Nhà báo Đức Tuấn: Khi người làm báo là nhịp cầu nối ý Đảng - lòng dân (23/03/2021-8:06)
Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền của phóng viên báo Đảng, nhiều năm qua, nhà báo Đức Tuấn, báo Nhân dân đã phát huy tốt vai trò giữ nhịp cầu nối cấp ủy, chính quyền với người dân địa phương. Tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nhà báo Đức Tuấn – Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Sơn La. Ảnh: NVCC
Đồng hành, vượt khó cùng đồng bào dân tộc
Bám sát địa bàn tỉnh Sơn La, những người làm báo chắc hẳn chưa quên trận mưa lũ lịch sử xảy ra đêm 2/8, rạng sáng 3/8/2017 tại xã Nặm Păm, huyện Mường La. Lũ dữ đã cướp đi sinh mạng của 15 người, 8/11 bản bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó 5 bản gần như bị xóa sổ hoàn toàn, 179 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, 245 ngôi nhà bị hư hỏng nặng.
Từ sáng sớm, nhận được thông tin, ngay lập tức nhà báo Đức Tuấn – Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Sơn La đã đi xe máy gần 50km đi từ thành phố Sơn La xuống vùng lũ. Tuy nhiên, con đường vào huyện Mường La và rốn lũ tại xã Nậm Păm đều bị chia cắt bởi lũ dữ. Anh đã phải khắc phục khó khăn, nắm bắt thông tin, ghi chép, phóng vấn người dân, chính quyền để lấy tư liệu làm tin gửi về báo một cách sớm nhất.
Ghi nhận nhiều cảnh người dân chống chọi với bão lũ, nhà báo Đức Tuấn cũng tập trung tuyên truyền về quá trình khẩn trương thực hiện công tác khắc phục hậu quả. Để nắm bắt thông tin chính xác, có giá trị, anh đã cùng các đồng nghiệp đi bộ vượt 7 km men theo suối Nặm Păm để vào vùng rốn lũ. Vào những khoảnh khắc ấy, trên đường đi vô cùng khó khăn, anh đã chứng kiến khung cảnh nhà cửa của người dân bị cuốn trôi, hạ tầng điện, đường, trường học, trạm y tế bị tàn phá, người dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.
Tất cả đã được ống kính máy ảnh và cảm nhận của con tim người làm báo ghi lại một cách trung thực, diễn tả đầy đủ nỗi đau thương mất mát trước sức tàn phá của thiên nhiên. Ngoài việc viết tin bài phản ánh theo yêu cầu của tòa soạn, anh còn tham gia đóng góp ý kiến với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sơn La và huyện Mường La trong việc khắc phục hậu quả thiên tai. Đặc biệt là việc phát triển kinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc sau thảm họa.
Trong đó, chú ý đến việc tuyên truyền về các mô hình sản xuất, khai hoang, phục hóa, cải tạo các khu ruộng bị lũ cuốn trôi. Tuyên truyền vận động nhân dân vùng lũ chia lại đất đai, thực hiện chương trình trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm phát triển bền vững cho bà con nhân dân vùng lũ tại xã Nậm Păm, huyện Mường La.
Ở Sơn La, ngoài những cơn bão lũ theo nghĩa đen, còn có cơn bão lũ khác theo nghĩa bóng. Đó là nhiều nơi người dân phải trải qua “cơn bão” ma túy. Năm 2018, ở hai bản Lũng Xá – Tà Dê, thuộc xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ nổi lên trở thành điểm nóng về ma túy. Tại đây các đối tượng buôn bán ma túy lợi dụng địa hình phức tạp, xây dựng thành những “boong ke”, đường dây vận chuyển buôn bán ma túy lớn qua biên giới. Để triệt phá đường dây buôn bán ma túy này, lực lượng công an, bộ đội biên phòng và các đơn vị nghiệp vụ đặc nhiệm đã phải xây dựng các phương án đấu tranh kiên quyết với tội phạm ma túy.
Tham gia vào công tác tuyên truyền đấu tranh với tội phạm ma túy, nhà báo Đức Tuấn nhận được sự hỗ trợ của Công an tỉnh Sơn La, Công an huyện Vân Hồ vào tận địa bàn nắm bắt thông tin. Được nghe chính những người trong cuộc nói chuyện, kể lại đã giúp anh hình dung được tính chất phức tạp, sự nguy hiểm của loại tội phạm này.
Đặc biệt, khi được nghe chính người mẹ của trùm ma túy có biệt danh “Tàng keangnang” nói chuyện, anh mới cảm nhận được nỗi đau do ma túy gây ra đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người trong một gia đình, đến các thế hệ con em của đồng bào dân tộc Mông ở khu vực này. Khi thấy ý tưởng của huyện ủy Vân Hồ chủ trương ngoài hỗ trợ giúp đồng bào hai bản Lũng xá – Tà Dê phát triển kinh tế còn thực hiện chính sách ưu tiên đưa con em của đồng bào ở đây vào học ở các trường dân tộc nội trú anh đã tích cực tham gia tuyên truyền. Sự quan tâm đó giúp các thế hệ trẻ tiếp cận tri thức, tránh vướng vào con đường của ma túy. Thế mới biết đấu tranh với loại tội phạm ma túy ở đây không dễ dàng…
Nhà báo Đức Tuấn tâm sự: “Làm báo Đảng, chúng tôi luôn cố gắng nắm bắt thực tế đời sống người dân, đồng thời cũng tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, nghị quyết của Đảng khi đó mới đi vào cuộc sống. Những bài viết vừa động viên được cấp ủy, chính quyền, vừa tuyên truyền được những hướng đi mới cho đồng bào dân tộc trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo phát triển bền vững”.
