Thư viện xanh Trường Tiểu học Hà Ngọc (xã Hà Ngọc, Hà Trung), thu hút đông đảo học sinh đến đọc sách.
Nhiều năm qua, Trường Tiểu học Hà Ngọc (xã Hà Ngọc, Hà Trung) luôn quan tâm đến việc tạo dựng thói quen đọc sách cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Thúy, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: để nâng cao văn hóa đọc cho học sinh, nhà trường đã xây dựng mô hình thư viện xanh từ năm học 2016-2017; với 7.380 đầu sách tại thư viện, nhà trường đã bố trí, sắp xếp khoa học theo từng chủ đề, phù hợp với lứa tuổi của các em học sinh tiểu học, gồm sách phục vụ học tập, sách tham khảo, truyện tranh... Đặc biệt, không gian đọc sách tại thư viện được thiết kế xanh, sạch, đẹp có cây cối, hoa cỏ, ghế ngồi, bàn học, nên thu hút rất đông học sinh đến tìm đọc và mượn sách về nhà. Bên cạnh đó, nhà trường cũng không ngừng đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách như xây dựng các câu lạc bộ về sách, tổ chức các hoạt động giao lưu, các cuộc thi, vận động học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn... Em Phạm Linh Giang, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Hà Ngọc tâm sự: vào các giờ ra chơi hoặc khi đến trường sớm, em và các bạn rất thích đọc sách hoặc truyện thiếu nhi tại thư viện của trường. Những cuốn sách được xếp theo các chủ đề nên rất dễ tìm và dễ đọc. Khi cùng nhau đọc sách, chúng em còn trao đổi với nhau về những cuốn sách, quyển truyện tranh, hay những gương về các bạn đội viên học giỏi, hát hay để học tập, noi theo.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hà Trung, cho biết: Văn hóa đọc có vai trò rất quan trọng trong việc bồi dưỡng kỹ năng, cung cấp những thông tin cần thiết, hữu ích, rèn luyện tính kiên nhẫn, khả năng ngôn ngữ, giao tiếp, trí tưởng tượng... cho các em học sinh. Do đó, những năm qua, các trường học trong huyện luôn quan tâm đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, thông qua việc xây dựng hệ thống thư viện trong trường. Hiện, toàn huyện đã có 48/72 trường học từ bậc mầm non đến THPT có thư viện đạt chuẩn. Việc bổ sung sách, báo, tạp chí... cho thư viện cũng được ngành giáo dục huyện quan tâm thực hiện thường xuyên. Hàng năm, 100% các trường học đều tổ chức “ngày hội đọc sách” để vừa tuyên truyền, giao lưu, vừa giúp học sinh có cơ hội tiếp xúc với những phương pháp đọc sách hiệu quả; cùng với đó, là tổ chức các hội thi kể chuyện, ngâm thơ, diễn kịch, đọc diễn cảm, vẽ tranh theo sách... để nêu gương, khen thưởng những tập thể lớp, cá nhân đọc nhiều, nhớ nhiều sách, báo, tạp chí... Từ những cách làm hiệu quả đó, văn hóa đọc trong các nhà trường ngày càng có sức lan tỏa rộng rãi, thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Xác định việc đọc sách không chỉ giúp học sinh phát triển trí tuệ, hình thành nhân cách; mà còn là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm tạo hứng thú cho học sinh mỗi khi đến trường. Vì vậy, nhiều năm qua, Trường THCS Tân Sơn (phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa) đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mỗi học sinh thấy được vai trò quan trọng của sách. Cô Lê Thị Minh, phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, nhất là trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả thầy cô cũng như học sinh. Bởi vậy, ngoài việc truyền thụ kiến thức, thầy cô còn là những người trực tiếp hướng dẫn, “truyền lửa” cho các em lòng say mê đọc sách, giúp cho các em có ý thức, thái độ đúng đắn trong đọc sách. Đồng thời, qua từng bài học, tiết học thầy cô còn hướng dẫn cho các em các tài liệu, những cuốn sách bổ ích, lý thú. Cùng với đó, nhà trường đã đầu tư xây dựng hệ thống thư viện thân thiện, huy động học sinh, giáo viên cùng tham gia ủng hộ sách báo, truyện...; tích cực phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức ngày hội đọc sách hàng năm với nhiều hoạt đông sôi nổi, thiết thực. Đồng thời, tuyên truyền, vận động học sinh và phụ huynh học sinh đến đọc sách tại các thư viện cộng đồng, đặc biệt thường xuyên truy cập theo dõi thông tin từ trang website của nhà trường...
Để khuyến khích tinh thần tự học thông qua việc đọc sách trong cộng đồng, nhất là các em thanh, thiếu nhi, tạo cơ hội để các em được thể hiện tài năng, sức sáng tạo và các kỹ năng khác của bản thân, từ đó lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Vừa qua, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2021dành riêng cho các em học sinh, sinh viên trên toàn quốc. Trong số 18 bài gửi tham gia vòng chung kết, tỉnh Thanh Hóa đã có 6 thí sinh đoạt giải, trong đó em Đỗ Vy Lam, lớp 6D, Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hóa) được trao Giải “Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu”; em Lê Thị Lan Anh, lớp 9B, Trường TH-THCS Đông Bắc Ga (TP Thanh Hóa) đạt Giải ba; 4 học sinh khác đạt giải khuyến khích. Giải chuyên đề được trao cho em Nguyễn Minh Tâm, lớp 6A, Trường THCS Nguyệt Ấn (huyện Ngọc Lặc). Từ kết quả trên cho thấy, các em học sinh, sinh viên trong các trường học trên địa bàn tỉnh đã thực sự quan tâm đến việc đọc sách. Từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách trong thế hệ trẻ, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng - một yếu tố quan trọng để xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.
Theo Bài và ảnh: Nguyễn Đạt/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/lan-toa-tinh-yeu-sach-trong-nha-truong/149280.htm