Tác giả tác nghiệp trên biển
Chuyến đi biển dài ngày nhất của tôi là hành trình trên tàu 67 cùng ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản trên Vịnh Bắc bộ. Năm ấy chúng tôi thực hiện 25 tập ký sự “Biển đảo quê Thanh”, theo kế hoạch, chúng tôi có 3 tập cuối trải nghiệm những chuyến vươn khơi bám biển trên tàu 67, để phản ánh cuộc sống mưu sinh của ngư dân. Được sự phối hợp, giúp đỡ nhiệt tình của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, UBND thành phố Sầm Sơn, chúng tôi được bố trí lên tàu của ngư dân phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn vươn khơi đánh bắt xa bờ. Đó là một con tàu khá hiện đại, được vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67/2014/NĐ - CP của Chính phủ , với tổng giá trị lên tới 15 tỷ đồng. Trên tàu có đầy đủ thiết bị liên lạc, phao cứu sinh, phòng ở, phòng vệ sinh, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt, các nhu yếu phẩm cần thiết đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho ngư dân cùng ê kíp làm phim trong những ngày lênh đênh trên biển.
Tạm biệt đất liền, chúng tôi bắt đầu hành trình vươn khơi trong sự háo hức của cả ê kíp, gồm 3 phóng viên Đài Phát thanh và truyền hình Thanh Hóa và 1 phóng viên chuyên mục Biên phòng toàn dân (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh). Tất cả chúng tôi đều là những người lần đầu được ra biển lớn. Thời tiết tốt nên mặt nước phẳng lặng bình an. Mới đầu, ai cũng hào hứng, liên tục ghi hình, chụp ảnh các hoạt động diễn ra trên tàu cá và các tàu xung quanh. Thế nhưng chỉ được chừng 2 giờ đồng hồ, chúng tôi bắt đầu say sóng. Đó là cảm giác nhớ đời khi tôi phải nằm bẹp trên chiếc giường nhỏ tầng 2 của tàu, cứ ăn vào là nôn, thậm chí uống nước cũng nôn ra. Vậy mà đến đêm, khi ánh điện bật lên, ngư dân bắt đầu buông lưới đánh cá, chúng tôi lại bật dậy, chuẩn bị máy quay, máy ảnh, mặc áo phao rất khí thế, y như trước đó chưa từng nằm bẹp. Trong khi ngư dân cần mẫn làm việc thì chúng tôi cũng hăng say tác nghiệp, quên cả thời gian. Hết mẻ lưới này đến mẻ lưới khác, chúng tôi hòa mình vào “bài ca lao động” của ngư dân, thức trắng đêm từ khi mặt trời lặn đến lúc mặt trời mọc. Cá sau khi kéo lên sẽ được sơ chế và phân loại, nhanh chóng đưa vào khay, chuyển xuống khoang để bảo quản lạnh, đảm bảo độ tươi ngon khi vào bờ.
Thật không may, đến ngày thứ 3, đài thông tin duyên hải thông báo: cơn bão số 10 đang tiến vào biển Đông. Ngay sau đó, thời tiết chuyển xấu khiến chúng tôi không khỏi lo lắng. Thế nhưng những ngư dân can trường dường như đã quen với bão gió nên không hề nao núng, sợ sệt. Sự vững vàng của họ khiến chúng tôi phần nào yên tâm. Giữa đêm tối mịt mùng, ánh sáng từ hơn 20 con tàu đánh bắt xa bờ xung quanh vẫn chiếu rọi xuống biển. Tất cả các tàu đều cố gắng tranh thủ đánh thêm cá để vào đất liền trước khi bão về.
Đài thông tin duyên hải vẫn tiếp tục thông báo cho tàu thuyền đang đánh bắt trên biển biết vị trí, diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Ba giờ sáng, con tàu Sầm Sơn 72 xuyên màn đêm thẳng tiến về đất liền, chạy đua với đường đi của cơn bão. Trong nền đen của bầu trời đêm, lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên cột buồm cao nhất, hướng về phía bờ xa, nơi có bao gia đình đang trông ngóng. Sau 12 giờ chạy liên tục trên biển, Tàu Sầm Sơn 72 về tới Cảng Hới. Hình ảnh dải làng biển quê Thanh nối liền với thành phố biển Sầm Sơn rất đỗi thân thương đã hiện ra trước mắt chúng tôi.
Cơn bão đã ở lại phía sau. Đoàn tàu 67 của ngư dân Sầm Sơn đã vượt sóng gió trở về an toàn trước khi bão đổ bộ, giống như một đoàn quân chiến thắng.
Tác nghiệp trên biển, một nơi có điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, chúng tôi vừa phải chống chọi với việc say sóng suốt hải trình dài, vừa lo bảo quản thiết bị quay, máy tính bởi hơi biển mặn có thể làm hỏng bất cứ lúc nào... Tuy nhiên, ê kíp chúng tôi luôn động viên nhau, phối hợp ăn ý để hoàn thành tốt nhất nội dung cần chuyển tải. Đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn bị ám ảnh khi nghĩ lại những ngày lênh đênh trên biển và lời nhắn nhủ của những ngư dân trước khi lên tàu: “Đi biển không nói trước được ngày về. Các nhà báo cần chuẩn bị kỹ sức khỏe, tinh thần để đối diện những cơn say sóng, những hiểm nguy khó lường trong hành trình". Thế nhưng, kể cả khi bị cơn say sóng đánh gục, hay có lúc “rụng tim” vì bão đuổi ngay sau lưng, lòng tôi vẫn ngập tràn cảm hứng. Chuyến đi đã để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm về biển bạc thiêng liêng của Tổ quốc, được lắng nghe những câu chuyện đầy xúc động của ngư dân, được chứng kiến vẻ đẹp của tình yêu lao động nơi đầu sóng ngọn gió, được chiêm ngưỡng những khoảnh khắc đẹp đến nao lòng giữa trùng khơi... Dù là người cứng cỏi và chai sạn bao nhiêu, khi đứng giữa biển khơi cách xa đất liền hàng trăm hải lý, bạn sẽ vẫn cảm thấy cô đơn, nhỏ bé vô cùng. Những lúc rảnh rỗi, nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền lại trào dâng trong tôi khi bốn phía xung quanh chỉ là mênh mông sóng nước. Không sóng điện thoại, không internet, cách duy nhất chúng tôi liên lạc được với đất liền là qua đài thông tin duyên hải Bắc Trung bộ, nhưng sóng rất yếu.
Hành trình vươn khơi xa của chúng tôi khép lại với một cái kết có hậu. Đó thực sự là những trải nghiệm khó quên. Một hành trình “dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ” với nhiều cung bậc cảm xúc, những mừng vui, âu lo, những nụ cười, nước mắt... Hành trình chúng tôi đã đi qua có vị mặn đắng mồ hôi và có cả những phút thư giãn tuyệt vời giữa trời biển bao la. Để rồi chúng tôi có được những thước phim, những câu chuyện chân thực nhất về biển đảo truyền tải trên sóng của đài Phát thanh truyền hình Thanh Hóa đến với hàng triệu khán giả muôn phương./.
Minh Thúy (Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa)