Nhà báo– họa sĩ thiết kế Trần Việt Anh: “Vẽ” sắc màu cho từng chân dung nhân vật (17/04/2021-7:09)
“E-magazine không chỉ là bài báo, đó còn là một tác phẩm độc đáo, ở đó người xem không bị làm phiền bởi quảng cáo, được trải nghiệm hình ảnh đẹp, thiết kế trau chuốt với những câu chuyện riêng có…”- đó là chia sẻ của nhà báo – họa sĩ thiết kế Trần Việt Anh (Báo điện tử Dân Việt/Nông thôn Ngày nay).
Nhà báo – họa sĩ thiết kế Trần Việt Anh hướng dẫn đồng nghiệp sử dụng các phần mềm đồ họa thiết kế E-magazine. Ảnh: NVCC
+ Nhiều tác phẩm báo chí của Dân Việt được trình bày dưới dạng E-magazine đã trở thành món ăn tinh thần thường xuyên của độc giả. Anh có nhớ những tác phẩm đầu tiên đó được triển khai như thế nào không?
Năm 2016, những tác phẩm E-magazine lần đầu tiên được xuất hiện trên Dân Việt. Phải nói, khi Dân Việt bắt đầu triển khai chuyên mục này thì nhiều tòa soạn báo như Vnexpress, Vietnamplus hay Zing.news.vn đã có những tác phẩm ấn tượng với thể loại báo chí này.
Chính vì vậy, chúng tôi xác định, phải có những điểm nhấn, những sự khác biệt mang bản sắc Dân Việt. Chúng tôi vừa làm vừa mày mò nghiên cứu cách thiết kế bài sao cho hoàn thiện.
Khi mới lập chuyên mục này, sau những bài đầu tiên, chúng tôi có thêm phần thiết kế bản riêng biệt cho giao diện mobile, đáp ứng nhu cầu bạn đọc khi họ trải nghiệm dựa trên thiết bị nền tảng di động như điện thoại thông minh hay máy tính bảng ngày một nhiều.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tham khảo, nghiên cứu thêm cách trình bày của những tờ báo đã có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế E-magazine như Zing, Tuổi Trẻ, Thanh Niên…
Tuy nhiên, tôi cho rằng, ngoài việc thiết kế đẹp, bắt mắt thì bản thân nhân vật được phỏng vấn, câu chuyện được truyền tải cũng phải hấp dẫn thì bài báo mới chạm đến trái tim độc giả.
Hiện, các bài viết của mục "Dân Việt trò chuyện" trên báo điện tử Dân Việt đều là những bài E-magazine được đầu tư bài bản. Những nhân vật được mời tham gia "Dân Việt trò chuyện" đều là những nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực của họ hoặc có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế, xã hội. Họ có thể là một diễn viên, một ca sĩ, chính trị gia, cũng có thể là một nông dân hàng ngày cần mẫn trên cánh đồng, trang trại của mình. Mỗi người một câu chuyện, qua những cuộc trò chuyện ấy, chân dung của họ hiện ra một cách sắc nét. Nhiệm vụ của họa sĩ thiết kế ấy là giúp chân dung của họ trở nên chân thực, gần gũi, đúng với con người của họ hơn qua những câu chuyện mà họ kể.
Thực chất, E-magazine là sự kết hợp của nhiều người để cho ra một tác phẩm hoàn chỉnh, phóng viên thực hiện cuộc phỏng vấn nhưng họa sĩ thiết kế phải lên kịch bản sử dụng hình ảnh thế nào, form bài ra sao, câu nói nào của nhân vật cần được làm sáng lên để trở thành điểm nhấn của tác phẩm. Rất may mắn, Ban biên tập Báo Nông thôn ngày nay/điện tử Dân Việt luôn tạo không gian mở cho chúng tôi sáng tạo, nỗ lực để đưa đến độc giả tác phẩm chất lượng nhất.
+ Các bài báo theo định dạng E-magazine, long-form hay Megastory đang trở thành “đặc sản” của báo Dân Việt. Là người “vẽ” lên hình thức cho những tác phẩm ấy, cá nhân anh thấy đâu là điểm đặc sắc của chuyên mục "Dân Việt trò chuyện"?
Như tôi đã nói, ngay từ năm 2016, Ban biên tập Báo Nông thôn ngày nay/điện tử Dân Việt đã nghĩ tới cần có một chuyên mục mang bản sắc riêng, dấu ấn riêng của báo. Lúc đó, chúng tôi nghĩ đến việc đưa ra cho độc giả một món ăn không có giới hạn, khi không gian trình bày ảnh và nội dung trau chuốt, tỉ mỉ. Tôi nghĩ nó như một tác phẩm nghệ thuật hơn là một bài báo thông thường.
Chuyên mục "Dân Việt trò chuyện" của báo điện tử Dân Việt ra mắt từ năm 2017, từ đó đến nay, đã có rất nhiều nhân vật được kể câu chuyện của mình, kỷ niệm của mình, thậm chí cả những bí mật chưa từng được tiết lộ trên Dân Việt.
Họ đều là những người đạt được nhiều thành tựu trong công việc, trong lĩnh vực họ phụ trách, họ tham gia; qua câu chuyện họ kể, tính cách của mỗi nhân vật cũng được thể hiện rõ, người thâm trầm sâu sắc, người hài hước, hóm hỉnh, người lãng mạn, bay bổng. Khi thiết kế, dựa vào câu chuyện của nhân vật, tính cách của họ, tôi sẽ chọn gam màu phù hợp cho từng bài báo.
