Thứ tư, ngày 27/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo và những câu chuyện nghĩa tình trong tâm dịch Bài 5: Khó khăn, hiểm nguy nơi tuyến đầu đã thôi thúc chúng tôi... (18/09/2021-12:00)
    Đó là chia sẻ của nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong về chương trình “Cùng Tiền phong tiếp sức tuyến đầu chống dịch Covid-19” mà Báo Tiền Phong đã và đang triển khai thực hiện gần một tháng qua.

 Hoa hậu Đỗ Thị Hà gương mặt đại diện chương trình tiếp nhận các mô hình cán bộ, chiến sỹ chế tạo.

Chương trình “Cùng Tiền phong tiếp sức tuyến đầu chống dịch Covid-19” của báo Tiền Phong hướng về TP.HCM và các tỉnh thành đang bị đại dịch Covid-19 hoành hành với một niềm tin mãnh liệt rằng, những tấm lòng đồng bào dù ít dù nhiều sẽ tạo nên nguồn năng lượng tích cực, vô biên. Tình yêu thương, chia sẻ sẽ là những liều thuốc nhiệm màu giúp thành phố sớm chiến thắng dịch bệnh...

Thẳm sâu trong con người Việt Nam luôn có tinh thần tương thân tương ái 

Báo Tiền Phong luôn được đánh giá là một trong số những tờ báo có bề dày trong các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội. Đến nay, có nhiều hoạt động quy mô lớn đã trở thành thương hiệu của tờ báo như Giải Việt dã báo Tiền phong, Hoa hậu Việt Nam, Chủ nhật Đỏ - Hiến máu nhân đạo, Nâng bước thủ khoa, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu... Chương trình “Cùng Tiền Phong tiếp sức tuyến đầu chống dịch Covid-19”  là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc được khởi phát trong hoàn cảnh đặc biệt. 

Chia sẻ về điều này, nhà báo Phùng Sưởng cho biết, ý tưởng được ấp ủ hình thành ngay từ chính những dòng tin tức của báo chí. Bởi từng dòng tin dội về, từng câu chuyện phóng viên lăn lộn ghi nhận tại tâm dịch... cho thấy những nỗi mất mát, những gian khó của cuộc chiến chống dịch Covid-19.

“Khi con siêu virus giày vò mảnh đất hình chữ S thân yêu, tôi tin chắc rằng không ai trong chúng ta được hưởng niềm vui an lành. Những con số liên quan ca mắc mới F0, số ca tử vong như mũi kim làm hàng triệu con tim rỉ máu. Một đầu tàu kinh tế của đất nước giờ quay cuồng trong đại dịch. Tiến về phương Nam với bầu nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm và cả tình yêu thương vô bờ bến, hàng chục ngàn y bác sĩ, quân nhân,… đã gác tình riêng xông pha vào tâm dịch. Rất nhiều chiến sĩ khóc áo blouse trắng đã trở thành người bệnh, trong đó có những y bác sĩ đã vĩnh viễn không trở lại. Họ đã tận tâm, tận hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân. Lịch sử sẽ mãi khắc ghi sự hy sinh của các anh, các chị!” - nhà báo Phùng Công Sưởng xúc động chia sẻ. 

Cũng theo những ghi nhận của phóng viên, tại tâm dịch TP.HCM các y bác sĩ đang gặp nhiều khó khăn thiếu thốn, từ chiếc găng tay, quần áo bảo hộ, rồi những chiếc khẩu trang, máy thở để chữa trị bệnh nhân... những công nhân lao động lũ lượt bồng bế cả gia đình trên những chiếc xe máy về quê trong đó có cả những cháu nhỏ mới 9 ngày tuổi, những công nhân xóm trọ, những người khó khăn, lao động tự do, thất nghiệp sống nhờ vào những suất cơm thiện nguyện... Những hình ảnh ấy đã ám ảnh và thôi thúc những người làm báo Tiền Phong phải làm một điều gì đó hữu ích chứ không chịu bó tay. Và chương trình “Cùng Tiền Phong tiếp sức tuyến đầu chống dịch Covid-19” được phát động và quyết tâm triển khai, nỗ lực thực hiện giữa những khó khăn chung của toàn xã hội.   

