Tăng cường hiệu quả thông tin đối ngoại
Ông Ngô Minh Hiển, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, hiện nay, Đài Tiếng nói Việt Nam có 8 kênh phát thanh, 16 kênh truyền hình, 2 tờ báo điện tử và 1 tờ báo in. Mỗi loại hình báo chí đều đề cập thông tin dành cho cộng đồng Việt Nam xa Tổ quốc, trong đó, 2 phương tiện truyền thông chủ lực là phát thanh và truyền hình. Chương trình phát thanh được duy trì từ hàng chục năm nay và tiếp tục đón nhận tình cảm tốt đẹp của bà con người Việt ở nước ngoài.
“Với sự đa dạng các loại hình báo chí, Đài Tiếng nói Việt Nam góp phần tích cực vào việc kết nối Việt Nam với thế giới và gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương”, ông Ngô Minh Hiển nhấn mạnh.
Đặc biệt, Đài Tiếng nói Việt Nam ký biên bản hợp tác với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao để nắm bắt thông tin, tâm tư nguyện vọng của cộng đồng người Việt ở nước ngoài; chuyển tải, xây dựng nội dung chương trình phát thanh, truyền hình, báo điện tử phù hợp với tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con.
Cùng với sự bùng nổ của các phương tiện thông tin truyền thông, chỉ trong thời gian ngắn, kiều bào có thể biết nhiều thông tin thông qua thế giới phẳng. Chính vì vậy, Đài Tiếng nói Việt Nam tập trung xây dựng các chương trình phát thanh lay động lòng người, khơi gợi tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc của những người con xa xứ. Bên cạnh đó, các chương trình truyền hình phát sóng trên kênh VTC10 đều hướng đến tính nhân văn, thuần phong mỹ tục của dân tộc, để bà con kiều bào gìn giữ, học tập và quảng bá về danh lam thắng cảnh của đất nước cho bạn bè khắp thế giới. Báo điện tử VOV và VTC News cũng là những sứ giả thông tin, thực hiện tinh thần của Chỉ thị 45-CT/TW.
Chia sẻ phương hướng triển khai công tác thông tin đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam thông tin việc định hướng nâng cấp Ban Đối ngoại và tăng thời lượng các chương trình dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ đẩy mạnh nền tảng nội dung số để bà con kiều bào thuận tiện xem hoặc nghe các chương trình phát thanh, truyền hình về đất nước, con người Việt Nam, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
“Khi phản ánh những nét đẹp của thuần phong mỹ tục, tinh thần tự hào dân tộc, bà con dù ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng hướng về để chung tay xây dựng một Việt Nam hùng cường. Đài Tiếng nói Việt Nam đang khao khát xây dựng tích hợp một kênh có cả phát thanh và truyền hình để dễ dàng chuyển phát thông tin tới tất cả bà con trên khắp thế giới”, ông Ngô Minh Hiển khẳng định.
Tương tự, là cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia, trong những năm qua, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) chú trọng phát triển thông tin đối ngoại cả về số lượng, loại hình, tăng số ngữ lên 10 ngữ (gồm Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung, Tây Ban Nha, Hàn Quốc (tiếng Triều Tiên), Nhật, Lào và Khmer) đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong nước và thế giới. Thông tin đối ngoại của TTXVN bằng 5 ngữ Việt, Anh, Pháp, Trung, Tây Ban Nha được phát trên Kênh Truyền hình Thông tấn (VNews), các nền tảng mạng xã hội.
Bên cạnh đó, thông tin đối ngoại của TTXVN được chia sẻ với trên 40 hãng thông tấn, tổ chức báo chí quốc tế TTXVN có quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin. Với 16 đơn vị thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại, TTXVN tích cực đăng phát thông tin về Việt Nam đến với bạn bè quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, với số lượng thông tin khổng lồ. Cùng với báo, tạp chí in truyền thống, các loại hình mới như báo điện tử có số lượng truy cập từ nước ngoài tăng hàng năm.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm đa dạng hóa kênh phát hành thông tin đối ngoại, hiện nay, TTXVN có các hợp đồng dịch vụ, thỏa thuận hợp tác trao đổi thông tin với hơn 40 hãng thông tấn nước ngoài, trong đó có các hãng lớn như: Tân Hoa xã (Trung Quốc), TASS (Liên bang Nga), Kyodo News (Nhật Bản), Yonhap News Agency (Hàn Quốc), AFP (Pháp), Reuters (Anh), Associated Press (Mỹ), Prensa Latina (Cuba), Press Trust India (Ấn Độ), IRNA (Iran), APS (Algeria), WAM (Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất)… Đặc biệt, ngày càng có nhiều hãng thông tấn nước ngoài chủ động đề nghị thiết lập quan hệ hợp tác, thể hiện uy tín của TTXVN trên các diễn đàn báo chí quốc tế.
