Coi COVID-19 là bệnh đặc hữu: Phải chờ thời điểm thích hợp! (11/03/2022-15:07)
Không còn đánh số thứ tự F0, cách ly tại nhà, giảm tối đa thời gian cách ly, bỏ một số quy định xét nghiệm, phân bổ thuốc kháng virus đến hệ thống nhà thuốc... là các động thái cho thấy Việt Nam đang dần thay đổi quan điểm chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu (bệnh thông thường). Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Y tế, tại Việt Nam dịch đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn “bệnh lưu hành”, cần thêm thời gian để coi COVID-19 là “bệnh đặc hữu”.
Khi nào có thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu?
Giải thích về khái niệm “bệnh đặc hữu là gì?”, một chuyên gia y tế cho biết hiện nay dịch SARS-CoV-2 được xếp vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A (nhóm đặc biệt nguy hiểm). Ngoài việc huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị vào cuộc chiến phòng, chống đại dịch; trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch, thì việc khám chữa bệnh hoàn toàn Nhà nước phải chi trả, người dân chữa bệnh COVID-19 không mất tiền...
Khi coi COVID-19 là bệnh đặc hữu tức là sẽ không xem COVID-19 là đại dịch nữa mà coi như một bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm, bệnh chuyên khoa thông thường. Tại các cơ sở y tế sẽ tập trung chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả, giảm biến chứng, giảm tử vong.
Theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, Đại học Y Hà Nội khi tiến tới việc thay đổi từ đại dịch sang bệnh đặc hữu thì việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh COVID-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do BHYT chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.
Cùng quan điểm rằng sẽ đến lúc COVID-19 cũng được coi bệnh đặc hữu, tuy nhiên, theo một chuyên gia dịch tễ trước làn sóng dịch mới, biến thể mới với số ca mắc tăng nhanh như thời gian qua thì việc coi COVID-19 là bệnh đặc hữu sẽ cần thêm nhiều thời gian.
“Với số ca mắc và tử vong như hiện nay, sự đáp ứng của hệ thống y tế còn hạn chế, cùng với việc biến thể liên tục của chủng virus SARS-CoV-2 và hiệu quả của vắc-xin phòng bệnh chưa được như mong muốn, cuộc sống chưa trở lại bình thường thì chưa thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu” - chuyên gia này phân tích.
Nhận định về tình hình dịch bệnh, nhiều chuyên gia dịch tễ cho rằng dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng nhanh, số ca tử vong cũng bắt đầu tăng. Những ngày qua, khi số lượng F0 trên địa bàn cả nước trên 100.000 ca mỗi ngày, nhiều người đã suy nghĩ “rồi ai cũng thành F0”. Đây là điều rất đáng lo ngại.
“Chúng ta chỉ có thể thả lỏng hoàn toàn khi có được một hệ thống y tế tốt, có khả năng chống đỡ, còn ở điều kiện hiện tại, nếu để dịch bùng phát mạnh sẽ dẫn tới việc y tế bị quá tải. Bên cạnh đó, nếu không thực hiện quy định cách ly nghiêm túc, các F0 sẽ trở thành nguồn lây cho nhiều người khác, nguy hiểm hơn là lây cho người già, người có bệnh nền và trẻ em, khiến dịch lây lan theo cấp số nhân”, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, cảnh báo.
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý trong bối cảnh hiện nay, cả mọi người cần nâng cao cảnh giác, kể cả những người đã là F0, hoặc đang là F1, người chưa mắc COVID-19 cần chủ động phòng, chống dịch, hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều, không tụ tập, không đến nơi đông người khi không cần thiết… “Đừng buông xuôi, thả lỏng, nghĩ “ai rồi cũng thành F0” thì rất nguy hiểm, kéo theo vô số những hệ lụy, trong đó có quá tải hệ thống y tế, khiến số ca bệnh nặng, tử vong tăng vọt” - một chuyên gia khuyến cáo.