Phó Tổng Biên tập Phùng Công Sưởng nhấn mạnh: “Biết là không hề dễ dàng bởi đại dịch đã càn quét, ai cũng khó khăn biết nhường nào. Nhưng tôi luôn biết rằng, thẳm sâu trong con người Việt Nam luôn có tinh thần tương thân tương ái, nghĩa cử cao đẹp được hun đúc từ yêu thương, từ nghĩa đồng bào,... Tôi tin rằng, trên quả địa cầu này, và trải qua hàng ngàn năm lịch sử phát triển loài người, khó có nơi nào mà tình người lại ấm áp, ngập tràn tình yêu thương như ở đất nước mình. Đạo lý đó được truyền nối qua bao thế hệ và cô đúc thành những câu ca dao, tục ngữ: “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm áo rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, “ Một miếng khi đói bằng một gói khi no”… Điều ấy tạo nên một niềm tin mãnh liệt rằng chúng tôi đưa ra chương trình thì chắc chắn sẽ được hưởng ứng tích cực từ bạn đọc, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm...” 

bai 5 kho khan hiem nguy noi tuyen dau da thoi thuc chung toi hinh 2

Thượng tướng Võ Văn Tuấn trao tặng BTC mô hình các khí tài vào loại hiện đại nhất của Quân đội ta.

Sự màu nhiệm của tình thương

Như nhà báo Phùng Công Sưởng chia sẻ thì chương trình này không đặt ra mục  tiêu về số tiền lớn, nhất là trong bối cảnh cả xã hội và các doanh nghiệp đều đang rất khó khăn. Nhưng chương trình mang giá trị đặc biệt, giá trị của lòng trắc ẩn, sự sẻ chia, muốn lan tỏa và gắn kết càng nhiều càng tốt, kêu gọi mọi tầng lớp, người giàu, người đủ, người bớt khó hay thậm chí cả những người dù khó vẫn muốn dành một chút tấm lòng cho những người khó khăn hơn. Bởi vậy, dù ít dù nhiều vẫn rất trân quý. 

“Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”, cho nên sự chung tay của những tấm lòng luôn đồng hành đã tạo nên những ngày thật ý nghĩa đối với những người thực hiện. Ngay từ ngày đầu tiên phát động, Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng đã dành 100 triệu đồng ủng hộ, rất nhiều bạn đọc “của ít lòng nhiều” sẵn sàng gửi quà, gửi tiền, gửi dép, gửi lạc, gửi mỳ và cả su su qua chương trình để dành cho miền Nam ruột thịt. Nhiều họa sĩ tên tuổi đã gửi tặng Ban Tổ chức (BTC) 12 bức tranh giá trị để bán đấu giá với ý nghĩa “mỗi bức tranh cho đi, nhiều cuộc đời ở lại”. Ngay trong ngày, phiên đấu giá đã được triển khai và nhận được hơn 500 triệu đồng. Từ ngày thứ ba phát động chiến dịch, BTC đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo đối tác, bạn đọc và toàn thể cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo. Ngày 25/8, CLB Golf T74 - Hà Nội đã đến ủng hộ 400 triệu đồng, 2 doanh nghiệp tại Hà Nội ủng hộ 2 tấn gạo, một số đối tác, bạn đọc khác ủng hộ hơn 100 triệu đồng ... 

Gần đây nhất, một số quà tặng mô hình các khí tài vào loại hiện đại nhất của Quân đội ta mà Thượng tướng Võ Văn Tuấn - nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân trao tặng, Ban Thanh niên Quân đội và một số đơn vị thuộc Quân chủng Hải Quân, và Binh chủng Tăng - Thiết giáp gửi tặng nhiều món quà do các cán bộ, chiến sỹ chế tạo... Các mô hình vũ khí này dự kiến sẽ được bán đấu giá để lấy tiền mua các trang thiết bị, vật tư y tế gửi tới các đơn vị tuyến đầu chống dịch thời gian tới. 

bai 5 kho khan hiem nguy noi tuyen dau da thoi thuc chung toi hinh 3

Vợ chồng Hoạ sĩ Đặng Xuân Hoà tặng tranh cho BTC.

Chỉ trong khoảng 20 ngày, tính từ ngày 23/8 đến nay chương trình đã huy động được 3,1 tỷ đồng tiền mặt, khoảng 800 triệu đồng vật dụng, vật tư y tế và khoảng 3.000 suất quà an sinh trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng nhận được nhiều hiện vật giá trị để chuẩn bị tổ chức bán đấu giá, ủng hộ người dân và các lực lượng tuyến đầu chống dịch...

