Dù phải cạnh tranh với sách điện tử, những đầu sách in chất lượng vẫn có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.
Tiện lợi sách điện tử
Công nghệ thông tin thay đổi cả thế giới, vượt qua mọi giới hạn mà con người trước đó vẫn nghĩ là không thể. Và với công nghệ thông tin, việc đọc thực sự chưa bao giờ dễ dàng đến vậy. Đã qua rồi cái thời muốn đọc sách thì phải đến nhà sách hoặc thư viện. Giờ đây, chỉ cần một thiết bị công nghệ (máy tính, smartphone...) có nối mạng hoặc không, người đọc đã có thể tiếp cận cả kho tri thức của nhân loại với “sách điện tử”.
Sách điện tử, thường gọi là “eBook” - viết tắt của từ “electronic book” được xuất bản cho các thiết bị kỹ thuật số. Một số sách điện tử được xuất bản độc lập, không có bản in (giấy) tương đương, nhưng cũng có thể là phiên bản điện tử của cuốn sách in. Với loại sách này, người dùng có thể đọc trực tuyến hoặc tải xuống. Dưới hình thức các “file”, một thiết bị công nghệ như Smartphone đã có khả năng lưu chứa cả ngàn cuốn sách điện tử (tải xuống), tùy vào dung lượng bộ nhớ của thiết bị.
Nếu bạn thích một cuốn sách nhưng lại không đủ tiền để mua bản in, không có thời gian cho việc ra nhà sách, hoặc chỉ có thể tranh thủ đọc những lúc rảnh rỗi song lại không thể mang theo bên mình thì sách điện tử là sự lựa chọn được ưu tiên. Nếu không tính giá thành của thiết bị điện tử (máy đọc sách, máy tính, điện thoại...) và cả những bản sách điện tử cho phép người đọc tải về miễn phí thì chi phí cho việc mua sách điện tử thông thường chỉ bằng khoảng 15 - 30% so với sách in. Đây được xem là một lợi thế rất lớn. Bên cạnh đó, sách điện tử còn có thể phóng to cỡ chữ; sử dụng phần mềm chuyển văn bản thành giọng nói (sách nói) phù hợp với người già, người khiếm thị.
Với sự tiện lợi đó, gần đây nhiều thương hiệu Việt kinh doanh sách điện tử đã trở thành cái tên quen thuộc với người đọc, như: TiKi;
Vinabook; Lạc Việt... Bên cạnh, một số trang web (ebook.vn; sachvui.com; waka.vn...) cũng thu hút đông người dùng truy cập tải về, tùy vào những tựa sách mà có thể tính phí hoặc không. Và lợi thế của một quốc gia có dân số đông, số lượng người dùng
internet lớn như Việt Nam thì thị trường sách điện tử được đánh giá vô cùng tiềm năng. Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2020 số lượng nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đã tăng lên thành 9 nhà xuất bản.
Trước sự cạnh tranh của sách điện tử cùng các loại hình văn hóa giải trí hiện đại hấp dẫn, dĩ nhiên sách in truyền thống không tránh khỏi khó khăn, thách thức. Năm 2020, xuất bản phẩm dạng sách in đã giảm 10% (bản sách). Ông Hoàng Văn Tú, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản Thanh Hóa, cho biết: “Nếu năm 2015, số đầu sách xuất bản ở tỉnh là 616 thì đến năm 2020, đã giảm xuống còn 446. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giảm số lượng đầu sách in xuất bản, trong đó không thể không kể đến việc phải cạnh tranh với sách điện tử”.
Chỗ đứng của sách giấy
Nếu sự nhanh, tiện lợi là ưu thế thì việc người đọc thường thiếu tập trung, mỏi mắt... có thể xem như nhược điểm của loại hình sách điện tử. Chưa kể đến việc, chỉ cần thiết bị công nghệ gặp vấn đề, hàng ngàn “file” sách điện tử có thể dễ dàng biến mất. Và tính riêng tư khi đọc sách điện tử cũng khiến nhiều người dùng băn khoăn. Những bất cập của sách điện tử lại là lợi thế của sách (báo) in truyền thống.
Đều đặn mỗi sáng, bác Nguyễn Ngọc Sơn (phường Điện Biên, TP Thanh Hóa), nguyên Hiệu trưởng Trường Sư phạm 12+2 (cũ) đều đến Thư viện tỉnh để tìm đọc các đầu báo (nhật báo), sách địa chí địa phương, sách lịch sử. Bác Sơn cho biết: “Gia đình có đầy đủ các thiết bị nghe nhìn điện tử, bản thân cũng không xa lạ với việc truy cập đọc sách, báo trên mạng internet, nhưng so với việc đọc sách (báo) giấy, cảm giác vẫn khác. Đó là lối đọc chậm rãi, đọc để nghiền ngẫm, suy nghĩ để “ngấm” vào trong, từ đó mà nhớ lâu. Đến thư viện còn được tiếp xúc với nhiều cháu nhỏ rất ham đọc và đọc được rất nhiều, mới thấy biển tri thức mênh mông mình có đọc bao nhiêu cũng là chưa đủ”.
Không chỉ bác Sơn, ghé thăm Thư viện tỉnh, đặc biệt là những dịp chuẩn bị kỳ thi, mới thấy không khí đọc sách, học tập sôi động. Không nói chuyện, không sử dụng thiết bị công nghệ khi không thật cần thiết, chỉ có sách và người đọc, người học. Năm 2020, Thư viện tỉnh đã phục vụ 957 nghìn lượt bạn đọc với hơn 1,9 triệu lượt sách báo.
Nói về việc lựa chọn đọc sách giấy hay sách điện tử, bà Thiều Thị Nghĩa, Trưởng phòng Phục vụ bạn đọc Thư viện tỉnh, cho biết: “Chọn sách giấy hay sách điện tử còn tùy thuộc vào sở thích, điều kiện, khả năng của mỗi người. Nhưng lợi thế của sách giấy như việc người đọc có thể nghiền ngẫm, nghiên cứu là điều không thể phủ nhận. Sự chỉn chu, cẩn thận trong khâu biên tập, xuất bản sách giấy cũng là điểm cộng. Tuy nhiên, phải khẳng định, bạn đọc ngày càng tinh ý hơn, khả năng, trình độ đọc cũng cao hơn. Họ không chấp nhận những cuốn sách hời hợt, chất lượng kém. Việc đọc hiện nay đang đi vào chiều sâu, chọn lọc”.
Đọc đi vào chiều sâu, đòi hỏi sách có chất lượng. Vì thế, trong sự khó khăn chung của thị trường sách in, vẫn có nhiều tựa sách thu hút bạn đọc và được in với số lượng lớn, như: Con chim xanh biếc bay về (in 130 nghìn bản); Muôn kiếp nhân sinh (in 210 nghìn bản); Truyện kinh thánh dành cho thiếu nhi (in 65 nghìn bản)... (theo Báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2021).
Sách giấy truyền thống hay sách điện tử? Đó không phải là câu chuyện của lựa chọn chỉ “1 trong 2”. Cùng tồn tại song hành và phát triển để mang đến cho người đọc trải nghiệm, “kênh” văn hóa đọc đa dạng, tốt hơn. Đương nhiên, để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, sẽ không thể chỉ kêu gọi người dân đọc nhiều hơn, việc nâng cao chất lượng sách (báo) từ tác giả đến nhà xuất bản là điều quan trọng.
Theo Khánh Lộc/Báo Thanh Hóa điện tử