Chủ nhật, ngày 22/12/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nắm vững Luật Báo chí và pháp luật khi viết báo (20/08/2016-7:15)
    Luật Báo chí 2016 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017 đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động báo chí ở nước ta. Tuy nhiên, khi tác nghiệp để tránh sai sót, phóng viên cần nắm vững Luật Báo chí và pháp luật.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

Chẳng hạn, Điều 5, Luật Báo chí hiện hành quy định về trách nhiệm của báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, tại khoản 1 đã quy định: Cơ quan báo chí có trách nhiệm “đăng, phát sóng tác phẩm, ý kiến của công dân; trong trường hợp không đăng, phát sóng phải trả lời và nêu rõ lý do”.

Thực tế hoạt động báo chí cho thấy, quy định này là không phù hợp, không khả thi và hầu như các cơ quan báo chí đều vi phạm, bởi hằng ngày các cơ quan báo chí nhận được khá nhiều đơn thư, bài, tin, ảnh, ý kiến của bạn đọc, bạn nghe đài, bạn xem truyền hình gửi về, có ngày cả trăm đơn, thư, ý kiến, khiếu nại, tố cáo rất phức tạp, có đơn thư không phù hợp thuần phong mỹ tục, không phù hợp quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Do vậy, cơ quan báo chí phải chọn lọc khi sử dụng, phải “gác cửa” văn hóa - tư tưởng.

Tuy nhiên, Luật báo chí 2016 cũng có nhiều quy định mà khi cầm bút viết, các nhà báo cần hết sức lưu ý. Trước hết là các quy định tại Điều 9 - Các hành vi bị nghiêm cấm. So với Điều 10 (những điều không được thông tin trên báo chí) của Luật Báo chí hiện hành, thì Điều 9 Luật Báo chí mới quy định thêm nhiều nội dung mới và cụ thể hơn, trong đó cần quan tâm để tránh vi phạm các quy định dưới đây mà trong khi viết có thế mắc phải:

Một là, Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật (khoản 5, Điều 9). Luật báo chí hiện hành cũng quy định không được tiết lộ bí mật Nhà nước, mà bí mật Nhà nước ở ngành, lĩnh vực nào cũng có. Thực tế hoạt động báo chí cho thấy, đã có những nhà báo vô tình vi phạm quy định này. Vì vậy, khi thông tin trên báo về hoạt động trong lĩnh vực hoặc ngành hay sự kiện nào đó, Nhà báo cũng cần tìm hiểu xem nội dung thông tin mình định viết có nằm trong danh mục bí mật Nhà nước hay không.

Khoản 5, Điều 9 đã quy định cấm tiết lộ cấm tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân. Đây là quy định cụ thể hóa quy định tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật đảm bảo an toàn”.

Trong hoạt động báo chí, chúng ta đã biết, những năm qua, để câu khách, bán báo, không ít tờ báo, bài báo đã quá sa đà vào các chủ đề: cướp, giết, hiếp, tình, tù, tội, rồi rút lên tít những câu chữ “giật gân”, nội dung thì đưa ra những tình tiết, trong đó khai thác khá sâu chuyện đời sống riêng tư, kể cả bí mật đời tư của những nhân vật trong bài báo. Với những quy định tại khoản 5, Điều 9 nói trên, những nạn nhân của những bài báo như vậy, từ nay đã có cơ sở để khởi kiện ra tòa những tác giả và cơ quan báo chí đã xâm phạm bí mật riêng tư của họ. Điều nay, các nhà báo không nên bỏ qua kẻo biến mình thành bị can trong vụ án hình sự hay bị đơn trong vụ kiện dân sự.

