Nhà báo Trần Nhật Minh - Những câu chuyện một thời... (01/12/2020-12:33)
Đọc 252 trang tản văn trong tập “Miền sau cánh cửa” của nhà báo Trần Nhật Minh do NXB Văn học vừa ấn hành, tôi chộn rộn muốn thổ lộ ngay suy ngẫm vụn của mình với bạn đọc đó đây. Bởi, “Miền sau cánh cửa” gieo vào tôi chất trữ tình, nhân tình thế thái bằng những câu chuyện nhỏ kể lại.
Ngày nghỉ đi du lịch tận Suối Tiên – Ao Giời, xã Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ, Trưởng ban Văn học – Nghệ thuật Trần Nhật Minh đến hẹn lại cặm cụi duyệt bài qua mạng.
Chẳng hề vô tình tác giả lại đặt ngay trang đầu tập sách bài “Miền sau cánh cửa” cũng là tên của tập, khơi dòng cho 37 câu chuyện nối tiếp nhau, cuốn hút người đọc tới tận trang cuối cùng. Ngôn từ, chữ nghĩa sàng lọc, sắp đặt đâu ra đó khiến tôi không thể đọc nhanh, càng không thể xem lướt. Ngữ nghĩa sâu xa, gần gụi mà thấm tháp; những câu chuyện một thời mộc mạc, giản dị mà ăm ắp nhân văn, ngồn ngộn sức sống.
Bài “Miền sau cánh cửa” không nhiều từ cho cả 2 đoạn mục: - “Câu Kinh cuối mùa đông” và “Chiếc roi của Cha”, cũng đủ thấy sức thâm sâu của Trần Nhật Minh. Viết hồn nhiên, kể hồn nhiên, tả sát thực cứ như vốn đời là vậy. Nỗi nhớ về Cụ họ mỗi khi ngày Rằm, mồng Một, Tết lễ đến cho dù Cụ khuất núi lâu rồi mà vẫn hiển hiện rất rõ từ vóc dáng, động thái, nội tâm thanh bạch đến tận cùng. Tác giả biểu đạt bằng những chữ từ khá đắt: “Câu Kinh như lời ru êm dạy con người ta tu tâm tích đức, biết vượt qua hố mê dục vọng, biết cúi đầu nghiêng mình trước điều thiện, cái đẹp, biết ngẩng đầu trước bạo quyền...”. Đoạn mục kế tiếp là “Chiếc roi của Cha”, tôi xem đó cũng là nền nếp gia phong. Các Cụ chú tâm dạy con từ thuở còn thơ, ấy là đạo làm Cha làm Mẹ của thân phụ Trần Nhật Minh, những người cả cuộc đời mưu sinh bằng nghiệp văn thơ, báo chí, luôn nhân lên những điều tốt đẹp cho đời, cho xã hội. Hẳn là yêu với thương và nghiêm khắc cần có trong nuôi dạy con cái nên cái tạng “lầm lì” pha vẻ “bất kham” của Trần Nhật Minh mới quy phục nhu mì, khuôn phép, nết na, thông chữ, thạo văn ngay từ tấm bé, để lớn lên Nhà Đài Quốc gia mới giao trọng trách “Cầm trịch” Ban Văn học - Nghệ thuật VOV6 giàu bản sắc!
Tôi từng không dưới một lần nói về cái sự vấn vít đương nhiên của 4 khâu: “Đọc - Đi - Nghĩ - Viết” để làm nên sự nghiệp lớn của mỗi nhà văn, nhà báo. Thế nhưng, khi đọc tản văn “Sách... mọt” lại thấy Trần Nhật Minh luận ra bao điều hay từ đọc và viết. Nào là: “Đọc để phục vụ công việc; để thanh lọc, tĩnh tâm, để trốn tránh mệt mỏi; để đi tìm ký ức; để lớn khôn; để thấy mình cần phải khiêm tốn”... và, không ai khác, chính tác giả trái ngược hẳn với những người chỉ thích dùng sách để trích dẫn, khoe học vấn “siêu phàm” vì sợ người đời không thấu hiểu... Nào là “Sách là thầy, là bạn, là gương soi, lại cũng là “bia đỡ đạn” che chắn cho những rỗng tuếch”. Nào là “Đọc nghìn lẻ một kiểu thì viết cũng ngần ấy cách. Viết cho mình; viết cho người; viết để giả nợ ký ức hay viết để soi sáng tương lai; viết bình tâm, viết sôi sục; viết vì danh vì phận; viết để ký thác; viết để trút cơn giận dữ; viết để rồi quên đi...”...Vậy mà “Một ngày không có sách, chả ai chết đi, chả ai vật vã”... Thế nhưng “Vắng sách như thể chúng ta lạc trong rừng mà thiếu thốn một nguồn sáng vậy... Bóng tối thường là môi trường sống của dã thú”!... Nỗi niềm thế thái của Trần Nhật Minh với đọc và viết là thế đấy. Ai nỡ đọc nhanh, ai nỡ lướt qua?
