Thứ bảy, ngày 23/11/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Xây dựng Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia: Cơ hội quý để kiến tạo không gian phát triển quốc gia (04/03/2022-15:08)
    Việc xây dựng Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là cơ hội quý để kiến tạo mô hình, phân bổ không gian phát triển quốc gia nhằm đạt các mục tiêu, khát vọng lớn.

Sáng 2/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Thủ tướng, công tác lập quy hoạch hiện vẫn chậm so với yêu cầu, toàn quốc mới thực hiện được khoảng 10% quy hoạch cần phải lập theo Luật Quy hoạch. Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước. Việc xây dựng Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là cơ hội quý để kiến tạo mô hình, phân bổ không gian phát triển quốc gia nhằm đạt các mục tiêu, khát vọng lớn.

Kiến tạo một mô hình phân bổ không gian

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu tổng quát của xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đây là lần đầu tiên Quy hoạch tổng thể quốc gia được triển khai lập ở Việt Nam.

Theo Luật Quy hoạch (2017), Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.

Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia cần thiết được cấp thẩm quyền cho ý kiến và thông qua những định hướng lớn như quan điểm, mục tiêu, khung định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia, các định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng... trước khi triển khai các bước tiếp theo của quy trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Với mục tiêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Báo cáo định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cho rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, mang tầm chiến lược, dài hạn; đòi hỏi sự tham gia, vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, các nhà khoa học.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, trong khi các nguồn lực dành cho phát triển có hạn, trong một giai đoạn nhất định cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng khác cùng phát triển. Trong định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia, dự kiến tập trung hình thành và phát triển các hành lang kinh tế và vùng động lực.

Về phát triển các hành lang kinh tế, Chính phủ tập trung hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam và các hành lang kinh tế Đông - Tây. Dự kiến có 2 hành lang Bắc - Nam: Hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau và Hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Cao Bằng đến Kiên Giang - Cà Mau.

Trong giai đoạn đến năm 2030, ưu tiên phát triển Hành lang kinh tế phía Đông và phát triển dải ven biển.

Hiện nay, cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với quy mô khá lớn, gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do quy mô các vùng kinh tế trọng điểm quá lớn, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội nên chưa thực sự trở thành các vùng động lực, nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm có trình độ phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước.

Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có sân bay quốc tế cửa ngõ và cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các vùng động lực của quốc gia.

Phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy mới đột phá mạnh mẽ

Trước đó, ngày 22/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học về Báo cáo Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến Quy hoạch tổng thể quốc gia được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 năm 2022.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là vấn đề rất lớn, vì thế đây không phải là việc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà của cả hệ thống chính trị, của các bộ ngành, các chuyên gia tư vấn, các nhà khoa học, trường viện, cùng nhau tham gia. Mục tiêu của Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng và cũng là cơ sở để lập các quy hoạch khác.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tổng thể quốc gia là: kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội hài hoà, môi trường có chất lượng tốt, trong lành và an toàn.

 

xay dung dinh huong quy hoach tong the quoc gia co hoi quy de kien tao khong gian phat trien quoc gia hinh 2

 

“Tuy nhiên, hiện nay, điểm nghẽn lớn nhất là tư duy tầm nhìn, chúng ta không có tư duy đột phá táo bạo. Rào cản lớn nhất là chưa theo kịp xu thế, chưa thích ứng với sự thay đổi của thế giới. Từ tư duy đột phá, Quy hoạch cần nêu được các định hướng chủ động quyết định tương lai của đất nước mình, chứ không chỉ là đối phó. Do vậy, phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy mới đột phá mạnh mẽ được. Chúng ta phải tìm động lực mới cho đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cần các giải pháp đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng sau khi xác định các hành lang kinh tế ưu tiên, các vùng động lực, Chính phủ cần bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mạng lưới kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, phát triển các vùng gắn với các hành lang kinh tế và hình thành, phát triển các vùng động lực. Dự kiến Quy hoạch tổng thể quốc gia được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2022.

Để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương: tập trung, khẩn trương tổ chức lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thuộc thẩm quyền được phân công trên cơ sở bám sát lộ trình, tiến độ và kế hoạch đã đề xuất và thống nhất; đồng thời cam kết thực hiện và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tiến độ, chất lượng quy hoạch.

Cùng với đó, khẩn trương ban hành Báo cáo định hướng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng hoặc cung cấp Hồ sơ dự thảo quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng thuộc thẩm quyền được phân công, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng tải trên Cổng thông tin quy hoạch để các địa phương nghiên cứu, tham khảo trong quá trình lập quy hoạch tỉnh.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp những nội dung quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch còn chồng chéo, chưa thống nhất để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh; đồng thời, xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến thực thi các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022); các nội dung liên quan đến việc cho ý kiến về phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai để giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.

Ngoài ra, các địa phương cần tập trung, ưu tiên nguồn lực và phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan để sớm trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch; khẩn trương cung cấp thông tin và cơ sở dữ liệu về hồ sơ quy hoạch đã phê duyệt, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đưa vào Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

“Đây là nhưng nội dung cốt lõi, nếu được giải quyết sẽ là điều kiện để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo Khánh An/Báo NB&CL

https://congluan.vn/xay-dung-dinh-huong-quy-hoach-tong-the-quoc-gia-co-hoi-quy-de-kien-tao-khong-gian-phat-trien-quoc-gia-post183733.html

 

Các tin khác:
  • Lễ hội an toàn trong đại dịch (19/02/2022-8:46)
  • Mở cửa, mở cơ hội mới (15/02/2022-14:40)
  • An toàn đón học sinh trở lại trường (07/02/2022-8:38)
  • Không 'gây khó' người dân về quê ăn Tết (26/01/2022-11:40)
  • Không 'gây khó' người dân về quê ăn Tết (26/01/2022-11:33)
  • Để một mùa Tết thực sự là “bình thường mới”! (21/01/2022-9:44)
  • Quét sạch 'biến thể virus' tiêu cực (13/01/2022-16:17)
  • Thay đổi để thích ứng (05/01/2022-14:50)
  • Để bệnh nhân F0 yên tâm điều trị tại nhà (20/12/2021-10:31)
  • Liệu trình phục hồi nào cho nền kinh tế sau đại dịch? (19/12/2021-8:35)