Thành phố Thanh Hóa ngày càng được đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại. Ảnh: Tư liệu Báo Thanh Hóa.
“Thanh Hóa đẹp là vì Việt Nam đẹp và diện mạo Thanh Hóa làm đậm đà thêm cái thực thể Việt Nam muôn màu, muôn vẻ”.Có người hẳn vì đã dành cho mảnh đất này không ít cảm tình, nên đã đưa ra nhận định như vậy. Điều này không phải không có lý khi xứ Thanh vốn được xem là nơi hội tụ và thăng hoa các giá trị lịch sử - văn hóa đã và đang góp phần làm nên bản sắc dân tộc. Đây phải chăng cũng là duyên cớ để ngay sau khi dừng chân tại TP Thanh Hóa - đô thị loại I vừa cổ kính vừa hiện đại, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa và dành phút tưởng niệm để ngưỡng vọng và tri ân công đức cao dày của tiền nhân: Anh hùng dân tộc Lê Lợi - vua Lê Thái Tổ, vị vua khai sáng nhà Hậu Lê - một trong những vương triều thịnh trị bậc nhất trong lịch sử dân tộc; và anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Hoạt động “về nguồn” này mang ý nghĩa hết sức đặc biệt, bởi không chỉ thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của dân tộc; mà như còn để mở ra sợi dây gắn kết giữa quá khứ với hiện tại. Bởi, trên mảnh đất này, hào khí Lam Sơn tỏa rạng từ ngót 6 thế kỷ trước, đã được kế thừa và phát huy lên tầm cao mới - mạnh mẽ và đầy hào hùng - trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là khí thế tranh đấu giành, giữ nền độc lập, tự do cho dân tộc và hướng đến những giá trị lớn lao, cao cả vì con người, mà trước hết và trên hết là quyền được hưởng hạnh phúc, ấm no của Nhân dân!
Trong chuyến thăm và làm việc tại Thanh Hóa ngày 24 và 25-1-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dâng hoa, dâng hương tại khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Tư liệu Báo Thanh Hóa.
Dựa trên truyền thống quý báu ngàn đời là “một lòng nồng nàn yêu nước”, cùng tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập, tự chủ, tự cường dân tộc, Việt Nam luôn nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Đó là nền tảng để nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế, mà một trong những minh chứng thuyết phục nhất cho điều này là thành công của chiến lược vacxin - ngoại giao vacxin được Việt Nam kiên trì theo đuổi trong suốt 1 năm qua. Đây cũng là vấn đề đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần đề cập và nhấn mạnh trong chuyến thăm Thanh Hóa lần này. Từ một nước thiếu vacxin, tỷ lệ tiêm chủng thấp, hiện Việt Nam đang đứng trong top đầu những nước có diện bao phủ vacxin cao nhất trên thế giới.
Từ “tấm lá chắn” vacxin, Việt Nam đã từng bước khống chế, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, tạo cơ sở để khôi phục kinh tế - xã hội đất nước. Nhờ đó, bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam năm 2021 có nhiều “điểm sáng”: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 2,58%; vốn đầu tư toàn xã hội (thực hiện theo giá hiện hành) ước đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2020; tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-12-2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180,1 nghìn tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020…
Trong chuyến thăm và làm việc tại Thanh Hóa ngày 24 và 25-1-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách và người có công tại thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Tư liệu Báo Thanh Hóa.
“Trong thành quả phát triển chung của đất nước trong năm 2021 có đóng góp quan trọng của tỉnh Thanh Hóa”. Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ khi gặp gỡ, trao đổi, trò chuyện với các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa qua các thời kỳ, lực lượng công an và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Dẫu phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh gây ra, song Thanh Hóa đã nỗ lực và đạt được nhiều “cái nhất”, như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 8,85%, nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước; thu ngân sách Nhà nước đạt trên 39.630 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Đồng thời, tình hình chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả…
Các chính sách an sinh xã hội thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, nhằm không để ai bị bỏ lại phía sau. Do đó, kiên quyết “không hi sinh công tác an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”; đồng thời, cần có cách tiếp cận toàn dân trong thực thi các chính sách an sinh xã hội. Đây là điều đã được Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh khi phát biểu trước hàng trăm đại biểu là người có công, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ, hộ nghèo, công nhân, người lao động tỉnh Thanh Hóa. Chỉ trong vòng vài tháng cuối cùng của năm 2021, cả nước đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách an sinh xã hội, với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Theo đó, đã xuất cấp 168 nghìn tấn gạo; trên 70.000 tỷ đồng triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; khoảng 43 triệu người thuộc các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh đã được hỗ trợ…
Trong chuyến thăm và làm việc tại Thanh Hóa ngày 24 và 25-1-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm hỏi đời sống, sản xuất, kinh doanh của Nhân dân trên phố Lê Hoàn, tại thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Tư liệu Báo Thanh Hóa.
