Dù nhắc tới “bình thường mới” từ lâu, nhưng phải sau Tết, cảm nhận về điều này mới thực sự rõ nét.
Học sinh Trường tiểu học Thịnh Liệt (Thanh Trì) trong ngày đầu tiên đến trường. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Trong ngành giáo dục, từ ngày 7/2, học sinh ở nhiều tỉnh thành đã tới trường học trực tiếp trở lại sau một thời gian dài học trực tuyến vì COVID-19. Tại Hà Nội, học sinh lớp 7 trở lên được tới trường trước, dù chỉ là nửa ngày. Tiếp đó, sẽ tới lượt sinh viên và học sinh từ lớp 1 tới lớp 6. Tại TP. Hồ Chí Minh, sáng 11/2, nhiều trường tiểu học đã đón học sinh lớp 1 để các em làm quen với trường lớp, thầy cô, bạn bè trước khi đi học chính thức vào ngày 14/2. Theo kế hoạch, từ 14/2, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 và trẻ mẫu giáo từ 3 tuổi sẽ đi học trở lại. Tại Đà Nẵng, toàn bộ học sinh sẽ tới trường từ ngày 14/2 tới.
Có thể nói mở cửa trường học trở lại là một bước quan trọng để cả nước mở lại tất cả những cánh cửa còn đang bị đóng. Khi trẻ em – đối tượng được xã hội bảo vệ nhất – có thể tới trường như trước đại dịch, đó là dấu hiệu cho thấy cuộc sống dần trở lại bình thường, chính xác là bình thường mới. Chiếc khăn quàng đỏ, bộ đồng phục, hay tiếng trống trường mà lâu lắm chúng ta mới nhìn thấy, nghe thấy trở nên vừa lạ vừa quen.
Trong ngành dịch vụ, nhiều cánh cửa tương tự đã mở trở lại. Trong khi rạp chiếu phim ở TP. Hồ Chí Minh đã mở cửa từ năm ngoái thì tới ngày 10/2 vừa rồi, loại hình giải trí này mới “hồi sinh” ở Hà Nội. Sau một thời gian dài chời đợi, khán giả thủ đô mới được xem phim chiếu rạp, nên cảnh náo nức, đông như hội ở các rạp phim là điều dễ hiểu.
Tại Hà Nội, dịch vụ giao thông công cộng gần như trở lại bình thường khi đa số tuyến xe bus đã hoạt động 100% công suất như trước. Dịch vụ xem ôm công nghệ cũng trở lại phục vụ khách hàng.
Một trong những dịch vụ được mong chờ mở cửa lại nhiều nhất là du lịch. Một loạt địa phương đã mở cửa đền chùa, địa điểm du lịch sau Tết. Tại Hà Nội, chính quyền đã cho phép mở cửa phủ Tây Hồ, chùa Hương phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh đã đón khách từ chiều 9/2… Với du lịch quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất từ ngày 31/3, sẽ mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách từ tất cả các thị trường.
Dù vẫn còn những cánh cửa buộc phải đóng ở một số nơi (như dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar), nhưng có thể thấy những nhu cầu thiết yếu nhất của xã hội đã dần trở lại, với làn gió mới, sức sống mới.
Với nước ta, mở cửa trở lại bây giờ là phù hợp với xu thế khu vực cũng như quốc tế và chắc chắn không phải là quá sớm. Từ ngày 10/2, Philippines mở cửa trở lại với du khách nước ngoài. Trước đó, du khách quốc tế đã tiêm vaccine có thể du lịch đảo Bali của Indonesia. Giới chức Malaysia đã đề nghị chính phủ mở cửa trở lại cho du khách quốc tế sớm nhất là vào ngày 1/3 tới. Ngay cả các “pháo đài” như New Zealand, Australia cũng thông báo kế hoạch mở cửa lại biên giới. Còn tại Mỹ và châu Âu, hầu hết các biện pháp phòng COVID-19 đã không còn. Thụy Điển thậm chí còn tuyên bố đại dịch đã kết thúc.
Tất nhiên, khi mà số ca mắc COVID-19 hàng ngày tại nước ta vẫn ở mức cao, thậm chí tăng mạnh trong những ngày gần đây, chúng ta mạnh dạn mở cửa nhưng không thể mở toang, mở thông thống mà không có biện pháp đề phòng. Tiêm chủng và 5K vẫn là điều kiện cần và đủ để mở cửa trở lại một cách an toàn.
Với Việt Nam, khi không còn ở đằng sau cánh cửa đóng kín an toàn, rủi ro là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Điều có thể dễ dự báo là số ca F0 sẽ tăng. Mở cửa trường học thì sẽ có F0 trong giáo viên, học sinh. Mở cửa du lịch thì sẽ có F0 trong du khách… Nhưng không thể vì thế mà chúng ta lại vội đóng sập cửa.
Khi đếm số ca mắc mới không còn quá quan trọng như trước kia, chúng ta chỉ cần đảm bảo số ca nhập viện và tử vong không tăng, rồi dần dần giảm. Khi số ca tử vong vì COVID-19 không tăng và cũng không cao hơn các bệnh truyền nhiễm tương tự khác, thì có thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, bệnh theo mùa.
Thực tế sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua cho thấy chúng ta đủ sức để mở cửa trở lại vào thời điểm này. Số liệu cho thấy trong ngày 11/2, cả nước có thêm 26.487 ca nhiễm mắc COVID-19 (lại lập kỷ lục), nhưng chỉ có 96 bệnh nhân tử vong, giảm nhiều so với thời gian trước.
Trong quá trình mở cửa lại, các chuyên gia nhận định trách nhiệm chính trong chống dịch bệnh không còn nằm ở chính quyền nữa mà nằm ở người dân. Người dân sẽ tự bảo vệ mình và mọi người xung quanh bằng vaccine, bằng ý thức. Nếu chẳng may mắc COVID-19, họ sẽ tự cách ly, tự điều trị tại nhà nếu bệnh nhẹ, từ đó giảm tải cho hệ thống y tế để dồn sức cứu chữa ca bệnh nặng.
Mở cửa trở lại để sống cuộc sống bình thường mới cũng là tạo điều kiện để mở ra các cơ hội mới, vận hội mới, thành công mới. Mạnh dạn bước ra khỏi cánh cửa đóng kín bấy lâu nay, nếu không là bây giờ thì sẽ là quá muộn.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com