Tôi đặc biệt ấn tượng khi thiết kế bài "Dân Việt trò chuyện" với nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, những câu chuyện dung dị và chân thành về đất nước, về con người, về những điều trăn trở của vị lãnh đạo đủ khiến bài báo trở nên hấp dẫn. Vì vậy, khi chọn cách thiết kế tôi chọn những gam màu trung tính, hơi trầm, như tính cách thâm trầm của ông.
Hay như bài phỏng vấn chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, ông là một nhà tri thức từ chế độ cũ, nhưng sau giải phóng luôn đem hết sức mình cống hiến cho công cuộc cải cách kinh tế đất nước… Sau khi tìm hiểu thêm về ông, tôi quyết định chọn phong cách thiết kế retro (phong cách xưa cũ) cho sản phẩm thiết kế này, tạo một không gian hoài niệm hơn, với tông màu trầm, kết hợp với những phông chữ của thập niên 70-80 thế kỷ trước, với cách thể hiện này độc giả được trải nghiệm câu chuyện của nhân vật chính rõ nét hơn, khơi gợi nhiều cảm xúc hơn.
Giờ đây, như một thói quen, chuyên mục "Dân Việt trò chuyện" của báo điện tử Dân Việt duy trì 1 - 2 bài một tuần. Những bài này được ban biên tập đánh giá là bài chất lượng cao với đầu tư công sức của cả một ekip, từ phóng viên, biên tập viên, họa sĩ, kỹ thuật code...
+ Theo anh, đâu là mấu chốt để tạo ra sức hấp dẫn của một tác phẩm E-magazine?
Theo tôi, một tác phẩm E-magazine hay trước hết phải là những cuộc “Trò chuyện có chiều sâu”, người phỏng vấn cố gắng khơi gợi những góc cạnh riêng của từng nhân vật.
Với trình bày thiết kế, đó là một sản phẩm được dành nhiều tâm huyết, thể hiện tốt nhất tinh thần của người được phỏng vấn, nêu được câu chuyện mà nhân vật chính muốn truyền tải.
Về hình ảnh, sản phẩm E-magazine luôn dày dặn và phong phú về hình ảnh, thậm chí có những sản phẩm chúng tôi đợi cho kỳ được chỉ một bức ảnh nhân vật gửi, vì bức ảnh vừa có tính lịch sử vừa thể hiện được tinh thần của câu chuyện mà chúng tôi muốn truyền tải.
Ngoài ra, E-magazine cũng là một tác phẩm đa phương tiện, chúng tôi luôn có những video clip buổi phỏng vấn đó, kèm theo các clip tư liệu hấp dẫn để giúp bạn đọc có cái nhìn sinh động, phong phú hơn.
+ Anh đánh giá thế nào về những thành công, tác động lan tỏa mà những tác phẩm E-magazine mang lại?
Nhiều tác phẩm "Trò chuyện Dân Việt" đã và đang tạo được sự lan tỏa trong làng báo và độc giả, nhiều bài lượng người xem rất cao như bài phỏng vấn nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hay ông Đoàn Ngọc Hải.
Với vai trò là một họa sĩ thiết kế, tôi luôn cố gắng thể hiện tác phẩm theo từng chủ đề. Như cách viết của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, người chuyên làm phóng sự điều tra thì tôi tạo ra một không gian của tác phẩm điều tra, gây tò mò và hứng thú cho độc giả.
Còn các bài về những siêu nông dân xuất sắc hay những “thủ lĩnh” trong nông nghiệp như bà Ba Huân, ông Trần Mạnh Báo lại cần những thiết kế gần gũi, chân thành, thể hiện được quyết tâm và khát khao gây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển.
Thú thực, chúng tôi không coi đó là một bài báo đơn thuần mà là một tác phẩm nghệ thuật và phóng viên ai cũng muốn tìm được nhân vật hay để được thể hiện bút lực của mình trong đó.
Mới đây, một bạn phóng viên trẻ của báo có bài “Thợ săn buông súng chuộc lỗi với rừng già”, trò chuyện với một anh hùng trong lĩnh vực cứu hộ động vật và trước đây từng làm thợ săn. Để làm được tác phẩm đó, bạn phóng viên phải theo chân nhân vật 3 ngày trong rừng sâu vô cùng vất vả, vì thế câu chuyện trở nên chân thực hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ, phóng viên nào cũng muốn có những trải nghiệm như thế trong đời.
+ Để mục "Trò chuyện Dân Việt" ngày càng hấp dẫn, anh và đồng nghiệp có những dự định gì để mỗi một bài E-magazine là một tác phẩm không thể trộn lẫn?
Chúng tôi luôn đặt mình vào độc giả, trau chuốt khi làm tác phẩm, khi đặt mình vào vị trí độc giả, chúng tôi sẽ hỏi xem người đọc cảm thấy dễ chịu thỏa mái không, màu sắc câu chữ như vậy có dễ xem, dễ hiểu không để từ đó tìm ra hướng triển khai đề tài, trình bày sao cho phù hợp nhất.
Cũng giống như các báo khác, Dân Việt vẫn đang ngày một hoàn thiện những nền tảng công nghệ hiện đại để làm mới những sản phẩm E-magazine.
Tuy nhiên Dân Việt luôn đặt vấn đề xây dựng nội dung lên hàng đầu, là yếu tố sống còn của tờ báo. Ngoài nền tảng công nghệ tốt thì vấn đề nội dung cũng rất quan trọng, phải lựa chọn những nhân vật tốt, những câu chuyện hay, có tính lan tỏa.
Bởi vượt ra ngoài khuôn khổ một bài báo là cung cấp thông tin thông thường, một tác phẩm E-magazine cần phải đọng lại cho mỗi độc giả về một cách sống, sự cống hiến, một quan điểm, từ đó ai cũng có thể rút ra bài học của riêng mình.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com