Đến thời điểm này, Báo đã mua, tiếp nhận và trao cho 25 bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Bình Dương 20 nghìn khẩu trang 3M loại 1870+ cho bác sĩ khu hồi sức, 20.000 khẩu trang N95, 2.500 bộ đồ bảo hộ cấp 4, nhiều nghìn găng tay y tế, test nhanh xét nghiệm Covid. Báo cũng đã trao tặng 10 máy thở, 20 máy đo nồng độ oxy trong máu, 15 máy hút đờm và bơm tiêm điện; 30 máy đo huyết áp cao cấp, trao 3.000 suất quà an sinh… Đồng thời chương trình cũng mua lương thực, thực phẩm tới các “Bếp ăn yêu thương”, để những căn bếp ấy luôn đỏ lửa, để tình yêu luôn đủ ấm, đủ lan tỏa đến cộng đồng và neo giữ những giá trị đẹp đẽ ở mỗi người trong cơn hoạn nạn.    

“TP.HCM và các tỉnh phương Nam đang bị ốm, hướng về phương Nam với một sự phát tâm dù rất nhỏ cũng là nguồn năng lượng vô biên. Tình yêu thương sẽ là những liều thuốc nhiệm mầu giúp thành phố sớm chiến thắng dịch bệnh...” - nhà báo Phùng Công Sưởng tin tưởng. 

Vì sao niềm tin về sự nhiệm màu của tình thương lại mãnh liệt như thế ở nhà báo Phùng Công Sưởng? Câu hỏi ấy đã chạm vào nỗi riêng tư mà có lẽ ít người biết được. Anh kể rằng, cách đây mấy năm anh từng trải qua giai đoạn bạo bệnh vì virus lạ cũng liên quan đến bệnh phổi... Khi nằm trên giường bệnh, gần như không còn biết gì chỉ trông chờ lệ thuộc vào máy thở... thì sức mạnh của tình thương là thứ thuốc màu nhiệm, giúp anh vượt qua hoạn nạn bấy giờ. 

Từng trải qua giai đoạn khó khăn ấy, tôi hiểu rằng, khi con người phải nằm trên giường bệnh thì tình thương của các bác sĩ, của người thân, của anh em bạn bè... là vô cùng quý giá. Bởi vậy, trong lúc này, mỗi người đều hướng về, đều cầu nguyện cho Sài gòn, cho các tỉnh thành đang có dịch sẽ chiến thắng, hoặc góp một chút lòng thành dù là nhỏ cũng là nghĩa cử ấm áp tạo nên sức mạnh tinh thần lớn... Đó chính là nguồn năng lượng tích cực để chiến thắng và đẩy lùi dịch bệnh, đẩy lùi năng lượng tiêu cực... Một người bệnh được đón nhận sự chăm sóc đầy trách nhiệm của y bác sĩ thì sẽ dễ vượt qua lằn ranh sinh tử. Các y bác sĩ nơi tuyến đầu phải chống chọi với rất nhiều gian khổ, nếu nhận được sự tiếp sức tinh thần và vật chất thì họ sẽ có thêm niềm tin, ý chí kiên cường, thêm tự tin, bản lĩnh để cứu chữa người bệnh. Bởi họ sẽ cảm thấy ở hậu phương luôn là thành trì vững chãi, luôn sẻ chia và tiếp thêm sức mạnh cho họ... cùng chống lại kẻ thù vô hình, chiến thắng đại dịch...” - nhà báo Phùng Công Sưởng nhấn mạnh.

Theo Hà Vân/Báo NB&CL

https://congluan.vn/bai-5-kho-khan-hiem-nguy-noi-tuyen-dau-da-thoi-thuc-chung-toi-post156339.html

 

Các tin khác:
  • Nhà báo Hoàng Mạnh Thắng (báo Tiền phong): Mỗi phóng viên là một người lính (13/09/2021-19:52)
  • Hội Nhà báo phát động Giải báo chí toàn quốc về công tác dân số (10/09/2021-8:13)
  • VTV sở hữu bản quyền truyền thông và là đơn vị phát sóng chính thức VCK FIFA Futsal World Cup (10/09/2021-8:01)
  • Tích cực tuyên truyền để người dân không lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch (07/09/2021-18:28)
  • 'Xong hết mọi việc, trở về nhà một mình mới có cảm giác sợ' (07/09/2021-9:42)
  • Đảo Trường Sa và Sinh Tồn bắt sóng thành công Đài phát sóng Nam Trung Bộ với tần số mới (03/09/2021-8:58)
  • Lợi dụng danh nghĩa nhà báo, 2 bị can bị khởi tố (03/09/2021-8:53)
  • Tính hữu dụng của báo chí dữ liệu và đồ họa trong thời kỳ Covid-19 (03/09/2021-8:49)
  • Chuyện vượt “sóng gió” của phóng viên thường trú ở tâm dịch (03/09/2021-8:44)
  • Cẩm nang điện tử phòng chống dịch Covid-19 - website cung cấp các tài liệu, dữ liệu trực tuyến (01/09/2021-8:03)