Theo ông Từ Lương - Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TPHCM, hiện nay có nhiều phản ánh liên quan tới việc người dân đã tiêm vắc xin nhưng chưa được cập nhật thông tin, hoặc thông tin tiêm bị sai. Ngoài ra, có trường hợp người dân kiểm tra lúc thì app hiển thị chưa tiêm mũi nào, lúc thì hiển thị là đã tiêm.
Nhiều người dân phản ánh đã gửi phản hồi theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC) nhưng chưa được điều chỉnh. Cũng có trường hợp đã tiêm mũi 1 nhưng không có chứng nhận tiêm, không hiển thị trên app Sổ sức khoẻ điện tử nên không thể tiêm mũi 2. Trong khi TPHCM đang chuẩn bị áp dụng thẻ xanh, thẻ vàng, các vấn đề trên khiến nhiều người dân lo lắng.
Trước vấn đề trên, ông Từ Lương cho biết, thời gian qua các đơn vị tổ chức tiêm vắc xin đã tích cực tổ chức cập nhật dữ liệu vào hệ thống quản lý tiêm vắc xin phòng COVID-19 quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế có việc người dân đã tiêm nhưng chưa được cập nhật thông tin, hoặc thông tin tiêm bị sai.
Trong trường hợp này, người dân có thể chủ động phản ánh, đề nghị bổ sung, điều chỉnh tại mục “Phản ánh thông tin” trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 https://tiemchungcovid19.gov.vn
“Để xử lý đầy đủ các phản ánh, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế đã tổ chức huy động lực lượng công nghệ thông tin hỗ trợ tiếp nhận, xử lý các phản ánh của người dân trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cũng như các phản ánh của người dân đã gửi về HCDC. Việc này không ảnh hưởng lộ trình cấp thẻ xanh theo kế hoạch chung của thành phố”, ông Từ Lương khẳng định.
Ngoài ra, đại diện Sở Thông tin Truyền thông cũng nhấn mạnh đến thực tế người dân đang quá mệt mỏi về việc cài đặt quá nhiều app (ứng dụng) liên quan đến khai báo y tế, phòng chống dịch.
Người dân mong muốn có một ứng dụng dùng chung tích hợp toàn bộ thông tin từ xét nghiệm, tiêm chủng, F0, giấy đi đường và cả Thẻ xanh COVID-19 sắp tới.
Trước thực tế trên, Thành phố đang nghiên cứu thống nhất ứng dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19.
Để thực hiện điều này, Thành phố đã phối hợp Bộ Thông và Truyền thông, Bộ Y tế liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và Thành phố (HCM LGSP): mã QR cá nhân, khai báo y tế điện tử, tiêm chủng; đồng thời đề xuất liên thông với các ứng dụng của các bộ, ngành.
Sở Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu, đề xuất theo hướng phát triển nền tảng khai báo y tế điện tử của Thành phố “Y tế HCM” thành nền tảng ứng dụng thống nhất hỗ trợ phục vụ quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn trong phòng, chống dịch.
Tro đỏi thêm về vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: "Hiện nay việc sai sót trong cập nhật dữ liệu tiêm vaccine lên Sổ sức khỏe đện tử chúng tôi đã làm việc với Sở Y tế TPHCM để tìm hướng giải quyết”.
Theo ông Lê Quang Tự Do, trước mắt, HCDC đã hướng dẫn người dân bị sai thông tin (số mũi tiêm, ngày tiêm, địa chỉ, họ tên, sai ngày tháng năm sinh…) có thể vào trang website của HCDC để khai theo mẫu. Sau đó, HCDC sẽ cập nhật lại dữ liệu chính xác. Hai tuần, các dữ liệu sẽ được cập nhật lại một lần.
“Tuy nhiên cũng có những người dân không có giấy gì để chứng nhận đã tiêm vaccine. Đây là trường hợp rất khó. Tôi nhớ, đợt đầu tiên khi thành phố thực hiện tiêm phủ vaccine, một số đơn vị đã không phát giấy khi tiêm vì vậy nhiều người dân không có chứng nhận dù đã tiêm vaccine.
Riêng trường hợp này, tôi sẽ tiếp thu ý kiến bà con đóng góp và sẽ làm việc với Sở Y tế và Bộ Y tế để phản ánh lại”, ông Lê Quang Tự Do khẳng định.
Theo Thủy Tiên/Báo NB&CL