một trong những dịch giả được yêu quý nhất. Chính phong thái điềm tĩnh, ứng xử linh hoạt, chuẩn xác, thông thạo ngoại ngữ... đã đưa ông vào hàng chính khách có uy tín. Cùng với những đóng góp đáng quý để truyền tỏa, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa và tinh thần của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, ông là một nhà văn hóa đích thực.
 
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu, khách mời đã được nghe, được kể về những kỷ niệm sâu sắc, gần gũi, thân thiết với nhà báo Phan Quang, về những hoạt động sôi nổi trong lãnh đạo quản lý báo chí, trong quan hệ với đồng nghiệp, bạn bè, người thân. Những câu chuyện được chia sẻ đã làm nổi bật những cống hiến to lớn của nhà báo Phan Quang với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, cũng như những đóng góp của ông trên mỗi cương vị khác nhau, của một tấm gương sáng về tư cách làm báo, tư cách của người làm công tác quản lý báo chí, có công lớn trong thời kỳ đổi mới.
Nhà báo Phan Quang (sinh năm 1928) - nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (khóa V), nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (khóa VI)... Ông là người có nhiều đóng góp to lớn với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.
Hơn 70 năm cầm bút, ông đã cho ra đời 60 đầu sách thuộc nhiều thể loại; trong đó có không ít truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, các tiểu luận văn học… Có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu như: Lửa hồng (truyện ngắn đầu tay năm 1949), Đất rừng (1955)…, một số sách được tái bản nhiều lần như: Bút ký “Đồng bằng sông Cửu Long”, “Một mình giữa đại dương”…
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, nhà báo Phan Quang tâm sự: “Cuộc đời viết lách của tôi giống một cuộc hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, dù đang yêu người khác. Tôi yêu văn học nhưng lại làm báo chí và cuối cùng trong cuộc hôn nhân lý trí này, dần dà tôi cũng tìm thấy tình yêu chân thực và tôi đã sống hết mình, suốt đời chung thuỷ với nghề báo…”.
Chia sẻ về nghề, nhà báo lão thành nhấn mạnh: “Ai yêu nghề, người ấy khắc có đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức báo chí bắt nguồn từ cái tâm, cái đức của người làm báo. Chúng ta vì nước, vì dân mà tác nghiệp, tránh không để tay bị nhúng chàm vì lợi vì danh - đơn giản thế thôi… Tấm lòng ta sáng, cái đức ta trong, ta tôn trọng sự thật, ta phụng thờ lẽ phải, ta viết báo vì lợi ích những người đọc chúng ta, đó là đạo đức”.
Theo Hồng Hà/ Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam

 

Các tin khác:
  • Những nụ cười ... sau bão (11/11/2020-12:02)
  • Phát động giải thưởng "Thành tựu y khoa Việt Nam" (10/11/2020-14:35)
  • Giải báo chí “Vì an ninh Tổ quốc - bình yên cuộc sống": Các tác phẩm đoạt giải đã phản ánh đậm nét truyền thống cao quý của lực lượng Công an nhân dân (10/11/2020-16:30)
  • Báo chí Bình Phước: Hành trình vươn tới! (30/10/2020-9:29)
  • Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Giữ ngòi bút ngay thẳng, có dũng khí và thấm đẫm nhân văn (29/10/2020-16:10)
  • Những người làm báo thầm lặng, cống hiến và sẻ chia cùng đồng bào vùng bão lũ (29/10/2020-15:41)
  • Tăng thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về cảnh báo diễn biến mưa bão (29/10/2020-8:57)
  • Thanh Hóa: Công tác báo chí đồng hành cùng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (28/10/2020-7:35)
  • Nhà báo Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại: " Đã là tờ báo thì không thể hạn chế tiếp cận thông tin một cách máy móc, cơ học" (24/10/2020-8:45)
  • Tổng kết, trao giải Cuộc thi viết và ảnh báo chí “Khát vọng Thanh Hóa” (24/10/2020-8:30)