Chiếc máy cày Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cán bộ và Nhân dân xã Yên Trường, huyện Yên Định năm 1961 đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Mai
Trở lại vùng đất Yên Trường (huyện Yên Định), nơi từng là con chim đầu đàn trong sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh những năm 60, tôi tìm gặp bà Hoàng Thị An, người nữ thanh niên năm xưa đã lập nhiều thành tích và vinh dự được Bác tặng huy hiệu. Trong ngôi nhà gỗ được cải tạo kiên cố, bức ảnh đen trắng chụp bà An và Bác làm trung tâm trong dịp Bác về thăm HTX Yên Trường ngày 11-12-1961 được bà phục chế và phóng to, treo ở vị trí trang trọng. Từ bức ảnh chụp cùng Bác năm đó, bà kể lại ngày đặc biệt của Nhân dân Yên Trường cũng là ngày đặc biệt nhất cuộc đời bà.
Hôm đó, do không được báo trước nên bà An đến sau mọi người. Nhưng qua hỏi thăm tình hình lao động sản xuất ở xã, Bác đã biết về những thành tích của nữ thanh niên Hoàng Thị An - người từng được phong là kiện tướng thủy lợi, kiện tướng làm phân bón, kiện tướng bèo hoa dâu, người tham gia đào 1.000m3 thủy lợi, gánh 140 tạ phân bón, đóng góp 300 ngày công lao động... Cùng với bà An, Bác còn biết và khen ngợi thành tích của nhiều đảng viên giỏi trong xã, Bác tự tay gắn huy hiệu cho 3 cá nhân tiêu biểu, trong đó có bà An.
Ông Lê Văn Hiệu, chồng bà Hoàng Thị An cũng có mặt hôm Bác về thăm Yên Trường. Nay tuy tuổi đã cao nhưng 2 ông bà vẫn không quên được những câu căn dặn của Bác hôm đó. Bác nói chuyện thân tình và cởi mở. Bác nhắc nhở mỗi tầng lớp, lứa tuổi làm những phần việc cụ thể, thiết thực, chung tay xây dựng HTX, cải thiện đời sống cho xã viên. Bác dặn mọi người tích cực trồng cây gây rừng... Nghe lời Bác, tất cả mọi người đều đồng thanh hô to hai tiếng “Vâng ạ”.
Trong dịp này, Bác còn đến tận nhà thăm hỏi một số gia đình để biết rõ hơn về đời sống của Nhân dân. Hình ảnh Bác với bộ quần áo kaki đã cũ, đôi dép cao su, giản dị, gần gũi, in đậm trong ký ức của vợ chồng ông Hiệu bà An cho đến tận bây giờ. Hồi tưởng lại phần ký ức đẹp đẽ đó, bà An xúc động nói: “Hạnh phúc lớn nhất đời của tôi là được gặp Bác Hồ và vinh dự được Bác trực tiếp gắn huy hiệu cho mình”.
Tròn 60 năm kể từ ngày gặp Bác cũng là khi bà Hoàng Thị An tròn 60 tuổi Đảng, lời căn dặn của Người luôn là động lực để bà phấn đấu làm tốt vai trò của mình trong mọi hoàn cảnh và thời điểm. Nữ kiện tướng trong sản xuất nông nghiệp năm xưa, chiến sĩ thi đua toàn miền Bắc lúc bấy giờ, người vinh dự được phong tặng Huân chương Lao động giờ đây đã bước sang tuổi 90 song vẫn còn minh mẫn. Ông bà đã nuôi dạy con cháu trưởng thành và vẫn tích cực tham gia các phong trào thi đua ở nơi sinh sống, góp phần vào sự phát triển của Yên Trường hôm nay.
Cũng lưu giữ một tấm hình chụp chung với Bác Hồ, được Bác tặng huy hiệu, nữ dân quân anh hùng Ngô Thị Tuyển (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) trân trọng những ký ức về 3 lần gặp gỡ đặc biệt. Lần đầu tiên, nữ dân quân trẻ tuổi Ngô Thị Tuyển tham gia đoàn chủ tịch Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc tại Hà Nội diễn ra đầu năm 1967. Trong lần này, bà vinh dự được ngồi trò chuyện với Bác lúc giải lao, được đến Văn phòng Chủ tịch nước sau khi đại hội bế mạc. Những lời hỏi thăm, lời dạy của Bác trong lần đầu gặp gỡ này in sâu trong tâm khảm người nữ chiến sĩ dân quân nhỏ bé và đã trở thành động lực để bà tiếp tục phấn đấu, thi đua, lập nhiều thành tích.
Khác với lần gặp đầu tiên, 2 lần gặp gỡ tiếp theo trong hoàn cảnh thật đặc biệt, để lại nhiều cung bậc cảm xúc với bà Ngô Thị Tuyển. Đó là năm 1969 khi Bác ốm nặng và ra đi, bà làm nhiệm vụ túc trực bên linh cữu Bác.
“Niềm vinh dự và tự hào ấy tôi không bao giờ quên được. Cả cuộc đời nhớ Bác, mỗi lần nhớ Bác tôi không sao cầm được nước mắt”, bà Ngô Thị Tuyển chia sẻ.
Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Văn Kỷ ở thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) cũng có những kỷ niệm không thể nào quên khi vinh dự được gặp Bác 4 lần. Đó là vào những năm ông được giao làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu cho cán bộ Trung ương tại Việt Bắc. Thời gian trôi đi, nhưng hình ảnh vị lãnh tụ và những câu chuyện về Người luôn được ông trân trọng và kể lại cho các thế hệ sau. Vâng lời Bác dạy, ông Nguyễn Văn Kỷ đã luôn phát huy tinh thần, ý chí, lý tưởng cao cả để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Một trong những hiện vật gắn với những kỷ niệm về Bác được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa là chiếc sanh đồng Bác tặng bà Hà Thị Nú (Lang Chánh). Rồi chiếc máy cày Bác tặng Nhân dân Yên Trường (Yên Định), 4 bức thư Bác gửi quân và dân Thanh Hóa trong thời kỳ kháng chiến. Trong những bức thư ngắn gọn, súc tích, Bác khen ngợi, dặn dò và thể hiện niềm tin tưởng. Chính niềm tin tưởng đó là động lực, lời căn dặn đó là hướng đi để toàn quân, toàn dân Thanh Hóa liên tục lập nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến, kiến quốc khi xưa và xây dựng Thanh Hóa hôm nay.
Theo Bài và ảnh Nguyễn Mai/Báo Thanh Hóa Điện tử