Hai là, Miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác (khoản 7, Điều 9). Để câu khách, bán báo, đã có không ít bài báo khi viết về “chuyện ấy” hoặc vụ án, nhất là những vụ trọng án như giết người, cướp tài sản, hiếp dâm đã miêu tả quá kỹ các tình tiết, hành vi mà đối tượng thực hiện, làm cho nhiều người đọc cảm thấy ghê sợ. Mặt khác, việc miêu tả tỉ mỉ các hành vi đó còn phản tác dụng tuyên truyền, bởi vì chẳng khác nào như phổ biến, hướng dẫn những người đang có ý định phạm tội học cách thực hiện hành vi phạm tội. Hoặc người không có ý định phạm tội, nhưng do tò mò, hiếu kỳ có thể bộc phát vận dụng phương pháp thực hiện hành vi phạm tội như mô tả trong bài báo.

Ba là, Quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án (khoản 8 điều 9). Đây là quy định mới nhằm cụ thể hóa quy định tại Điều 31, Hiến pháp năm 2013: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Trong hoạt động báo chí nhiều năm qua, chúng ta đã từng thấy nhan nhản trên mặt báo những bài viết về các vụ án hình sự mà đối tượng tình nghi mới bị công an bắt giữ đã bảo người ta phạm tội “giết người”, “cướp tài sản”… Nói như vậy nghĩa là đã quy kết tội danh người ta khi vụ án đang trong quá trình tố tụng, chưa có truy tố, chưa đưa ra xét xử. Việc quy kết một người nào đó phạm tội (theo quy định của pháp luật) là chức năng của Tòa án chứ không phải chức năng của báo chí. Nhà báo, khi thông tin phản ánh về các vụ án hình sự cần hiểu rõ điều này để có những lời lẽ phù hợp, không nên biến mình thành người tiến hành tố tụng mà nên lùi ra đứng ở vị trí thứ ba để quan sát một cách khách quan.

Bốn là, Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em (khoản 9, Điều 9). Khi viết về các vụ hiếp dâm trẻ em, bạo lực trong gia đình, ít nhà báo để ý đến ảnh hưởng của bài báo đối với sự phát triển của trẻ em sau này, Vì vậy đã miêu tả tỉ mỉ hành vi bạo lực, hành vi loạn luân, nói rõ tên tuổi nạn nhân, địa chỉ nơi xảy ra vụ việc đó. Điều này sẽ để lại trong dư luận ở địa phương mãi mãi. Như cổ nhân đã nói “Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.

Ngoài một số quy định ở Điều 9 nói trên, khi viết về các vụ án, các nhà báo cần chú ý đến quy định tại khoản 3, Điều 38 (Cung cấp thông tin cho báo chí) của Luật Báo chí 2016  (Khoản 2, Điều 7, Luật báo chí hiện hành). Khoản 3 Điều 38 quy định: “Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”.

Năm là, Cần lưu ý đến quy định tại Điều 40 Luật báo chí 2016, quy định về: Trả lời phỏng vấn trên báo chí. Đây là quy định mới (so với Luật báo chí hiện hành) được pháp điển hóa từ Quy chế phỏng vấn trên báo chí. Quy định tại Điều này đòi hỏi người phỏng vấn phải thông báo trước cho người được phỏng vấn biết mục đích, yêu cầu và câu hỏi phỏng vấn; Trường hợp cần phỏng vấn trực tiếp, không có sự thông báo trước thì phải được người trả lời phỏng vấn đồng ý (khoản 1). Khoản 2 Điều này quy định: “Người được phỏng vấn có quyền yêu cầu xem lại nội dung trả lời trước khi đăng, phát. Cơ quan báo chí và người phỏng vấn phải thực hiện yêu cầu đó. Đây là quy định nhằm bảo đảm nội dung trả lời phỏng vấn phù hợp với mục đích, yêu cầu của cuộc phỏng vấn và nội dung vấn đề phỏng vấn, tránh sự hiểu nhầm không đáng có.

Theo Người làm báo

 

 

Các tin khác:
  • Quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016; triển khai góp ý sửa đổi Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam (06/08/2016-4:01)
  • Luật Báo chí 2016 (22/07/2016-15:34)
  • Triển khai Luật Báo chí 2016 cho lãnh đạo Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí (22/07/2016-15:30)