Thứ bảy, ngày 23/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Giấy đi đường và giãn cách xã hội (07/09/2021-9:49)
    Từ ngày 6/9, thành phố Hà Nội thực hiện cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện bằng mã QR code. Đây là lần thứ 4 trong vòng 40 ngày kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội thay đổi phương thức cấp, đổi giấy đi đường.

 Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát phố Trần Nhật Duật hướng lên cầu Chương Dương kiểm soát người và phương tiện qua chốt. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Cấp giấy đi đường là một trong những biện pháp mà Hà Nội triển khai khi thực giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Tuy nhiên thực tế cho thấy, Hà Nội còn lúng túng xung quanh các quy định cấp giấy đi đường. Lý do mà Hà Nội siết chặt việc cấp và kiểm tra giấy đi đường là do vẫn có nhiều trường hợp cấp và sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích, không đúng đối tượng; dẫn đến tình trạng vẫn còn nhiều người đi lại trên đường, nhiều cơ quan, doanh nghiệp không thực hiện nghiêm việc giãn cách, ảnh hưởng đến kết quả cũng như nỗ lực phòng, chống dịch chung của thành phố. Thực tế này cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến 15 quận của Hà Nội phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg từ ngày 6 đến 21/9.
 
Phải thấy rằng, việc siết chặt những quy định về giấy đi đường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp là cần thiết, nhất là khi thành phố Hà Nội ban hành quy định chặt chẽ hơn đối với vùng đỏ (nguy cơ lây nhiễm cao nhất). Tuy nhiên, khi ban hành một quyết sách liên quan đến nhiều đối tượng, lĩnh vực trong đời sống xã hội thì cần phải tính toán thật kỹ tính khả thi cũng như hiệu quả của chính sách. Không thể vì áp lực mà vội vã ban hành, thấy chưa phù hợp, bất cập, dư luận lên tiếng thì lại thay đổi, chỉnh sửa.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách cấp giấy đi đường của Hà Nội rối như mối bòng bong, chưa tính kỹ đến thực tế, nhất là các quy định liên quan đến quyền lợi cũng như nghĩa vụ của doanh nghiệp và người dân, gây lãng phí cả thời gian vật chất cũng như tiền bạc, thậm chí còn gây hoang mang cho doanh nghiệp, người dân.
 
Một vấn đề khác cũng rất đáng lo ngại là khi chính quyền phường, xã, công an các cấp quá tải với công việc, sẽ dẫn tới dồn ứ và không loại trừ làm dối, làm ẩu, gây ra nạn phiền nhiễu, dẫn tới việc chậm đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là không bảo đảm các yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19. Đơn cử, theo quy định trong 6 nhóm đối tượng, thì thủ tục cấp giấy đi đường cho cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ công thiết yếu, khiến cho nhiều doanh nghiệp dở khóc dở cười.
 
Quy định thế nào là lĩnh vực hoạt động dịch vụ công thiết yếu vẫn còn nhiều tranh cãi, không những thế lại chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn tới có nhiều cách hiểu và cách làm khác nhau. Trong khi đó, Chính phủ đã có chủ trương tất cả các mặt hàng đều là thiết yếu, trừ hàng cấm, để duy trì không làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Song, với quy định hiện tại của thành phố Hà Nội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hết sức lúng túng, không biết xoay xở ra sao khi soi vào không thấy mình thuộc vào nhóm nào. Không loại trừ, người thực thi công vụ bám vào những quy định chưa thật cụ thể, rõ ràng để gây phiền hà, thậm chí từ chối đề nghị của người dân, doanh nghiệp, tạo nên nạn nhũng nhiễu, nhiêu khê.
Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát phố Trần Nhật Duật hướng lên cầu Chương Dương kiểm soát người và phương tiện qua chốt. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Còn nhớ, ở đợt cấp giấy đi đường trước đó, xuất phát từ yêu cầu phải có xác nhận của UBND phường nơi đơn vị đứng chân, nhiều doanh nghiệp phải cử người thức trắng đêm để chờ xin dấu xác nhận vào giấy đi đường kèm theo lịch trực, lịch phân công công việc. Tại trụ sở UBND các phường đã xảy ra ùn ứ, do nhiều người tập trung chờ đợi. Còn tại các chốt kiểm soát cũng rơi vào tình trạng ùn ứ tương tự khi nhiều người cùng dồn vào một điểm để kiểm tra, dẫn tới nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính không ít lần đề cập đến các yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đại ý: Khi làm bất cứ cái gì, đưa ra quy định nào cũng phải xem xét việc đó có khiến người dân tập trung lại một chỗ hay không, vì sẽ là vi phạm Chỉ thị 16. Còn tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 với các địa phương chiều 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rõ Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ khi ban hành quy định phòng chống dịch "chưa tính toán kỹ lưỡng một số mặt", nổi lên nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa.
 
Từ thực tế vừa nêu, ngày 5/9, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội gia hạn thời gian áp dụng việc phải dùng giấy đi đường do công an cấp đối với cán bộ, nhân viên hàng không làm việc tại sân bay quốc tế Nội Bài. Cũng ngày 5/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Chi nhánh Hà Nội) cũng có văn bản đề nghị Công an thành phố Hà Nội chấp thuận cho cán bộ, nhân viên các tổ chức tín dụng sử dụng giấy đi đường đã cấp trước đó…
 
Bởi vậy, dư luận mong muốn thành phố Hà Nội cần xem xét, tính toán khoa học, để vừa đảm bảo mục tiêu giãn cách xã hội được khả thi, vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng vẫn tạo điều kiện lưu thông thông thoáng, không gây phiền hà cho người dân và các cơ quan, doanh nghiệp.

 

Theo Yến Nhi/Báo Tin tức

 

 

Các tin khác:
  • Tận cùng của sự thâm độc! (06/09/2021-9:25)
  • Tựu trường mùa dịch (03/09/2021-9:04)
  • Yêu nước dịp Quốc khánh đặc biệt (02/09/2021-9:01)
  • Cùng nhau và vì nhau trong thực hiện cách ly xã hội (29/08/2021-8:43)
  • “Nhà nước luôn bảo vệ người dân của mình” (24/08/2021-10:36)
  • Đừng xát muối vào vết thương lòng (23/08/2021-9:45)
  • Mệnh lệnh từ trái tim (18/08/2021-7:00)
  • Để Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đi vào cuộc sống (03/08/2021-14:55)
  • Tội ác trục lợi (16/07/2021-8:30)
  • Hướng đến nền hành chính lấy người dân làm trung tâm (09/07/2021-10:10)