Thứ bảy, ngày 23/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Lễ hội an toàn trong đại dịch (19/02/2022-8:46)
    Lễ hội dịp đầu xuân cầu bình an, may mắn đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt từ bao đời. Nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn hiện hữu, thì việc tổ chức lễ hội Xuân 2022 có khác thường lệ trong bối cảnh “bình thường mới”.

 Hàng trăm thuyền, đò ngược xuôi đưa đón khách trẩy hội chùa Hương. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Những năm chưa xảy ra dịch COVID-19, thì hoạt động lễ hội dịp đầu năm mới diễn ra với nhiều tầng nấc, chủ yếu vào tháng giêng, đặc biệt có lễ hội kéo dài từ tháng giêng cho đến tháng 6 âm lịch (lễ hội Chùa Hương). Năm nay, quy mô cũng như thời gian tổ chức ở nhiều lễ hội đã được thu hẹp cả nội dung cũng như công tác tổ chức; các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh được nhiều địa phương triển khai quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Tại Quảng Ninh, mùa lễ hội năm nay, các đền chùa, cơ sở thờ tự chỉ thực hiện nghi thức dâng hương, tế lễ nhỏ gọn, đảm bảo thành kính, trang nghiêm. Riêng phần hội không tổ chức để hạn chế tối đa việc tập trung đông người, chỉ thực hiện các nghi lễ với thành phần tham dự chính, đồng thời chủ động phương án hạn chế các hoạt động tập trung đông người. Tại di tích Yên Tử, tuy lượng khách không đông như những năm trước, song dịp nghỉ Tết Nhâm Dần vừa qua, vẫn có trên 51.000 lượt người dân, du khách đến tham quan, chiêm bái. Hoạt động tham quan, chiêm bái, lễ Phật tại Yên Tử trong những ngày đầu của lễ hội diễn ra trật tự, quy củ. Người dân, du khách đã chủ động thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Chính quyền địa phương nơi tổ chức lễ hội triển khai công tác bảo vệ, thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống phù hợp với tình hình dịch. Ban tổ chức các đền, chùa, cơ sở thờ tự cũng triển khai tuyên truyền, vận động, lập tổ công tác nhắc nhở người dân và du khách nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, ở một số địa phương nơi có lễ hội, vẫn xảy ra tình trạng “biển người” cùng một lúc đổ về một điểm lễ hội khiến nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát khó kiểm soát. Lễ hội Chùa Hương, chùa Tam Chúc, Đền Bà Chúa Kho… ngày đầu lễ hội đã phải đóng cửa trở lại khi lượng người quá tải. Cảnh chen lấn, cò mồi nơi thờ tự, tệ nạn xã hội tái phát, gây mất trật tự an ninh...

Mặc dù chính quyền địa phương xác định tinh thần sống chung với dịch nên đã tổ chức lại khâu đón tiếp du khách, tăng cường lực lượng y tế kiểm tra việc thực hiện 5K trước khi vào lễ hội. Nhưng do lượng người tham gia lễ hội quá lớn, trong khi lực lượng chức năng có hạn, không đủ người để xử lý các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch.

Rõ ràng, tình trạng quá tải xảy ra tại nhiều điểm di tích, đền chùa nơi diễn ra lễ hội như một lời cảnh báo.

Nhận định từ Bộ Y tế cho thấy, mặc dù tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đang được kiểm soát, nhưng vẫn diễn biến khó lường trong bối cảnh dịch trên thế giới còn phức tạp. Việc một số địa phương tổ chức lễ hội khi xảy ra tình trạng tập trung quá đông người không có biện pháp xử lý kịp thời, người tham gia không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.

Theo Phó giáo sư Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, ở những lễ hội có quá đông người, nếu trong số đông đó có người nhiễm COVID-19 sẽ gây lây nhiễm với số ca trong cộng đồng rất lớn. Trong thực tế, rất nhiều người mắc COVID-19 không có triệu chứng, lẩn khuất trong cộng đồng, rất khó phát hiện, dẫn đến công tác phòng chống dịch bệnh thêm khó khăn. Do đó, người dân tham gia lễ hội cần nâng cao ý thức, đề cao trách nhiệm với cộng đồng bằng cách tuân thủ nghiêm các quy định của ban tổ chức lễ hội cũng như các biện pháp phòng chống dịch.

Về phía chính quyền, ban quản lý lễ hội, khu du lịch tâm linh..., để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, cần phải có biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn. Thay vì cùng lúc đón một lượng khách quá lớn đổ về, cần có giải pháp phân luồng, phân chia các nhóm khách, khống chế số khách vào di tích, nơi thờ tự ở từng thời điểm; đồng thời yêu cầu người tham gia lễ hội tuân thủ nghiêm các yêu cầu về phòng chống dịch trong tình hình mới, đặc biệt là tuân thủ nguyên tắc 5K.

Nhấn mạnh yếu tố an toàn trong tổ chức lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành địa phương nghiêm túc thực hiện quy trình phòng chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thực hiện nghiêm quy định tạm ngừng tổ chức lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trong lễ hội, gây nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng...

Hơn lúc nào hết, rất cần sự chung tay, đồng lòng của các địa phương và người dân để đẩy lùi dịch COVID-19. Chỉ khi khống chế được dịch bệnh thì người dân mới được an toàn, được hưởng một lễ hội đúng nghĩa và đất nước mới ổn định, phát triển.

Theo Yến Nhi/Báo Tin tức

 

 

Các tin khác:
  • Mở cửa, mở cơ hội mới (15/02/2022-14:40)
  • An toàn đón học sinh trở lại trường (07/02/2022-8:38)
  • Không 'gây khó' người dân về quê ăn Tết (26/01/2022-11:40)
  • Không 'gây khó' người dân về quê ăn Tết (26/01/2022-11:33)
  • Để một mùa Tết thực sự là “bình thường mới”! (21/01/2022-9:44)
  • Quét sạch 'biến thể virus' tiêu cực (13/01/2022-16:17)
  • Thay đổi để thích ứng (05/01/2022-14:50)
  • Để bệnh nhân F0 yên tâm điều trị tại nhà (20/12/2021-10:31)
  • Liệu trình phục hồi nào cho nền kinh tế sau đại dịch? (19/12/2021-8:35)
  • Linh hoạt đánh giá, kiểm tra cuối kỳ (17/12/2021-15:15)