Cầu nối để ý đảng hợp lòng dân
Sân bay Nà Sản tại huyện Mai Sơn, cách thành phố Sơn La 20 km đã tạm dừng hoạt động từ năm 2004. Trong thời gian sân bay không khai thác, nhiều diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp để hoang hóa, người dân trong khu vực đã mượn đơn vị quản lý sân bay để trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế.
Đã có hơn 100 ha của hơn 30 hộ dân mượn đất trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, năm 2018 Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân có quy định mới về quản lý, thu hồi tất cả diện tích đất liên quan đến sân bay ở nhiều địa phương trong cả nước. Việc bà con nhân dân ở khu vực sân bay Nà Sản mượn đất canh tác có những hoàn cảnh và đặc thù riêng, không giống một số nơi người dân lợi dụng tranh chấp đất đai nên khi chủ trương thu hồi đất tại đây đã nẩy sinh nhiều bất cập.
Diện tích cây ăn quả ở khu vực hành lang sân bay đang trong quá trình sinh trưởng, cây ăn quả bắt đầu trong thời gian thu hoạch, người dân đã đầu tư nhiều vốn vào diện tích này. Nhiều cây ăn quả đã trồng 10 năm nay, đến thời điểm cho thu hoạch năng suất cao. Tuy nhiên, theo yêu cầu, toàn bộ diện tích này sẽ phải chặt bỏ để trả lại đất cho quốc phòng.
Nhà báo Đức Tuấn sớm nắm bắt được thông tin trên, thấy việc chặt bỏ như vậy sẽ rất đáng tiếc, người dân đi thuê đất sẽ bị thiệt thòi. Người dân có nguyện vọng được tranh thủ thời gian khi sân bay chưa có đầu tư xây dựng để trồng cây phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
“Tôi nhận thấy đây là đề tài hay, để giải quyết vấn đề giữa người dân và quân đội, người cam kết sẽ trả lại diện tích đất mượn của quốc phòng nhưng đồng thời cũng mong muốn Nhà nước khi chưa làm đến sân bay, chưa xây dựng gì thì nên để bà con tiếp tục sản xuất. Việc người dân trồng cây sẽ vừa bảo vệ được môi trường đất, vừa giữ được diện tích đất quốc phòng, tạo ra giá trị kinh tế cho địa phương” nhà báo Đức Tuấn nhớ lại.
Sau khi tiếp nhận ý kiến của nhân dân trong khu vực sân bay Nà Sản, anh và ban Ban bạn đọc Báo Nhân Dân thống nhất tạm dừng việc đăng báo bài ý kiến bạn đọc. Thay vào đó Báo Nhân Dân sẽ gửi một công văn kèm theo những kiến nghị của người dân gửi Bộ Tư lệnh Quân chủng phòng không - không quân và đơn vị quản lý đất của sân bay để mong muốn có trả lời một cách thấu tình, đạt lý.
Sau khi tiếp nhận công văn của báo Nhân dân, thiếu tướng Nguyễn Văn Hiền, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân có chuyến đi khảo sát thực tế để đánh giá tính xác thực của công văn. Làm việc với bà con HTX Nhãn chín Muộn Nà Sản, Quân chủng Phòng không - Không quân đồng ý cho phép bà con tiếp tục canh tác trong vòng từ 3 đến 5 năm sẽ thu hồi đất và từng bước một, những diện tích chưa dùng tới sẽ tạo điều kiện cho người dân khai thác. Kết quả đó làm hộ dân đều cảm thấy như vỡ òa, vì mỗi vụ thu hoạch cây ăn quả các hộ dân có thêm thu nhập, mỗi hecta có thể thu hàng trăm triệu đồng, toàn bộ diện tích cây ăn quả hàng năm có thể thu hàng chục tỷ đồng.
Sự vào cuộc của báo Nhân dân đã giải quyết được những tồn tại về đất đai ở địa phương, giúp thay đổi được một quyết định và có đưa ra được giải pháp có lý có tình, góp phần tăng cường quan hệ máu thịt vốn có “Quân với dân như cá với nước”.
Chia sẻ kinh nghiệm trong nhiều năm làm nghề, nhà báo Đức Tuấn cho rằng: “Đối với mỗi phóng viên thường trú để khai thác tốt thông tin và có đề tài hấp dẫn đầu tiên cần trang bị cho mình một vốn kiến thức. Bên cạnh đó là hiểu được đường lối chính sách của Đảng và nhà nước, nắm được những chủ trương ở từng địa phương, so sánh giữa chính sách và đời sống. Đặc biệt luôn quan tâm đến những vấn đề làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân để tìm cách tháo gỡ. Đồng thời cũng cần tuyên truyền chính sách đến người dân để tạo sự đồng thuận, hướng người dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước”.
Có thể nói, cùng với nhà báo Đức Tuấn nhiều phóng viên nhà báo thường trú trong cả nước đã và đang giữ vững vai trò quan trọng của mình trên mặt trận truyền thông. Đội ngũ nhà báo đã phát huy vai trò làm nhịp cầu nối người dân với các cơ quan Đảng, Nhà nước được gần nhau hơn.
Cũng theo nhà báo Đức Tuấn: “Trước sức ép cạnh tranh thông tin, nhưng người làm báo Đảng cũng cần nhanh nhạy, tỉnh táo, sáng suốt hơn. Nắm vấn đề ở nhiều góc độ, nhiều chiều, đảm bảo công tâm, khách quan trong quá trình tác nghiệp. Điều quan trọng hơn cả là người làm báo luôn phải có tâm trong sáng và ngòi bút sắc sảo để có thể bảo vệ nền tảng của Đảng, bảo vệ quyền lợi của người dân một cách chính đáng”.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com