Đặc biệt, ngày 31/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1669/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển một số báo in và báo điện tử đối ngoại quốc gia của Thông tấn xã Việt Nam” giai đoạn đến năm 2020. Theo đó, Báo Việt Nam News, Tạp chí in Báo ảnh Việt Nam, Báo điện tử VietnamPlus của TTXVN phát triển thành các báo in và báo điện tử đối ngoại quốc gia, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới, hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin đối ngoại theo đường lối, chủ trương của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ứng dụng công nghệ trong phát triển các loại hình báo chí
Thực hiện vai trò cơ quan báo chí đối ngoại quốc gia, đồng thời góp phần thực hiện tinh thần Chỉ thị 45-CT/TW, bà Trịnh Thanh Thủy, Tổng biên tập Báo Việt Nam News cho biết, Việt Nam News là tờ báo tiếng Anh hàng ngày duy nhất của Việt Nam, do TTXVN xuất bản. Là cầu nối văn hóa trong nước và thế giới, Báo Việt Nam News thực hiện chức năng thông tin đối ngoại để phục vụ bạn đọc nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, bà con kiều bào xa Tổ quốc cũng như bạn đọc nước ngoài nói chung.
“Việt Nam News luôn đảm bảo là nguồn thông tin tiếng Anh chính thống, nhanh nhất và chuẩn xác nhất từ Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Ngoài bản báo in hàng ngày phát hành trong nước và các chuyến bay quốc tế, Báo cũng có hệ thống website, chuyên trang kinh doanh và văn hóa du lịch, mạng xã hội phổ biến, cập nhật và trực tiếp tương tác với bạn đọc, nhất là kiều bào sử dụng ngôn ngữ giao tiếp chính là tiếng Anh. Hơn 50% truy cập vào trang của Việt Nam News là từ nước ngoài. Ngoài ra thông tin của Báo cũng được báo chí nước ngoài trích dẫn, đăng lại”, bà Trịnh Thanh Thủy nhấn mạnh.
Để thu hút độc giả, Báo Việt Nam News nỗ lực tăng cường số lượng, chất lượng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề phù hợp với đặc thù của từng địa bàn và theo nhu cầu của nhiều nhóm đối tượng độc giả khác nhau. Từ năm 2018, Việt Nam News đẩy mạnh truyền thông đa phương tiện. Mỗi bài viết không chỉ đi kèm ảnh, video minh họa còn có mã QR-code đăng kèm trong báo in, giúp bạn đọc tiếp cận video dễ dàng.
Trong đợt phòng, chống dịch COVID-19, Báo lập chuyên trang “Virus Watch” để hằng ngày cập nhật diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam, khu vực và thế giới; sản xuất video, tin, bài phản ánh kịp thời nỗ lực của Đảng, Nhà nước, nhân dân, phản bác thông tin sai lệch, tạo dư luận và hình ảnh tích cực về Việt Nam kiên cường, đoàn kết và sáng tạo trong cuộc chiến chống dịch.
Cùng thực hiện mục tiêu trở thành báo in đối ngoại quốc gia, từ tháng 1/2018, Báo ảnh Việt Nam đã có sự thay đổi về lớn về hình thức và nội dung thể hiện để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc trong nước và quốc tế. Không chỉ trình bày theo hướng hiện đại, bắt mắt, nội dung tờ báo có sự thay đổi mạnh mẽ, thông tin mang có chiều sâu, hữu ích, đáp ứng yêu cầu là tạp chí đối ngoại, để bạn đọc ở trong và ngoài nước, nhất là những người Việt xa quê hương thêm hiểu biết sâu về đất nước và con người Việt Nam.
Với thế mạnh xuất bản điện tử bằng 10 thứ tiếng khác nhau (Việt, Anh, Pháp, Nga, Hoa, Nhật, Tây Ban Nha, Lào, Khmer và Triều Tiên), đến nay, mỗi năm, Báo Ảnh Việt Nam có khoảng 15 triệu lượt bạn đọc thường xuyên truy cập từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ông Nguyễn Thắng, Tổng Biên tập Báo ảnh Việt Nam, TTXVN cho biết: “Báo ảnh Việt Nam mong muốn xây dựng một tờ báo điện tử đa ngữ hiện đại, thông tin đối ngoại chủ yếu bằng ảnh mang tầm khu vực và thế giới theo xu hướng của toàn cầu”.
