Tác nghiệp mùa dịch Covid-19 và những trải nghiệm không phai nhòa (30/11/2020-9:11)
Tác nghiệp trong mùa dịch Covid 19 chưa bao giờ là dễ dàng với bất kỳ ai. Và đối với phóng viên Nam Việt, Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam cũng vậy, sau mỗi chuyến tác nghiệp mùa dịch anh đã có những trải nghiệm khó quên.
Theo anh Nam Việt tác nghiệp khi chuyến bay đầu tiên đưa công dân Việt Nam hồi hương từ Mỹ trở về trong đại dịch COVID-19 có thể coi là một cơ hội hiếm hoi để họ làm nghề. Ảnh: NVCC
Tác nghiệp trong mùa dịch chưa bao giờ là dễ dàng, đối với phóng viên phụ trách quay phim là đầy khó khăn và hiểm nguy. Ngoài mặc trên mình những đồ bảo hộ kín mít thì toàn bộ trang thiết bị như: máy quay, chân máy, mic... cũng phải bọc kín và luôn mang bên mình.
Từ những ngày phát hiện ra ca nhiễm ở trong nước đầu tiên, phóng viên Nam Việt được cơ quan hướng dẫn, tập huấn rất kỹ về tác nghiệp mùa dịch để đảm bảo an toàn. Trước mỗi chuyến đi anh cũng đã đọc và trao đổi kịch bản với biên tập viên để thống nhất những cảnh quay, điểm quay, vị trí đứng...phán đoán đưa ra những nguy cơ dễ bị lây nhiễm để phòng tránh.
Thực hiện nhiều cảnh quay ở các khu vực nhạy cảm như bệnh viện, khu cách ly nhưng anh Nam Việt vẫn nhớ nhất là lần tác nghiệp ở khu vực bến đỗ ở sân bay Nội Bài cuối tháng 6 năm 2020. Khi đó anh được cơ quan giao nhiệm vụ ghi hình ảnh về chuyến bay đầu tiên đưa công dân Việt Nam hồi hương từ Mỹ trở về.
Anh Nam Việt nhớ lại: “Ngồi chờ máy bay hạ cánh trong trang phục kín mít, tôi đã phải hình dung trước ra hình ảnh mình phải quay như thế nào, chọn góc quay ra sao. Trước khi máy bay chuẩn bị đáp xuống, tôi đã ra đường băng đứng chờ 20 phút, đợi đúng khoảnh khắc máy bay đáp xuống sân bay Vân Đồn để ghi lại. Đó là một cú máy rất dài. Sau khi quay xong cảnh máy bay hạ cánh, tôi chạy nhanh nhất có thể để ra điểm đỗ của máy bay tiếp tục ghi lại cảnh hành khách xuống. Tôi nghĩ mình đã cố gắng nhanh nhất chọn được những cảnh theo mạch của câu chuyện và bám sát kịch bản yêu cầu”.
“Mọi người cũng có thể hình dung được khoảng cách từ khi máy bay hạ cánh đến lúc dừng lại ở điểm đỗ là gần 800m. Tôi đã chạy trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi chảy mờ kính bảo hộ, không nhìn thấy bất cứ thứ gì. Việc đeo khẩu trang rồi chạy thế khiến tôi không thở được khi vác gần 20kg thiết bị trên người. Khi thực hiện cú máy phỏng vấn cơ trưởng trong khoang lái, tôi gần như chỉ cảm nhận bằng cảm giác, tính khoảng cách đến nhân vật và lấy nét vì không nhìn được gì mà tay không được sờ lên mắt mũi” anh Nam Việt chia sẻ thêm.
Tác nghiệp trong mùa dịch, đằng sau những chuyến đi, những cảnh quay đó là câu chuyện về nguy cơ. Thông thường, những khu vực nhạy cảm về dịch bệnh, không ai có thể tiếp xúc gần thì những phóng viên, quay phim lại đi vào làm việc. Có thể có đầy đủ điều kiện an toàn, đủ trang bị bảo hộ nhưng nguy cơ vẫn có thể xảy bất cứ khi nào và bất kỳ ai.
Chuyến bay VN1 là chuyến bay đặc biệt, không giống chuyến bay thương mại đơn thuần khác, đây là chuyến bay đầu tiên Chính phủ đưa công dân ở nước ngoài về nước. Đây cũng là chuyến bay thẳng đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ, khi đó nước Mỹ đúng thời điểm dịch đang căng thẳng. Trong số 340 hành khách thì không ai có thể biết ai là người nhiễm.
Tiếp xúc gần với những người từ vùng dịch về, mọi phóng viên đều cần trọng hơn bao hết, lúc hoàn thành nhiệm vụ, trở về với gia đình, họ vẫn luôn ý thức hạn chế giao tiếp nói chuyện với bạn bè, người thân và tự ý thức cách ly.
Phóng viên Nam Việt tâm sự: “Tôi có con nhỏ nên cũng khá lo lắng và sợ. 2 tuần sau khi về, tôi theo dõi chuyến bay hàng này hàng ngày trên báo, cứ thấy thông báo có người nhiễm bệnh là kiểm tra xem có ở chuyến mình tác nghiệp không. Khi không có ca nào được phát hiện tôi mới yên tâm và thở phào nhẹ nhõm. Chúng tôi cũng cảm thấy may mắn bởi chuyến bay mình tác nghiệp không có hành khách nào dương tính, nếu có chắc chúng tôi sẽ không chỉ bị ảnh hưởng về sức khoẻ mà còn bị ảnh hưởng nhiều về tâm lý”.
Khi dịch bệnh xảy ra, bên cạnh các bác sĩ, nhân viên y tế ở tuyến đầu, thì những người làm truyền thông, báo chí cũng có thể coi là một trong những nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao, đặc biệt là những phóng viên quay phim làm thời sự. Áp lực tin bài nhanh chóng, chính xác đi kèm với nguy cơ bị lây nhiễm lúc nào cũng thường trực, nhưng bản năng nghề nghiệp, mong muốn có được tin tức mới nhất, hữu ích nhất…đã luôn thôi thúc người làm báo đi tới.
Nhìn lại khoảng thời gian tác nghiệp mùa dịch vừa qua, “Mỗi chúng tôi có những cảm xúc và những kỷ niệm khác nhau. Dịch Covid-19 là nguy cơ nhưng cũng là dịp để từng người làm báo thể hiện bản lĩnh và khả năng của mình. Tất cả để lan tỏa những thông điệp quan trọng về tình đoàn kết của dân tộc, định hướng dư luận, chia sẻ kiến thức phòng chống dịch phù hợp cho cộng đồng, góp phần vào thành công chiến thắng dịch bệnh của đất nước”, anh Nam Việt cho biết thêm.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com