Người làm báo trong hành trình thiện nguyện đến với đồng bào vùng lũ lụt (23/11/2020-10:28)
Dù công việc làm báo khá bận, nhưngphóng viên Trần Thanh Sơn, báo Pháp luật TP. HCM luôn tâm niệm mùa mưa bão, khi đồng bào ở nhiều nơi còn gặp khó khăn thì mình có thể vừa đi từ thiện vừa viết bài ở đó.
Báo Pháp Luật TP.HCM trao quà hỗ trợ của bạn đọc cho người dân Quảng Trị. Ảnh:T.AN
Những tấm lòng hậu phương tiếp sức cho vùng lũ
Trước thiệt hại nặng nề mà lũ lụt gây ra ở các tỉnh miền Trung và với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, ông Trần Thanh Sơn - phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM thường trú tại Ninh Thuận đã kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp, những người cùng ở địa phương, đóng góp ủng hộ những gì mà người dân miền Trung đang cần, trong đó có lương thực, thực phẩm, quần áo, sách vở và đồ dùng học tập….
Làm báo nhưng đã có nhiều năm làm hoạt động xây dựng nhà tình nghĩa ở địa phương, ông Trần Thanh Sơn đã có nhiều kinh nghiệm trong việc vận động hỗ trợ từ thiện. Trong mùa lũ lần này ông xác định chỉ kêu gọi và hướng dẫn mọi người tập trung hàng hóa cứu trợ ở trụ sở, UBND, công an và ban chỉ huy quân sự địa phương. Đây là nơi có tổ chức, có phương tiện và nhân lực nên hàng hóa sẽ sớm được đến với bà còn vùng lũ.
Phóng viên Trần Thanh Sơn cho biết: “Mình kêu gọi vậy nhưng cuối cùng mọi người vẫn mang hàng tới nhà riêng và chuyển tiền. Có cụ ông là gia đình hộ nghèo ở địa phương, mang một thùng mì tôm đến nhờ tôi chuyển cho đồng bào giúp, tôi thấy dù ít nhưng đó là tấm lòng của họ đối với đồng bào. Có người mang đến 100 nghìn và vài cân gạo…tôi cũng cho vào danh sách mà nhận hết. Góp gió thành bão, dù còn nghèo khó nhưng mỗi người cùng chung tay một chút sẽ tạo nên những giá trị lớn hơn”.
Tất cả hướng về miền trung thân yêu, cả nước đều chung tay hỗ trợ đồng bào vùng lũ, đã có những thôn, xóm khu dân cư mọi người cùng nhau vận động làm bánh chưng, mua lương thực thực phẩm và sử dụng phương tiện sẵn có để vận chuyển. Tại nhiều nơi người dân và chính quyền cùng hợp sức để triển khai, trong đó có đoàn thanh niên, hội phụ nữ, người cao tuổi, hội cựu chiến binh…tất cả những hội viên đó cùng hợp lực với chính quyền địa phương để mang những món quà thiết yếu cho đồng bào.
Trong quá trình đi hỗ trợ đồng bào ông luôn xác định yếu tố an toàn lên hàng đầu, ông vẫn nói với mọi người, chúng ta đi cứu trợ đừng để ai cứu trợ mình. Các bước đi, lịch trường giao thông, ăn nghỉ đều phải chuẩn chỉnh. Qua những vùng, những tuyến đường có nguy cơ sạt lở cũng thực hiện nghiêm khuyến cáo của lực lượng chức năng.
Mưa lũ sạt lở ở nhiều nơi trên dải đất miền trung, hầu hết các báo và các trang mạng xã hội đều đăng tải những hình ảnh thiệt hại. Theo ông Sơn “Những đoàn cứu trợ cần xem xét kĩ những thông tin về thiệt hại của người dân trên báo, tránh đọc những tin sai sự thật gây hoang mang dư luận và từ thiện sai địa chỉ. Các nguồn tin chính thống và những địa phương bị thiệt hại sẽ được cơ quan, cá nhân có thẩm quyền sẵn lòng cung cấp”.