Chuyển dần trạng thái, giảm gánh nặng cho ngân sách
Các chuyên gia nhận định, dịch COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn nhưng dần dần nó không còn là một đại dịch mà sẽ chuyển sang giai đoạn là một bệnh đặc hữu. Với tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao như hiện nay, Việt Nam có thể cân nhắc mở cửa hoàn toàn như nhiều nước trên thế giới. Hiện một số ý kiến cho rằng ở thời điểm này Việt Nam cũng đã xác định thích ứng an toàn với SARS-CoV-2, các quy định mở cửa, nối lại đường bay được thực hiện, thì cần có cách ứng phó với dịch phù hợp hơn. Đã đến lúc bỏ khái niệm F0, F1 và coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Đại học Y Hà Nội cho rằng, cũng như trên thế giới, bản chất của virus SARS-CoV-2 dần dần sẽ trở thành bệnh truyền nhiễm chuyên khoa thông thường, quy mô không bao trùm như đại dịch nữa. Theo đó, số người bị, sự lây nhiễm nhanh, số người tử vong, ảnh hưởng hệ thống y tế giảm đi, không còn như khi dịch mới bùng phát.
Đưa ra lý do này, ông Hải cho biết nếu không coi dịch COVID-19 là bệnh đặc hữu thì sẽ là gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Khi đó việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh COVID-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác. Nếu không ngân sách Nhà nước cũng không chạy theo kịp nếu cứ tiếp tục như thế này.
Để trông chờ vào ngân sách Nhà nước sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, dịch bệnh đã bước sang năm thứ 3 và gây tốn kém rất lớn cho Nhà nước về kinh phí cũng như nhân lực. Chuyên gia cho rằng, cần phải dần chuyển đổi trạng thái để dành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Bởi hiện nay dịch SARS-CoV-2 được xếp vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A (nhóm đặc biệt nguy hiểm). Ngoài việc huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị vào cuộc chiến phòng, chống đại dịch; trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch, thì việc khám chữa bệnh hoàn toàn Nhà nước phải chi trả, người dân chữa bệnh COVID-19 không mất tiền...
Còn khi tiến tới việc thay đổi từ đại dịch sang bệnh đặc hữu thì việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh COVID-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do BHYT chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trong tình hình hiện nay, công tác phòng chống dịch có lẽ đã bước sang một giai đoạn mới. Với việc dần coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu xóa bỏ các hạn chế, thậm chí tuyên bố hết dịch để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, giờ không còn là quá sớm để Việt Nam chuyển hướng hành động theo trào lưu chung của thế giới. Trong nước, hầu hết các địa phương đều đã khắc phục được những hạn chế của cách tư duy theo hệ chuẩn zero COVID. Những giải pháp phòng chống dịch cực đoan gây khó cho người dân, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội đang được giảm thiểu tối đa.
Theo ông, việc đo đếm số ca lây nhiễm có thể vẫn có ích cho việc nghiên cứu và hoạch định chiến lược, nhưng quả thực ít có ý nghĩa thực tiễn. Bởi thống kê số ca mắc COVID-19 trong bối cảnh rất nhiều người bị nhiễm và tự khỏi hoặc biết mình bị nhiễm nhưng không khai báo như hiện nay là ít có ý nghĩa và cũng khó chính xác.
Khi đại đa số người dân đã được tiêm chủng đầy đủ thì hãy sống bình thường, làm việc bình thường và phòng chống COVID-19 bình thường như chúng ta vẫn ứng xử với bất kỳ loại bệnh tật nào khác. Việt Nam không thể đóng cửa vô tận để chờ virus gây bệnh COVID-19 biến mất được.
Do vậy, trong tình hình hiện nay, người dân phải tự nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, giữ gìn sức khỏe, thay đổi thói quen để thích nghi với cuộc sống bình thường mới.
Bộ Y tế đề xuất F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly
Trong đề xuất của Bộ Y tế xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh COVID-19. F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến...
Theo đó, người nhiễm SARS-CoV-2 (F0) không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly (07 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính), tự nguyện tham gia làm việc. Các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh COVID-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm Thông điệp 5K.
Đối với trường hợp F1 nhưng chưa tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19 hoặc chưa tiêm vắc-xin phòng COVID-19 được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương mình thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. F1 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.
F1 thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hoặc phát hiện kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày thứ 5 kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe nêu trên để phát hiện sớm và triển khai các biện pháp xử lý y tế đối với trường hợp mắc COVID-19 theo quy định.
Địa chỉ: Tòa nhà hợp khối các đơn vị sự nghiệp, đường Lý Nam Đế, P. Đông Hương, TPTH
Người chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Thương Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa
ĐT:
02373.752.456
Hotline: 0918.084.568
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com