Buổi học về kỹ năng sống tại Trường Mầm non Vietkid.
Với mong muốn con trai 7 tuổi của mình rèn được tính tự lập, tự tin, chị Lê Thị Nguyệt (TP Thanh Hóa) đã đăng ký cho con tham gia các khóa học rèn luyện KNS ở các trung tâm. Trong kỳ nghỉ hè vừa qua, để con được hoạt động, tránh xa các thiết bị điện thoại, ipad, chị đã đăng ký cho con tham gia khóa học KNS tại trung tâm đào tạo KNS Kuma (TP Thanh Hóa). Chị Nguyệt chia sẻ, các khóa học KNS rất thiết thực đối với trẻ. Sau khi tham gia, con trai chị đã nhận biết được những nguy hiểm đối với bản thân, biết cách phòng tránh. Đặc biệt, cháu tự tin hơn trong giao tiếp.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, không gian, thời gian các con được tham gia các hoạt động bị hạn chế. Không để con rơi vào sự nhàm chán, tù túng chị Trịnh Vân Anh, phường Ba Đình (TP Thanh Hóa) đã tìm hiểu và đăng ký khóa học KNS online cho con. Chị chia sẻ, mỗi tuần 1 buổi, hai mẹ con cùng tham gia vào lớp học. Từ những kiến thức được học, chị cùng con thực hành, rèn luyện. Nhờ đó, con gái 9 tuổi của chị đã được làm quen với kỹ năng giao tiếp, ứng phó với các tình huống nguy hiểm như cháy nổ, đuối nước, lạc đường...
Không chỉ các gia đình quan tâm đến việc hình thành, giáo dục và rèn luyện KNS cho con, mà nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai các buổi học KNS cho học sinh. Qua tìm hiểu được biết, hiện nay các trường học đang tập trung giáo dục kỹ năng cần thiết cho trẻ, như: Kỹ năng sinh tồn, kỹ năng tự nhận thức, chăm sóc bản thân, giao tiếp ứng xử, tự lập, làm việc nhóm. Mỗi một cấp học lựa chọn những nội dung phù hợp với tuổi các em. Ví như các trường tiểu học lựa chọn nội dung hình thành kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng phó với các tình huống nguy hiểm. Còn trường mầm mon phần lớn chú trọng hình thành kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự lập cho trẻ như, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, biết nói lời xin lỗi khi mắc lỗi, biết cảm ơn khi nhận quà. Điển hình như, Trường Mầm non Vietkid (TP Thanh Hóa) thời gian qua đã quan tâm xây dựng nhiều hoạt động để tạo hứng thú cho trẻ dựa trên các kỹ năng cơ bản, như: tổ chức dã ngoại, thực hành trải nghiệm thực tế tại doanh trại, cơ sở sản xuất, trồng trọt chăn nuôi hay các địa điểm du lịch; tổ chức thực hành đóng vai làm nông, làm bác sĩ, đầu bếp, thợ cắt tóc, cảnh sát...; xây dựng góc học tập với hình ảnh, dụng cụ trực quan sinh động giúp trẻ nhận biết, thể hiện cảm xúc về sự vật, hiện tượng chung quanh; phối hợp với trung tâm dạy KNS tổ chức các buổi học cho trẻ. Từ những hành động nhỏ này, trẻ hình thành những thói quen tốt, kỹ năng biết ứng xử trong cuộc sống. Lớn lên, trẻ nhận thức được tình huống nguy hiểm cho bản thân, bạn bè, biết kêu cứu khi gặp nguy hiểm, biết chia sẻ với người lớn khi gặp khó khăn, hoạn nạn.
Tại các địa phương, việc tổ chức sân chơi, xây dựng môi trường an toàn cho trẻ cũng được quan tâm thực hiện. Và mỗi dịp hè, đoàn thanh niên tại các địa phương đã triển khai hoạt động hè, văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao để trẻ tham gia. Đồng thời, xây dựng mô hình quyền trẻ em; câu lạc bộ tiếng Anh KNS cho trẻ em sinh hoạt. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, KNS cho trẻ, giúp trẻ tự tin giao tiếp, hiểu bản thân mình; có thể nhận biết những nguy hiểm và bảo vệ mình tránh những mối nguy hại.
Có thể thấy việc giáo dục rèn luyện KNS cho trẻ đã được quan tâm và mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, việc giáo dục rèn luyện KNS cho trẻ vẫn chưa thực sự đạt hiểu quả cao. Thực tế tại các trường học, việc giáo dục KNS cho trẻ còn nhiều hạn chế. Cụ thể nhiều trường lồng ghép hoạt động này vào các môn học, hoặc đưa vào hoạt động chung theo hình thức ngoại khóa cho học sinh, vì thế thiếu chiều sâu, thiếu chuyên nghiệp. Phần lớn nội dung giáo dục còn nặng về lý thuyết mà thiếu thực tế, ứng dụng. Việc học tập trung với số lượng quá đông khiến những buổi học KNS như những buổi báo cáo chuyên đề. Nhiều chương trình học còn bất hợp lý, chưa phù hợp lứa tuổi học sinh. Đối với các gia đình, nhiều cha mẹ do bận rộn, áp lực với công việc mà phó mặc việc giáo dục, rèn luyện KNS của con cho các trung tâm và trường học. Do đó, trẻ chỉ mới dừng lại ở mức độ tiếp cận những KNS mà chưa được rèn luyện thường xuyên.
Giáo dục, rèn luyện KNS cho trẻ là hoạt động giúp trẻ có thể làm chủ bản thân, ứng xử phù hợp với cộng đồng và xã hội, thích nghi, học tập hiệu quả, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất, ứng phó tích cực trong các tình huống của cuộc sống. Để hình thành KNS cho trẻ không phải ngày một ngày hai mà cần một quá trình rèn luyện lâu dài. Do đó, đòi hỏi sự quan tâm, giáo dục của gia đình, nhà trường và cả xã hội. Để rèn luyện KNS cho trẻ, thiết nghĩ hãy bắt đầu từ gia đình - trường học đầu tiên của trẻ. Gia đình là nơi các con được giáo dục, hình thành những kỹ năng cơ bản nhất. Từ sự sẻ chia, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau đến việc tự lập, tự đi vệ sinh, tự ăn cơm đến việc giao tiếp đúng mực, lễ phép với mọi người. Do đó, cha mẹ hãy gương mẫu và dành thời gian, sự yêu thương, thấu hiểu cho con trẻ. Đồng thời, gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, các khóa học KNS của con, cũng như các hoạt động tại địa phương.
Theo Bài và ảnh: Quỳnh Chi/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/giao-duc/ren-luyen-ky-nang-song-cho-tre-can-su-chung-tay-tu-nhieu-phia/152435.htm