Để thực hiện mục tiêu trên, mỗi bài viết trên Báo ảnh Việt Nam đều đi kèm với hình ảnh mang tính báo chí và nghệ thuật cao, góc chụp độc đáo, chất lượng hình ảnh được đặc biệt coi trọng. Tòa soạn đòi hỏi phóng viên ảnh có sự tìm tòi, sáng tạo trong từng góc máy, từng khoảnh khắc chụp để đáp ứng yêu cầu trở thành tạp chí đối ngoại.
Xác định vai trò là báo điện tử chính thức của TTXVN, là tờ báo điện tử đối ngoại quốc gia, VietnamPlus luôn không ngừng cải tiến phương thức tác nghiệp, văn phong báo chí, ứng dụng công nghệ hiện đại. Đặc biệt, VietnamPlus luôn tìm tòi, sáng tạo trong mỗi sản phẩm báo chí ứng dụng công nghệ mới và coi đây là chìa khóa để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, thu hút độc giả trong và ngoài nước, thay vì cách đưa tin giật gân “câu views”.
“Thông tin của VietnamPlus luôn đảm bảo chính thống, nhanh nhất và chuẩn xác nhất từ Việt Nam tới bạn đọc, đặc biệt tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế”, Ông Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus khẳng định.
Theo đó, tòa soạn thực hiện các bài viết chuyên sâu-dạng Mega Story có phong cách mới lạ, hấp dẫn bạn đọc. Một số bài chất lượng cao được thực hiện công phu, theo định dạng longform, kết hợp nhiều yếu tố đa phương tiện, cập nhật xu hướng nổi bật của báo chí thế giới hiện nay.
Một số tin bài được thể hiện theo phong cách hiện đại như tin video 1:1 dạng mutex (lời bình được thể hiện dạng phụ đề, trên nền nhạc có bản quyền) đáp ứng thị hiếu cũng như thói quen xem video qua điện thoại của độc giả. Một số bài viết thể hiện theo cách kể chuyện (storytelling) giàu cảm xúc, thu hút được đông đảo độc giả trong và ngoài nước, góp phần gìn giữ và phát huy vốn tiếng Việt trong sáng, chuẩn mực.
Năm 2020, VietnamPlus cũng là đơn vị báo chí tiên phong trong việc thực hiện sản phẩm mới Podcast, hướng tới các thiết bị ứng dụng trí tuệ nhân tạo như loa thông minh, phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật, TTXVN, đưa các sản phẩm lên nền tảng hiện đại như Spotify, Apple Podcast, Alexa, Google Home…
Báo điện tử vietnamplus
Hiện nay, VietnamPlus là báo điện tử duy nhất của Việt Nam thực hiện thông tin bằng 6 ngôn ngữ gồm Việt, Anh, Pháp, Trung, Tây Ban Nha, Nga; đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển thêm 3 trang ngữ mới, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức trong giai đoạn 2021-2025, phục vụ công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại của Đảng, Nhà nước, cung cấp thông tin cho bạn đọc, đặc biệt là kiều bào xa quê hương.
Để mở rộng diện phủ sóng, VietnamPlus đang từng bước tiến hành lập kênh chính thức trên các nền tảng được nhiều người sử dụng khác như: Zalo, TikTok, MyClip.vn, Instagram, Twitter, Pinterest... nhằm đẩy lùi tin xấu, độc, tin giả không có kiểm chứng trên mạng xã hội, góp phần định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội. Đến nay, thông tin của VietnamPlus đã lan tỏa đến độc giả của 223 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, top 10 quốc gia có lượt đọc nhiều nhất gồm: Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Đức, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Nga, Lào, Campuchia.
“VietnamPlus đang đặt mục tiêu phấn đấu là kênh thông tin chính thức về chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, chiếm lĩnh mặt trận thông tin đối ngoại, thực sự trở thành kênh thông tin chính thống tin cậy của Đảng và Nhà nước, góp phần tuyên truyền đối nội-đối ngoại hiệu quả các đường lối, chính sách của Việt Nam, góp phần định hướng trong dư luận và công khai phản bác những quan điểm sai trái, lệch lạc, giữ vững tính chính trị-xã hội”, ông Trần Tiến Duẩn cho biết.