Để tấm lòng trao đi trọn vẹn
Là người trực tiếp đi theo xe phát quà, ông Trần Thanh Sơn luôn chủ động nhờ chính quyền địa phương, nhất là lực lượng công an quân đội để họ có sự hướng dẫn về phương tiện, đường giao thông đảm bảo an toàn và nhanh chóng.
Ông sẽ liên hệ với xã và thôn, chính quyền ở đây sẽ lên thông báo đến từng hộ về ngày giờ, địa điểm nhận quà hỗ trợ để bà con chủ động. Phần lớn ở vùng cao là cả thôn được nhận quà vì các hộ đều khó khăn như nhau.
“Tôi nhớ có lần đi từ thiện ở thôn có đồng bào dân tộc giáp biên giới Lào, khu vực đó gần thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), đang sạt lở, xe của đoàn không thể vào bên trong, người dân phải đi bộ 6km mới ra được khu phát hàng cứu trợ, phần lớn họ đi chân đất, quần áo lấm bẩn, rất nhiều người dân vừa đói vừa rét, tôi thấy tiếc nhất là mang rất ít bánh kẹo để phát ngay lúc đó…, Dù chủ yếu là đồng bào dân tộc, trong đó có cả các em nhỏ nhưng mọi người đều xếp hàng theo thứ tự để nhận, tất cả đều trật tự. Trước khi về nhà họ còn vào chào và cám ơn đoàn từ thiện. Sau chuyến đi tôi cũng về kêu gọi mọi người đến khu vực này hỗ trợ những nhu yếu phẩn thiết thực, còn nhiều gia đình đồng bào dân tộc gặp khó khăn sau lũ” ông Sơn nhớ lại.
Tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận nơi ông Trần Thanh Sơn sinh sống, ở đây một số phường của TP Phan Rang gói bánh chưng và tập hợp được nhiều quần áo, lương thực. Vì ông đã đi nhiều nên biết được các đầu mối tiếp nhận, ông đứng ra tổ chức cho các đơn vị vận chuyển hàng hóa đến đúng địa chỉ, đúng thời điểm.
Đúng theo tinh thần vận động quyên góp và hỗ trợ đồng bào lũ lụt cần đúng quy định và thiết thực, ông Trần Thanh Sơn cho biết: “Nhiều cơ quan, doanh nghiệp không có điều kiện để trực tiếp đi trao quà, tôi có đầu mối từ một số người bạn làm cán bộ công an của một tỉnh ở vùng lũ, các cán bộ chiến sỹ này là người trực tiếp tham gia hoạt động cứu trợ đồng bào bị chia cắt vì sạt lở và họ cũng chính là người tập hợp các phần quà từ nhiều nơi trực tiếp phát cho đồng bào”.
Dù công việc làm báo khá bận, nhưng anh Trần Thanh Sơn luôn tâm niệm mùa mưa bão, khi đồng bào ở nhiều nơi còn gặp khó khăn thì mình có thể vừa đi từ thiện vừa viết bài ở đó. Ông may mắn có được người vợ chu toàn, sẻ chia và hỗ trợ cho ông trong hoạt động thiện nguyện. Những người con đã trưởng thành cũng luôn ủng hộ những tiệc thiệt nguyện của ông trong mùa mưa lũ.
Trong suốt thời gian qua, ông Trần Thanh Sơn và nhiều đồng nghiệp tại Báo Pháp Luật TP.HCM đã và đang kêu gọi bạn đọc, các nhà hảo tâm chung sức góp tiền và vật chất để ủng hộ, giúp đỡ đồng bào miền Trung vượt qua thiên tai, hoạn nạn. Và bằng những tin bài và bằng những kinh nghiệm sau mỗi chuyến đi người làm báo khắp cả nước luôn hướng về những đồng bào đang gặp khó khăn, họ chỉ mong người miền Trung quật cường sớm vượt qua những mất mát để xây dựng lại cuộc sống bình yên.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com