Để đóng góp vào kết quả chung hết sức ấn tượng kể trên, Thanh Hóa là một trong những địa phương luôn chủ động, linh hoạt, tích cực và trách nhiệm trong thực thi các chính sách an sinh xã hội. Nhờ đó, toàn tỉnh có trên 13.200 lượt người sử dụng lao động, hộ kinh doanh và trên 527.000 lượt người lao động được phê duyệt hỗ trợ, với tổng kinh phí là gần 612 tỷ đồng… Đáng nói hơn,Thanh Hóa đã nắm bắt và giải quyết tương đối tốt mối quan hệ tác động và tương hỗ giữa công tác phòng, chống dịch COVID-19 với phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, tập trung phòng, chống dịch là nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân; đồng thời, tạo tiền đề cho phục hồi kinh tế - xã hội. Còn khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội vừa tạo ra trụ đỡ cho công tác phòng, chống dịch, vừa tạo nền tảng để bảo đảm an sinh xã hội. Cuối cùng, việc coi trọng công tác an sinh xã hội là nhằm ổn định đời sống vật chất, tinh thần, tư tưởng, tình cảm của Nhân dân, người lao động, từ đó góp phần ổn định xã hội để phát triển bền vững.
Khẳng định bản lĩnh, ý chí tự lực tự cường, cùng truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng, càng trong gian khó, thử thách lại càng được phát huy cao độ; cũng như tinh thần đại đoàn kết toàn dân và tinh thần đoàn kết nội bộ chính là tiền đề căn bản để Thanh Hóa đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây. Đó cũng là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục đặt kỳ vọng vào sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa trong năm 2022, gắn với việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 37/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa. Đề nghị tỉnh cần tiếp tục giữ vững kinh tế vĩ mô; tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; bảo đảm ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội…; đồng chí Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý tỉnh cần quan tâm giữ vững các trụ cột an sinh xã hội; thần tốc triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân 2022, nhằm mở rộng diện bao phủ vacxin COVID-19, tạo “cơ chế miễn dịch” hữu hiệu, góp phần bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.
Khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đồng thời nêu lên nhiều bài học kinh nghiệm quý, đã được đúc kết trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống dịch bệnh. Đó là, càng trong khó khăn, thách thức càng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó là, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách và cần có cách tiếp cận toàn dân trong giải quyết “nan đề” dịch bệnh COVID-19, với việc lấy con người làm trung tâm. Đó là, đề cao ý chí tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế và không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà hi sinh lợi ích an sinh xã hội. Những bài học “xương máu” ấy cũng chính là tiền đề để củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Đây cũng là điều được người đứng đầu Chính phủ hơn 1 lần nhấn mạnh trong chuyến thăm Thanh Hóa vào thời điểm sắp chuyển giao năm cũ - năm mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã kết thúc chuyến thăm hết sức ý nghĩa tại Thanh Hóa bằng lời chúc thắng lợi mới.Vậy nên, cũng xin mượn lời thơ của thi sĩ Nguyễn Khoa Điềm trong tuyệt phẩm “Đất nước”, để khép lại những dòng ghi chép cuối cùng trước khi Xuân Nhâm Dần gõ cửa. Rằng thời đại Hồ Chí Minh là thời đại “Bay lên xé gió thời gian/Mở hết đường bay qua thăng trầm lịch sử”. Với sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc luôn được thắp dậy trong nghịch cảnh; cùng niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, chúng ta đang có cơ sở để tự hào và kỳ vọng về mùa xuân mới nặng trĩu thành quả ngọt ngào rồi sẽ lại về trên quê hương, đất nước!
Theo Le Dung/Báo Thanh Hóa Điện tử
https://baothanhhoa.vn/thoi-su/ky-vong-ve-su-cuong-thinh-nhu-nguon-xuan-dat-/152632.htm