Từ “Miền sau cánh cửa” là cả một chân trời mênh mang rộng mở với Trần Nhật Minh. Những câu chuyện của một thời, nhưng đề tài cũng hết sức rộng mở, từ Hà Nội thân thương với “Phố hướng về phía sông” chấm phá nét sông Hồng ngày tháng Chạp: “Ngoài kia sông Hồng tháng Chạp hanh heo. Dỏng tai nghe kỹ có thể thấy tiếng nước bỏ đi, sông khô héo gầy gò. Những vệt phù sa nhìn tựa những vệt máu nhói lòng. Ven bờ, cụm cây bắt đầu trổ vàng lá non xanh. Xanh đến nhức mắt”; với “Bình dị Hà Nội”, “Phở Hà Nội”... đến “Long nhong tháng Giêng” cũng bởi nỗi niềm “Tội gì giam mình vào bốn bức tường lạnh. Đi khoái nhất là bầu bạn, thứ nữa là ăn uống. Ăn để thưởng, uống để thở, không chỉ mỗi no. Ăn là “bách nhân bách khẩu”, nhân tâm tùy thích, không nên bắt bẻ”! Trần Nhật Minh dẫn dụ, chứng minh, lý giải rồi rút ra như thể triết lý của đời “Cái ăn, cái mặc ở vùng nào tất yếu thuyết minh cho bản sắc vùng đó. Mỗi vùng có những đặc sản riêng như mọc lên từ khí đất, khí trời”... Tác giả tỉ mẩn nói về nết ăn, nết uống của các cụ ta xưa như “đất lề quê thói” đầy lòng mến phục.
Làng là nơi mẹ cha sinh ra chúng ta. Cho dù người làng phiêu bạt tứ phương. Cho dù làng đã muôn sự đổi thay. Nhưng, tình làng vẫn ắp đầy trong những trải nghiệm của Trần Nhật Minh. Chất trữ tình chan chứa yêu thương, nhớ nhung, bện kết như “Mồ hôi làng”, như góc bếp “Mang mang mùi khói”. Trần Nhật Minh dường như đã huy động tổng lực các giác quan của mình để cảm nhận mùi khói bếp của làng, chữ nghĩa biểu đạt mới thơm thảo, tinh kỹ biết bao: “Khói sớm mong mỏng là khói mới khơi bếp; khói trưa loang loáng màu nắng, la đà say; khói chiều nằng nặng pha chút sương, bay không cao được, bị níu xuống dải đồng hoang “liêu trai”. Khói quê dễ chịu hơn khói phố; khói phố là khói bon chen ngột ngạt. Khói quê lãng đãng mang mang; khói phố nặng như chì, đùng đục màu xăng xám. Khói quê như chẳng phải khói, cứ lang thang, trong veo như mây trời”... Vậy là từ “Miền sau cánh cửa”, tác giả lẩy bao chuyện nhỏ từ nơi cư trú phố xá Hà Nội, đến làng quê thân yêu, tới núi rừng xa xôi để nhận ra “Sắc núi”, để đằm mình trong “Những chặng dừng sương giá” như Mai Châu, như “Tình Mường” tha thiết... như “Sapa mù sương”, như “Nhặt nơi Đất Mũi”... Rồi, xa hơn là các nước bạn quanh ta với “Myanmar trầm mặc”, “Bắc Kinh rộng dài”, đến “Tốc ký trên toa tàu nước Nhật”... Chuyện nhỏ, nhưng khép mở có đầu có cuối. Mở ngắn gọn, khái quát cao, khi là tổng thể, khi là nét đặc tính tiêu biểu. Kết bài cứ như cái đinh ghim lại, găm vào trí nhớ người đọc nỗi nhớ, niềm thương, hoặc nghĩ suy vương vấn đến cháy lòng. Chuyện nhỏ, nhưng đề tài rộng lớn, theo cả không gian, theo cả thời gian; bao hàm lịch sử, xã hội, văn hóa, nghệ thuật... tình người nồng ấm, triết luận sắc sảo; cho dù khuôn cỡ bài viết không lớn, nhưng lại đan cài, giao thoa nồng ấm nhiều thể loại văn học, báo chí, chất liệu tươi mới, trong sáng, súc tích, giãi bày tinh tế, sát thực nên cuốn hút mạnh mẽ người đọc.
Sức sống tập tản văn “Miền sau cánh cửa” của Trần Nhật Minh sẽ bền mãi với thời gian; bởi anh luôn viết trên nền cái thực, không hư cấu, lắp ghép; cũng bởi cảm xúc trong mỗi trang sách đều hội đủ chiều rộng, độ sâu trong lòng độc giả!
20/11/2020
Theo Nhà văn – nhà báo Nguyễn Uyển/Báo Nhà báo và Công luận
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com